Tôi nhớ có một truyện ngắn về người đàn bà nghèo, đi hầu quan, không may làm rơi một đồng tiền. Tưởng rằng đồng tiền mất đi đâu, hóa ra lại nằm dưới chân ông quan huyện và bị ông này chiếm đoạt.
Thời điểm đọc truyện ngắn đó, tôi đã không thể tưởng tượng việc tương tự lại xảy ra với chính tôi khi chuyển đến Việt Nam sinh sống. Đó là lần ở Nha Trang, tôi cùng người bạn Việt Nam đến một tiệm kim hoàn để đổi ngoại tệ sang tiền Đồng. Bạn tôi vào trong giao dịch, tôi đợi bên ngoài. Bỗng tôi nghe tiếng hét thất thanh: "Jan, Jan giúp tôi với, họ muốn cướp tiền". Tôi khẩn cấp chạy vào cửa hàng thì thấy bạn đang ngồi dưới đất, dùng tất cả sức lực ghì xuống để giành lại tiền trên tay người đàn ông chủ tiệm kim hoàn.
"Jan", bạn tôi kêu lên, "ông ta nói tôi là một kẻ lừa dối, tiền đô la này là giả và ông ta muốn tịch thu nó". Tôi đã buột miệng nguyền rủa những từ xấu xí nhất bằng tiếng Ba Lan và giật lại tiền từ tay người đàn ông kia. Ông ta có vẻ bất ngờ vì bạn tôi không chỉ đi một mình, vẫn cố đe dọa bằng giọng đầy hằn học: "Tao đang gọi cảnh sát, chúng mày sẽ không thoát được đâu". "Tôi cũng đang gọi cảnh sát đây" - bạn tôi hét lên cùng lúc bấm số điện thoại của đồn công an phường chỉ cách đó vài trăm mét.
Chưa đầy năm phút, những công an xuất hiện trước vẻ mặt đầy kinh ngạc của ông chủ tiệm kim hoàn. Và chúng tôi được giải thoát.
Không chỉ có lần đó tôi bị chiếm dụng tài sản một cách ngang nhiên và trắng trợn. Một buổi sáng trong lành ở Quảng Ngãi, trên chuyến đi dọc Việt Nam, tôi dừng chân nghỉ tại quán nước ven đường. Anh chủ quán người địa phương tươi cười, đon đả đón khách. Anh ngồi kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện ít ai biết đến ở đây. Tôi rất vui.
Có lẽ đó là một kỷ niệm đẹp nếu như tôi không phát hiện chiếc máy chụp hình compact biến mất sau khi rời quán chừng ba cây số. Tôi quay lại quán nước hỏi tìm. Thật ngạc nhiên là vẫn anh chủ quán lúc sáng nhưng vẻ mặt anh đã khác hoàn toàn, không còn chút xíu nào thiện chí. Anh hỏi tôi có bao nhiêu tiền trong ví và muốn tôi dùng tất cả số tiền đó để chuộc lại cái máy ảnh.
Tôi đã tranh luận rất căng với anh rằng tại sao đó là tài sản của mình mà tôi không được nhận lại. Dĩ nhiên sau đó, tôi sẽ cảm ơn anh bằng một số tiền tượng trưng nhưng do tôi quyết định. Anh một mực không đồng ý, vì cho rằng quyền sở hữu của tôi đã ở thì quá khứ - chỉ cách đó chừng nửa tiếng đồng hồ.
Tôi buộc phải chi số tiền bằng một nửa giá trị cái máy ảnh để lấy lại nó vì tiếc tư liệu chuyến đi của mình. Nếu không, tôi sẽ bị dân làng giữ lại. Không hiểu sao lúc đó khá đông dân làng đã kéo đến bao vây tôi. Và đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu hành xử của anh chủ quán nước và dân làng ở đó. Lẽ nào logic của tôi về quyền sở hữu đã sai ở vùng đất này? Hoặc giả sử tôi vẫn đúng, thì tại sao những con người kia biết sai mà vẫn làm thế với tôi?
