Tôi cũng có mặt trong đoàn người đó, chính xác là bị mắc kẹt vì không thể về nhà sau trận chung kết ở Mỹ Đình. Nhưng cũng giống nhiều người, tôi chưa thấy lần nào kẹt xe mà thị dân lại đối xử tử tế với nhau đến thế. Có hai chiếc ô tô hạng sang quệt vào nhau, nhưng hai bác tài mở cửa bắt tay nhau vui vẻ rồi đường ai nấy đi. Những người ngồi trên xe máy thay vì bấm còi loạn xạ và luồn lách bạt mạng, từ tốn đi, vẫy cờ, và hô "Việt Nam vô địch" với nụ cười trên môi. Một hình ảnh rất khác với Hà Nội mà tôi phải đối mặt mỗi ngày.
Những sự kiện lớn, thu hút nhiều người dân đổ ra đường như vậy là dịp hiếm có để mường tượng quy mô khổng lồ của xã hội trăm-triệu-dân, bằng trực giác và cảm giác, vốn nhiều khi không thể cảm nhận được hết qua con số trên lý thuyết. Và nếu để ý, chúng ta cũng thấy trong hàng triệu người đổ ra đường ngày hôm đó, ít ai đi một mình. Họ sẽ chung vui với người thân, bạn bè, nhóm đồng nghiệp, đội bóng đá phủi, hay những nhóm cổ động viên đã biết nhau từ trước.
Những cộng đồng đó tạo thành những khối gắn kết vô hình, tạo ra một loại "trật tự trong hỗn loạn" trên đường phố. Họ đến với nhau không vì mục đích kinh tế hay chính trị. Về mặt tình cảm, phần lớn trong số họ là những người không có quan hệ huyết thống với nhau. Điều đan kết họ lại từ những cá nhân nhỏ lẻ, trở thành một cộng đồng rộng lớn hơn rất nhiều chính là niềm vui và sở thích chung. Ở trường hợp này là bóng đá.
Một mặt, bóng đá cho thấy chúng ta vẫn có thể gắn kết bởi những giá trị tích cực dưới một khối thống nhất. Mặt khác, sự hiếm hoi của không khí này tố cáo một thực tế: cộng đồng vắng mặt ở những nơi và thời điểm cần nó nhất.
Những sự kiện tích cực - như chức vô địch AFF Cup - không phải lúc nào cũng có, trong khi thất bại của cộng đồng diễn ra thường xuyên. Đó là khi chúng ta không thể bảo vệ những đứa trẻ khỏi những cái tát của bạn học và cô giáo; khi người qua đường làm ngơ hay chỉ chụp ảnh ai đó gặp nạn để đăng lên mạng; hay khi chúng ta thờ ơ với chính môi trường sống xung quanh ngày càng xấu đi.
"Đạo đức suy đồi" là lý do hay được dùng để biện minh cho những hành vi đó. Tuy nhiên, khi sa vào các phạm trù về đạo đức và văn hóa, sẽ rất khó để cắt nghĩa vấn đề một cách rõ ràng. Một vài cá nhân sẽ được đưa ra đấu tố, thậm chí điều tra để xử lý như các vị giáo viên mới đây. Nhưng trừng phạt nghiêm khắc có khiến hành vi xấu mất đi, khi chính sức mạnh bảo vệ đến từ cộng đồng suy giảm?
Các nhà xã hội học thì đưa ra một khái niệm để đánh giá một cách thực chứng hơn, họ gọi là "vốn xã hội". Hiểu một cách đơn giản, vốn xã hội là những mạng lưới, quy tắc, niềm tin giúp thúc đẩy công dân tham gia tích cực vào hoạt động của cộng đồng. Nơi nào có vốn xã hội cao thì con người tin tưởng nhau hơn, dễ hợp tác hơn, làm giảm chi phí giao dịch (ví dụ như vay tiền không cần thế chấp), và từ đó tác động tích cực đến phát triển kinh tế.
Robert Putnam, nhà xã hội học người Mỹ, từng chứng minh vai trò của vốn xã hội khi phân tích sự khác biệt giữa một miền Bắc nước Ý giàu có và ổn định, so với miền Nam nghèo và hỗn loạn hơn. Hệ thống mafia sản sinh ở miền Nam Ý cũng vì trong một cộng đồng thiếu sự tin tưởng – từ những người lạ cho đến chính quyền – người dân buộc phải vay mượn niềm tin ở những thể chế quyền lực khác. Từ đó, Putnam cho rằng một đất nước muốn thịnh vượng luôn cần có vốn xã hội cao.
Những hiện tượng tiêu cực trong xã hội thời gian qua, theo tôi, là dấu hiệu cho thấy niềm tin trong xã hội đang suy giảm. Hay thậm chí còn tệ hơn, chúng ta đang gặp khủng hoảng về giá trị. Các nạn nhân thiếu niên không tin nhà trường, thầy cô giáo, hay đoàn thể có thể giúp mình chống lại bạo hành học đường; người dân rơi vào vòng xoáy tín dụng đen vì không tin vào khả năng vay mượn kịp thời từ ngân hàng; hay doanh nghiệp không tin vào tính liêm chính của các đoàn kiểm tra cơ sở vào cuối năm. Nếu các bạn theo dõi mục Thể thao của VnExpress, sau mỗi chiến thắng của đội tuyển Việt Nam, từ Thường Châu cho đến Mỹ Đình, luôn có những bình luận tỏ ý bi quan cho trận đấu kế tiếp.
Câu hỏi khó là việc nâng cao vốn xã hội bằng cách nào, đặc biệt trong thời kỳ mỗi cá nhân đều có thể tự tồn tại trong những chiếc hang ảo trên mạng của mình. Chiến thắng trong bóng đá là cú hích cho tinh thần cộng đồng, dù không diễn ra thường xuyên, nhưng đem lại nhiều gợi mở. Người ta chỉ vui vẻ với nhau khi biết người khác cũng chia sẻ cùng hệ giá trị. Tại sao hàng nghìn va chạm trên đường không thể giải quyết được bằng những cái bắt tay thay vì nắm đấm?
Putnam cho rằng thể chế đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng hệ giá trị để cộng đồng tin tưởng nhau hơn. Như câu chuyện ở nước Ý, một xã hội được cai trị bởi hệ thống thượng tôn pháp luật, dân chủ, với sự tham gia chủ động của người dân, sẽ làm tăng vốn xã hội. Bởi khi đó nhà nước sẽ là "chỗ dựa" cuối cùng cho cá nhân mỗi khi vấn đề không được giải quyết bằng niềm tin. Ngược lại, khi nhà nước không thể giữ trọng trách đó, người dân sẽ co cụm lại vào cộng đồng nhỏ của mình, hoặc dựa dẫm vào hệ thống quyền lực khác - như những tổ chức ngầm.
Giải bài toán đó cần nhiều hơn nỗ lực "đạo đức" của bất kì cá nhân cụ thể nào.
Nguyễn Khắc Giang