Ý tưởng của ông là dùng bồn lắp ghép bằng composite để chứa nước mưa. Nếu mỗi công sở, hộ dân đều được trang bị các bồn chứa này, thành phố sẽ không còn ngập lụt. Khiếu thuyết trình cộng với nhiệt huyết của ông đã thuyết phục được một tờ báo đăng bài viết về giải pháp sáng tạo này với tiêu đề "Người nhốt mưa".
Dù nghi ngờ tính hiệu quả, sếp tôi cũng nể tình hợp tác nghiên cứu thử cho biết. Tôi được giao nhiệm vụ hỗ trợ nhà khoa học nọ thực nghiệm giải pháp. Hiện trường là một góc sân rộng trong cơ quan. "Người nhốt mưa" dùng năm tấm composite ghép lại thành cái bồn hình chữ nhật, bên ngoài gia cố bằng khung sắt. Ông trải bạt trong lòng bồn để nước không rỉ ra ngoài. Phía trên bồn không có nắp, chờ mưa rơi vào để "nhốt".
Một chiều cuối tháng bảy, trời tối đen, mây vần vũ. Mưa ào ào dội xuống. Trong sân và trong bồn, nước dần dâng lên. Từ cơ quan tôi ra đến đường cái, nước bủa vây tứ phía. Cái bồn với tấm bạt màu xanh nằm chơ vơ một góc "thất thủ" trong biển nước mênh mông. Tất nhiên không có hiệu quả rõ ràng về giảm ngập. Trời tạnh, "người nhốt mưa" vẫn bó gối, thở dài im lặng. Tôi cười, bảo: "Hôm nay anh bị mưa nhốt đấy nhé". Ông cãi: "Chú không thấy anh đã nhốt được mưa trong góc sân à? Nếu những cái bồn kia được lắp đầy thành phố thì nước mưa còn cơ hội chạy đi đâu?".
Tôi biết ông cãi cố thế thôi, vì ông không lý giải được làm thế nào để trang bị cho từng hộ dân và công sở những cái bồn như vậy trong bối cảnh đất chật người đông. Sau chiều ấy, tôi không thấy nhà khoa học quay trở lại. Cái bồn vẫn nằm yên ở góc sân, qua bao mùa nắng mưa, nó cong vênh, mục ruỗng.
Những tưởng chuyện "nhốt mưa" đã đi vào dĩ vãng thì sau 20 năm, lịch sử lặp lại với ý tưởng dùng lu chống ngập.
Từ xa xưa, cha ông ta đã dùng lu, bể trữ nước mưa để dành sử dụng dài ngày vì nguồn nước sạch khan hiếm chứ chưa bao giờ để chống ngập. Còn trong thiết kế và xây dựng hạ tầng đô thị, quản lý nước mưa hiệu quả là một yêu cầu quan trọng. Quản lý và sử dụng nước mưa cũng là một tiêu chí đánh giá kiến trúc xanh theo bộ tiêu chuẩn LEED được cấp bởi Hội đồng Xây dựng xanh của Mỹ, là tiêu chuẩn quốc tế tiên phong về các công trình tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Hệ thống chứng chỉ EDGE của IFC - hệ thống chứng chỉ tự nguyện mang tính toàn cầu cho công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả được triển khai ở rất nhiều quốc gia - cũng đặt ra tiêu chí quản lý nước mưa.
Theo xu hướng đô thị bền vững, nước mưa được khuyến khích sử dụng để giảm nhu cầu cấp nước và bảo tồn tài nguyên. Giảm ngập, nếu có, chỉ là hệ quả của việc thu gom sử dụng nước mưa, chứ không phải là mục đích chính.
Để giải quyết triệt để vấn đề, logic là cần làm rõ nguyên nhân gốc rễ rồi mới đề xuất giải pháp. Nếu không, những cái tưởng là giải pháp lại tạo ra nhiều hệ lụy phức tạp hơn. Tiếc thay, ngày càng nhiều "giải pháp" như bồn composite hay lu chống ngập được đề xuất mà không mấy ai đi vào nguyên nhân gốc rễ.
Dù người dân đã nghe chán tai đề tài chống ngập, nhưng "định luật bảo toàn về ngập" vẫn luôn đúng với không chỉ TP HCM mà còn các đô thị lớn: ngập không tự sinh ra và không tự mất đi, nó chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Các nguyên nhân thực ra cũng chẳng mới, đó là hiện trạng một người chống ngập vài người chống người chống ngập, hay đầu tư chống ngập vừa thiếu vừa kém hiệu quả, quy hoạch chống ngập - cũng như bao quy hoạch khác - chỉ hùng hồn trên giấy. Chúng ta vẫn thấy, đơn vị chống ngập cứ lao vào chống ngập, thông tắc cống rãnh, trong khi ngành giao thông vận tải, các đơn vị xây dựng, bưu điện, viễn thông thi nhau tạo ra các bề mặt bê tông hóa.
Chung cư mọc lên lũ lượt. Ao, hồ, sông, rạch liên tục bị san lấp. Rác bủa vây khắp nơi. Cứ đà này, đề tài chống ngập vẫn luôn thời sự cho đến đời con, đời cháu, đời chắt của chúng ta.
Chưa hết, dù các quy hoạch, giải pháp, ý tưởng luôn nhắm tới mục tiêu tích cực, nhưng hễ đi vào thực hiện là có chuyện, không chỉ giới hạn trong chuyên môn kỹ thuật, tài chính, hành chính mà còn do các can thiệp ngoài chuyên môn làm méo mó ý định tích cực ban đầu. Quy hoạch Thủ Thiêm, quy hoạch thoát nước TP HCM là những ví dụ cụ thể. Nếu tìm kiếm các loại "giải pháp chống", bạn sẽ có hàng triệu kết quả.
Tình trạng "trăm hoa đua nở" về giải pháp cho thấy không ít lãnh đạo và tổ chức muốn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Nhưng chính sự bùng phát giải pháp cũng cho thấy bế tắc của hệ thống công quyền trong việc đáp ứng mong mỏi của dân chúng. Nó còn cho thấy sự bất lực của cơ quan quản lý trong việc tiền chống ngập - tức quản trị chủ động nhằm ngăn ngừa hoặc giảm thiểu lụt lội trước khi mưa tới. Trong thực tiễn, nhà quản lý có thể áp dụng đồng thời quản trị thụ động và quản trị chủ động. Nhưng một hệ thống quá thiên về quản trị thụ động sẽ thiếu ổn định và tiêu tốn rất nhiều nguồn lực để chạy theo vấn đề và giải quyết hậu quả. Ngược lại, quản trị chủ động nếu được chú trọng sẽ luôn sẵn sàng ngăn ngừa, kiểm soát vấn đề.
Thật mâu thuẫn khi ngày càng nhiều "giải pháp chống" mọc ra thì công tác quản lý nước mưa lại càng bế tắc.
Nguyễn Đăng Anh Thi