Các bạn tôi bảo: Jan là nạn nhân của "luật rừng". Cả hai câu chuyện kể trên đều là những hành vi dựa vào thế mạnh mà mình đang có để uy hiếp và chiếm đoạt thứ thuộc về người khác, bất chấp luật pháp, lý lẽ, đạo đức. Tôi và người bạn Việt Nam đã may mắn hơn người đàn bà khốn khổ trong truyện của Nguyễn Công Hoan. Nhưng tôi tự hỏi, một thế kỷ đã trôi qua mà sao những chuyện tương tự như thời của ông nhà văn vẫn còn tồn tại.
Mặc dù có não và hơn 95% cấu trúc DNA giống với các loài linh trưởng không phải người khác, nhưng theo Socrates, những việc làm và hành vi của con người là kết quả của ý thức và thái độ đạo đức, đó chính là điều tạo nên nền tảng của nhân loại. Socrates đã thuyết phục rằng hành vi xấu là kết quả của sự thiếu hiểu biết, "không ai cố tình và có ý thức làm điều ác" cả.
Đứng trước lợi ích, con người dễ dàng quên đi sự nghiêm minh của luật pháp vì luật không có mặt ngay tức thì. Lúc này, chỉ có đạo đức mới cứu rỗi được họ.
Trong thí nghiệm Stanley Milgram, khi quyết định dừng việc dùng quyền mà mình đang có để tra tấn tàn nhẫn đối với người khác, những người tham gia thí nghiệm (chiếm 20% tổng số tham gia) đã đề cập đến lý do chính là niềm tin đạo đức của họ. Đó có thể là một quan điểm tôn giáo hay đơn giản là "mẹ tôi sẽ không chấp nhận hành động này của tôi". Khi không có đạo đức làm xương sống nâng đỡ, con người gãy đổ, trở nên thiển cận, tham lam, hung hãn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn các loài động vật khác để thỏa mãn sự thèm khát vô tận đối với vật chất và quyền lực.
Trên đường xe lớn chèn ép xe nhỏ; xe máy, xe hơi giành đường và uy hiếp người đi đường, xe đạp; các phương tiện thi nhau bấm còi inh ỏi chỉ để lấn thêm vài centimet cho mình. Đó là biểu hiện của luật rừng. Chiếm dụng vỉa hè công cộng ngay trước nhà mình cũng là luật rừng. Tự động tăng giá cả hàng hóa không theo một quy định, quy tắc nào cả là luật rừng. Và còn nhiều ví dụ khác, xảy ra hàng ngày trong cuộc sống xung quanh chúng ta.
Khi nghe chuyện này, sẽ có người nói: "Thì ai cũng làm như vậy mà, phải theo thôi, biết làm sao được". Với lý lẽ đó, chúng ta đã thể hiện sự bất lực với năng lực được lựa chọn hành động mà Socrates đã từng chỉ ra: "Con người có năng lực nhận ra điều tốt và nên làm điều đó". Việc những người khác cư xử xấu không phải là một cái cớ cho hành động của chúng ta.
Có thể Việt Nam sẽ mất rất nhiều năm để xây dựng và thực hiện những chuẩn mực hành động. Điều đó đòi hỏi một chương trình giáo dục trong sáng, sâu sắc và cốt lõi, với sự tham gia của bộ máy chính quyền, gia đình và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là khen thưởng cho "hành vi tốt" hay những tiếng vỗ tay hoan hô. Hành động tử tế đã là một phần thưởng cho mỗi con người, quan trọng hơn nhiều so với lợi ích tạm thời từ những việc làm phi đạo đức.
Mới đây, khi băng qua đường ở đoạn Hai Bà Trưng và Lê Duẩn, ngay trung tâm TP HCM, tôi được một chiếc xe hơi từ tốn dừng trước vạch kẻ để nhường đường. Hành động nhỏ nhưng khiến tôi rất vui vì đó là dấu hiệu khởi đầu của sự hồi phục hình ảnh "con người Việt Nam" đẹp đẽ trong trái tim tôi.
Jan Rybnik
(Nguyên tác tiếng Việt)