Hình ảnh người mẹ ấy vẫn còn trong tôi từ gần 20 năm trước. Hôm qua, có một phiên tòa đình đám, tôi lại nhìn thấy một người mẹ như thế. Phiên tòa có vẻ đã khác, với đám đông cầm điện thoại ngoài hàng rào, với tay bị cáo cười tươi chào "những người anh em", và rất đông ống kính phóng viên. Nhưng hình ảnh người mẹ của một bị cáo, vẫn gợi cho tôi cảm giác như thế.
Trong suốt hơn 10 năm làm phóng viên, năm nào tôi cũng cố gắng thu xếp đi xuống các trại giam ở Nghệ An để viết cái gì đó. Sự khắc nghiệt của thời tiết miền Trung cùng gió Lào vào mùa hè nắng đỏ lửa đủ vắt kiệt sức lực người khoẻ mạnh nhất. Những phạm nhân đã mắc sai lầm trong quá khứ, và bây giờ đang phải trả giá cho những điều đó, theo một khuôn phép kỷ luật khắt khe đặc thù nơi cải tạo.
Tôi hay lân la ra khu vực dành cho việc thăm gặp của phạm nhân với gia đình để ghi chép. Thật ngạc nhiên đa số thân nhân của họ lặn lội hàng trăm cây số đường khấp khểnh tới đây đều là phụ nữ, là những người mẹ đã từng có những đứa con bé bỏng lọt lòng, rồi biết tập đi, tập nói, bi bô những câu đầu đời trước khi sa ngã hoặc vì lý do nào đó phạm tội. Có người mẹ nghèo quê Nam Định, lang bạt làm thuê khắp nơi, cứ 2 năm một lần, đúng ngày đó tháng đó đến thăm con, hai mẹ con ngồi đối diện, lời thoại lẫn trong tiếng nấc và nước mắt.
Hết thời gian thăm gặp, tôi hỏi chàng trai thời gian án tù, anh ta lễ phép: "Báo cáo, em rằm ạ", nghĩa là 15 năm. Người mẹ bịn rịn, rồi lật đật đứng dậy móc trong túi ra gửi ký quĩ căng-tin cho con được hơn 100.000 đồng, là những tờ bạc lẻ nhàu nát. Tôi rất nhớ chi tiết có 2 quả trứng gà luộc lẫn trong đống tiền lẻ lăn lông lốc trên bàn, chị nhặt lại bỏ vào túi áo, đó có thể là phần lương thực dành cho quãng đường xa vời vợi khi quay về. Hai mẹ con sẽ còn gặp nhau 6 lần như thế này nếu như trong quá trình cải tạo cậu "Rằm" không gây thêm vụ việc nào nữa.
Có người mẹ khác trên gương mặt có nhiều vết sẹo, cánh tay trái đã khuyết cả bàn tay để lộ phần da thịt. Tất cả những đau đớn đó là hậu quả của việc trả thù sau khi con trai bà gây thương tích cho một nhóm thanh niên cùng huyện rồi bỏ trốn. Họ đã đặt mìn ở cửa nhà, mìn nổ sập một góc tường nơi bà đang ngủ, người mẹ may mắn thoát chết, đứa con ra đầu thú sau đó.
Ba cánh tay để trên bàn đá nắm chặt lấy nhau. Đứa con thỉnh thoảng lấy ngón tay xoa xoa vào vết cụt của mẹ. Nỗi đau cơ thể có lẽ đã không còn âm ỉ đau, nhưng sự hiện diện của đứa con lầm lỗi đang trả án chắc chắn là nỗi buồn thăm thẳm không bao giờ ngừng lại, dằn vặt, đau đớn.
Trên gương mặt của những người mẹ, tôi cảm nhận được những vất vả. Tôi nhớ mãi những ánh mắt đó, thật ra tôi cũng đã nhìn thấy nhiều những ánh mắt phụ nữ đau khổ, tê dại vô hồn. Nó không đủ sức lưu lại hình ảnh bất cứ điều gì.
Nó giống như trong một đoạn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. "Không biết những người chồng, người con, những người thân của họ đã làm những gì để làm cho ánh mắt họ khô kiệt, đã làm mất hết đi vẻ tinh anh trong ánh mắt kia? Cuộc đời con người nào nhiều nhặn gì...".
Tôi lớn lên bên hông chợ Đồng Xuân, Hà Nội, một chỗ trũng của mọi tệ nạn những năm 1990. Đám trẻ chúng tôi được các anh dạy đi trộm cắp vặt vãnh những thứ trong chợ, mớ rau, con gà, bịch đậu xanh... để liên hoan tụ tập đêm hôm ngoài vỉa hè. Những đứa trẻ hồn nhiên ăn cắp, dân tiểu thương có biết thường cũng lơ đi vì không muốn dây hoặc cho là thứ bị mất không đáng bao nhiêu. Trộm cắp giỏi, hung hăng đánh nhau là thứ thước đo "bản lĩnh" của đám trẻ. Chúng tôi cùng nhau lớn, những tố chất "bản lĩnh" tồn tại với không ít bạn cùng trang lứa, những vụ án đâm chém, giết người kinh khủng những năm sau đó ở Hà Nội đều có mặt họ.
Năm nay một số anh bạn đã túc tắc được ân xá, trở về với xã hội, lạc lõng quan hệ, lơ ngơ với thời thế cố xoay vần đủ thứ việc lương thiện để tồn tại. Mấy hôm trước tôi chở anh bạn mới ra tù sau gần 2 thập kỷ trong một vụ trọng án đi ăn cơm trưa, có hai cậu choai choai đi vào đường ngược chiều suýt đâm vào xe chúng tôi. Hai xe đều phanh dừng lại, anh bạn thì thầm vào tai: "Nó lườm mình đấy bạn ạ". Tôi bật cười, có gì đó thật kỳ lạ.
Đã có lúc tôi chợt nảy ra suy nghĩ, tại sao cơ quan chức năng không tổ chức những "tour" tham quan trại giam dành cho những thanh niên hư hỏng, vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức khởi tố hình sự. Để họ được nhìn, được chứng kiến, được hít thở thứ không khí đặc quánh mùi mồ hôi của những người mất tự do, nhìn vào và nghĩ về những người mẹ trong phòng thăm nuôi. Nó sẽ là lời cảnh tỉnh, răn đe có sức mạnh tiêm thẳng vào trí não con người, để mà biết sợ trước khi huyênh hoang vung dao hay phạm tội lỗi tày trời nào đó.
Hoàng Minh Trí