Việc có đại biểu Quốc hội nghĩ giống mình và cũng có vị không nghĩ như vậy theo tôi hết sức bình thường. Song ngày hôm qua tại hội trường Quốc hội là một ngày khá đặc biệt vì mấy lẽ. Các đại biểu bối rối vì cách lấy ý kiến theo phương thức mới: nếu lần lấy ý kiến đầu tiên về một nội dung đạt tỷ lệ quá bán thì không cần phải lấy ý kiến lần thứ hai. Họ hồi hộp nhìn con số trên màn hình nháy từng giây, đếm theo tỷ lệ phiếu bầu về việc răn đe những con ma men sau tay lái.
Tuy nhiên, ra khỏi hội trường, chúng tôi còn bối rối hơn nhiều. Thông tin "Quốc hội không đồng ý phương án đã uống rượu thì không lái xe" tràn ngập trên mạng. Có đại biểu hỏi nhau: "Tại sao lại giật tít như vậy?". Tôi nhận được tin nhắn của một số người, họ hỏi tôi thấy thế nào về việc này, rằng có hay không chuyện các đại biểu đã bị ai đó "lobby" (vận động hành lang).
Tôi về nhà, đọc rất nhiều status trên mạng xã hội mới hiểu, đây là lỗi của việc chưa có sự giải thích rõ ràng từ người có trách nhiệm. Nhiều người đã hiểu nhầm khi nhìn hình ảnh về tỷ lệ bấm nút "đồng ý", "không đồng ý" chụp bảng điện tử ở Quốc hội. Tôi xin khẳng định không đại biểu nào ủng hộ uống rượu bia mà lái xe. Và thật ra nếu có ai trong thâm tâm ủng hộ rượu bia một cách cực đoan cũng không dại gì công khai việc này.
Việc Quốc hội bỏ phiếu là để thay đổi tình hình hiện tại của một điều luật hay tạo ra một điều luật, quy định mới. Với cách hiểu đó, chúng ta xem xét luật hiện hành (tình trạng hiện tại) của việc cấm rượu bia khi điều khiển phương tiện cơ giới đang là gì? Có phải chưa bao giờ Quốc hội luật hoá việc cấm uống rượu bia khi lái xe hay không?
Ở bất cứ nước nào và đã từ rất lâu, lái xe sau khi uống rượu, bia là một hành động bất hợp pháp nếu nồng độ cồn trong hơi thở và trong máu vượt quá ngưỡng cho phép. Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 (luật hiện hành) cho phép 50 miligram/100 mililit máu hoặc 0,25 miligram/1 lít khí thở đối với người điều khiển xe máy (0,05%) và là 0% đối với người điều khiển ô tô. Tức là hiện nay, Việt Nam đã rất khắt khe với người điều khiển ô tô đến mức hễ đã uống rượu thì không được lái ô tô.
Còn ngưỡng cho phép đối với người lái xe máy là 50 miligram/100 mililit máu (0,05%). Nếu so sánh ngưỡng này với các quốc gia khác như Malaysia, Mỹ, Anh, Singapore cùng là 0,08%, Hàn Quốc là 0,05% cho mọi loại xe, sự khắt khe của Việt Nam chỉ xếp sau Nhật, Trung Quốc, Thái Lan - các nước có ngưỡng cho phép từ 0,02% đến 0,03%.
Điều này đúng như khẳng định của tôi từ đầu là về mặt pháp luật chúng ta đã có khung pháp lý chắc chắn trong việc hạn chế uống rượu bia khi lái xe. Không một đại biểu nào định thay đổi điều này.
Vậy Quốc hội đang bấm nút cái gì? Hai phương án đưa ra để Quốc hội cho ý kiến bằng hình thức bấm nút là nhằm hoàn thiện dự thảo luật "Phòng chống tác hại rượu bia" chứ không phải để thông qua dự luật này.
Phương án một là "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn". Phương án hai là "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông".
Có nghĩa là, Quốc hội một lần nữa khẳng định việc cấm sử dụng phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia. Vấn đề là ngưỡng nồng độ là như thế nào thì sẽ bị cấ́m. Phương án một cấm tuyệt đối việc uống rượu lái xe và trên thực tế sẽ chỉ là kéo ngưỡng cho tài xế xe máy xuống mức 0% như tài xế ô tô. Phương án hai thì có hai cách hiểu: hoặc giữ nguyên ngưỡng như hiện nay với xe máy, hoặc không đưa vào dự luật này, để cho Luật Giao thông đường bộ quy định cụ thể trong lần chỉnh lý tới với xu thế giảm ngưỡng cho phép xuống. Không có phương án nào nói rằng từ nay tài xế được tự do uống rượu lái xe, tức hợp pháp hoá hành vi này.
Như vậy, việc không đồng ý với tỷ lệ quá bán bất kỳ phương án nào hôm qua của Quốc hội là thể hiện chính kiến của các đại biểu. Một số người nghi ngờ hay lên án đại biểu "bị nhóm lợi ích mua chuộc" là cáo buộc cần có bằng chứng chứ không thể nói vô trách nhiệm.
Các đại biểu đã lựa cho chọn phương án hai (cho phép được uống bia với nồng độ cho phép như luật hiện hành) không phải là không có lý. Không phải tự nhiên mà rất ít quốc gia đưa ngưỡng về 0%. Theo các nghiên cứu Y học, có nhiều lý do để một người vẫn còn nồng độ cồn trong người mặc dù họ hoàn toàn tỉnh táo ví dụ như stress, cơ địa thải cồn chậm, hay đơn giản là ăn món thịt bò sốt rượu vang hay miếng socola nhân rượu rum... Nếu đặt ngưỡng 0% có khi sẽ bị phạt nhầm sang những trường hợp người lái xe hoàn toàn tỉnh táo không rượu bia.
Một vấn đề tưởng như hết sức đơn giản nhưng do sự hiểu lầm với cách giật tít của một vài báo đã làm cho một bộ phận xã hội bức xúc hoang mang. Tuy nhiên, theo góc nhìn của những nhà lập pháp, Quốc hội cần rút kinh nghiệm trong việc kịp thời phản ứng với các thông tin không chính xác của xã hội để giải thích tường minh, tránh những hiểu lầm đáng tiếc của người dân.
Nếu như những phát biểu của phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình hay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được thông tin ngay và rộng rãi, chắc chắn sẽ không có những phê phán rằng đại biểu Quốc hội thích rượu bia quá nên "đấu tranh" cho việc được uống bia rượu khi sử dụng phương tiện cơ giới; không có việc một số lái xe hùng hồn từ chối cảnh sát giao thông "thổi" kiểm tra nồng độ cồn vì: "Quốc hội đã cho phép từ hôm qua rồi".
Nguyễn Lân Hiếu