Hôm nay, 26/9, là Ngày Phòng tránh thai Thế giới. Tôi nghĩ về điều này và nhớ đến câu nói của nhà khoa học người Anh, Marie Stopes: "Trong các mối quan hệ của loài người, không có hình thức tra tấn hay nô lệ nào khủng khiếp như việc làm mẹ do bị ép buộc hay ngoài ý muốn". Nhưng, chúng ta vẫn đang vô tình tạo ra sự khủng khiếp đó.
Hàng năm tại Việt Nam có gần 6.000 ca phá thai vị thành niên được chính thức ghi nhận. Nói "chính thức" vì còn không ít ca không được biết đến và ghi nhận bởi cơ quan chức năng và thống kê. Những đứa trẻ được hoài thai và ra đời khi mẹ nó không muốn thực sự cao hơn rất nhiều.
Bạn từng biết đến những tin tức đau buồn như, một nữ sinh ném con vừa sinh từ nhà cao tầng, những đứa trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện, trước cổng chùa, nơi công cộng; hay những đội tình nguyện ngày đêm nhặt xác trẻ sơ sinh, những mái ấm nuôi trẻ mồ côi mọc lên ngày càng nhiều. Đó chính là hồi chuông cảnh báo việc người trẻ thiếu kiến thức và cả vô trách nhiệm với phòng tránh thai. Dù mỗi người mẹ bỏ con đều có lý do của họ, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng, nếu họ chủ động, đủ kiến thức và chuẩn bị kỹ càng trước khi làm mẹ, rất nhiều sinh linh bé nhỏ vừa mở mắt chào đời sẽ không bất hạnh.
Tôi gặp Phương (tên nhân vật đã thay đổi), cô sinh viên 21 tuổi trông khá giản dị, khi đi phỏng vấn các bạn nữ chưa lập gia đình về các lựa chọn tránh thai năm 2018. Sau những phút đầu ngại ngùng, Phương kể: em đi học xa nhà, ở trọ cùng với một bạn gái nữa. Em đã có người yêu được gần hai năm nay, và hai người đã quan hệ tình dục. "Một vài lần", Phương nói với tôi, "hầu hết những lần gần gũi, bọn em đều không chủ định từ trước. Có lúc bọn em sử dụng bao cao su, có lúc không". Tôi hỏi, em có nghĩ rằng mình có thể có em bé mà chưa sẵn sàng làm mẹ không, "nhưng em nghĩ khả năng có bầu là rất thấp vì bọn em không thường xuyên quan hệ", cô nói.
Khi tôi hỏi Phương về nguồn thông tin nơi em tìm hiểu các phương pháp tránh thai, cô thẳng băng: "những gì không biết thì tra Google thôi chị". Bố mẹ Phương chưa bao giờ nói chuyện với em về tình dục an toàn. Và cũng như nhiều bạn nữ khác mà tôi phỏng vấn, Phương bảo không nhớ những kiến thức sức khoẻ sinh sản học được ở trường vì chỉ được dạy qua loa, kiểu cô giáo chỉ vào hình, học sinh cười rúc rích, không ai dám hỏi lại. Nguồn thông tin Google bây giờ thì nhiều, nhưng cũng không thống nhất và Phương không biết có đáng tin không.
Phương và hầu hết các bạn nữ như em chưa bao giờ chủ động tìm kiếm sự tư vấn về phòng tránh thai tại các cơ sở y tế, các địa chỉ tư vấn cộng đồng vì tâm lý e ngại, sợ "bị nghĩ là hư hỏng". Tôi từng làm những sự kiện truyền thông về phòng tránh thai ở nhiều địa điểm như trạm y tế xã, trường học, nhà máy, trung tâm thương mại. Dù làm sự kiện ở đâu, tôi thấy hầu hết các bạn trẻ khá thờ ơ. Một số bảo: "Em chưa lập gia đình chị ơi", rồi bỏ đi. Còn có những chị đã lập gia đình lại nhìn tôi với con mắt hoài nghi: "Em trông trẻ thế, chắc chưa lập gia đình thì làm sao rành mấy chuyện tránh thai này mà đi dạy?".
Những câu nói trên đều chung một hàm ý, rằng chỉ những người đã kết hôn mới cần biết các lựa chọn phòng tránh thai, ai độc thân thì chưa cần. Ngày nay, ta không thể cấm người trẻ có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Là người làm công tác cộng đồng, tôi tin rằng, các bạn nữ trẻ càng cần phải có kiến thức về phòng tránh thai để chủ động hơn trong quan hệ tình cảm, làm chủ cuộc sống của chính mình, tránh gây hệ lụy cho những cuộc đời khác nếu vô tình sinh ra những đứa trẻ.
Ở Hà Lan, một trong những quốc gia có tỷ lệ mang thai vị thành niên và phá thai thấp nhất thế giới, giáo dục giới tính được đưa vào từ chương trình mẫu giáo và đến khi 11 tuổi, học sinh đã có thể thảo luận về các chủ đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản. Các bậc cha mẹ ở đây khá thẳng thắn, cởi mở trong việc nói chuyện với con cái ở mọi độ tuổi về các mối quan hệ tình cảm và tình dục an toàn. Khi con bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ có thể đặt lịch hẹn với bác sĩ gia đình để chúng được tư vấn về sức khoẻ sinh sản.
Nếu bạn có con gái, đã bao giờ vợ chồng bạn nói chuyện trực tiếp và cởi mở về tình dục an toàn, những cảm xúc đầu đời với chúng; hay là lờ đi, ngăn cấm, dọa dẫm, tuyên bố rằng "không được hư". Có nhiều cách để chúng ta giao tiếp với con về chuyện này, ngoài chia sẻ trực tiếp, cha mẹ có thể giúp con tìm hiểu thông qua tài liệu, phim, tham gia những chương trình tư vấn, khoá học về sức khoẻ sinh sản. Hơn nữa, điều chính phủ và cơ quan liên quan nên làm ngay là mở ra những phòng khám cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản thân thiện với người trẻ, nơi mà các bạn trẻ cảm thấy riêng tư, thoải mái để được lắng nghe về những băn khoăn, lo lắng đầu đời, được đón nhận đầy đủ thông tin về ưu, nhược điểm của các cách thức tránh thai khác nhau.
Tôi đã dùng từ "lựa chọn tránh thai" thay vì "biện pháp tránh thai". Bởi "biện pháp" là cách để giải quyết một vấn đề, còn việc "có thai" không phải là một vấn đề, đó là sự lựa chọn. Mà lựa chọn có hiểu biết luôn ít để lại hậu quả hơn.
Lương Vân Lam