Lâu lâu có người mang đến biếu túm nhãn, túm vải, tôi sung sướng cắn vỏ ăn trong sự thèm thuồng của mấy đứa trẻ cùng xóm. Có lần, một người đến biếu trứng gà. Tôi kêu thèm trứng, mẹ luộc một quả rồi chia đôi cho hai chị em, vì "còn phải để dành ăn dè". Hai đứa so đo, tranh nhau phần nhiều, tôi bực bội ném miếng trứng xuống đất "chỉ có nửa quả con không ăn". Hôm đó tôi bị lùa đánh từ đầu cổng đến cuối vườn. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ cảm giác lúc nào cũng thèm được ăn cả một quả trứng hồi xưa.
Tôi lớn thêm chút nữa, bố giữ một "chức quan" nhỏ trong ngành nông nghiệp tỉnh. Bố đi từ sáng đến tối, mặt đen nhẻm, da sạm lại vì thường xuyên phải lội ruộng, ra đồng, ở vườn cây, ao cá. "Bố mày mà chịu quan hệ chắc làm to, vợ con đỡ vất vả. Nhưng cù lần và say sưa với nghề khuyến nông nên cứ chung thủy với ruộng rau vậy", mẹ tôi nói.
Nhưng tôi thấy bố cũng nhận được nhiều quà hơn, khi thì bao ngô, lạc, đậu, khi thì mấy túi rau, củ, khi thì con cá, con tôm. Ngày tết, có nhiều người đến nhà hơn. Họ chào hỏi xong là xông thẳng xuống bếp nhà tôi vì trên tay họ xách con gà kêu quang quác, người thì khệ nệ bê túi gạo, người biếu con cá lõng bõng trong nước. Mỗi khi xách túi ngô, khoai về, bố nói với chúng tôi, rằng họ vất vả mãi mới có được vụ thu hoạch, họ biếu mình để cảm ơn vì đã hướng dẫn họ cách nuôi trồng hiệu quả.
Nhưng những ngày "huy hoàng" ấy chẳng kéo dài mãi. Khi bố về hưu, chị em tôi lại trở về thời thèm thịt, thèm trứng da diết cõi lòng.
Vì những món quà mà tôi đã từng rất thích khi xưa, tôi cứ nghĩ bố tôi "oai" lắm. Mãi cho đến gần chục năm sau, tôi lên Hà Nội học đại học, một lần hai bố con tới thăm nhà người bạn bố đang làm quan chức, tôi thấy trong nhà bác la liệt rượu, bánh, thùng bia, và các loại hộp gì đó rất đẹp mà nhà tôi chưa bao giờ có. Các túi nọ thùng kia để chật hết cả gian phòng khách khoảng 20 mét vuông.
Khi bố con tôi chào ra về, bác ấy giúi vào tay bố một túi rượu và bánh: "Ông mang về mà uống, đấy, nhà tôi có dùng hết đâu, phải cho bớt". Lúc đó tôi nghĩ sao mà họ thật sướng, thật sang. Ở làng tôi cũng có một bác làm chức to tại một bộ trên Hà Nội, tết bác về làng, mang quà bánh cho khắp bạn bè, làng xóm, trẻ con, người già. Ai cũng nhắc tên bác với vẻ quý mến.
Nhưng tôi tự hỏi không biết họ cảm thấy thế nào khi nhận những món quà đó. Tôi biết có những người không chờ đợi nhưng vẫn được mang quà đến tặng; và có không ít người thích nhận quà, thậm chí gợi ý để người khác mang quà đến. Chúng ta đọc trên báo không thiếu chuyện những vị quan "ngậm miệng ăn tiền", những khoản đút lót mớ ba mớ bảy phong bì nặng trĩu, những khoản lại quả cho quan chức nào đó bằng USD mà nếu quy ra tiền VND chắc phải chở bằng cả ôtô tải. Một lần thăm biếu của họ đủ cho dân nghèo sống cả trăm năm.
Tôi tự hỏi, những người ấy cảm thấy thế nào khi gia đình mình, con, cháu mình tiêu xài các món quà là tiền tham nhũng, là của công, cũng có thể là mồ hôi nước mắt của những người lao động, người làm công ăn lương, cả những người khó khăn. Con cái, người thân các vị ấy có tự hào về thân thế, về cách mà mình được nuôi dưỡng?
Ở một góc độ khác, bản thân tôi vẫn cho rằng quà tặng là một nét văn hóa truyền thống. Tôi vẫn biếu, tặng quà khi muốn bày tỏ sự yêu mến hay cảm ơn, tri ân ai đó. Tôi cho rằng những món quà không hề vô tri vô giác mà nó chứa đựng ý nghĩa riêng, thể hiện lòng tôn trọng, sự gắn kết và nuôi dưỡng tình cảm con người. Chẳng có người Việt Nam nào chưa từng nhận những món quà.
Nhưng khi quà trở thành cái cớ để thực thi mục đích khác, trở thành món hàng để đổi chác lợi ích và sự ưu tiên, biến tướng một cách tinh vi với danh nghĩa tình cảm, nó chỉ xuất hiện ở chỗ nào có quyền lợi, địa vị, danh vọng, quyền lực, lợi ích nhưng thiếu minh bạch. Hành động biếu quà trở thành đút lót, hối lộ và là phương thức thịnh hành tiếp tay cho tham nhũng.
Đó là lý do Chính phủ mới đây ban hành quy định về quà biếu của công chức, cán bộ công quyền nhằm ngăn chặn tham nhũng. Tuy nhiên, tôi chưa thấy có kết quả nào chứng minh những quy định này đi vào đời sống.
Tôi cũng tin vẫn còn những quan chức, cán bộ không chờ đợi tiền phong bì và quà cáp như một hệ quả tất nhiên của công việc, chức vị. Nhưng phàm là con người, nếu một ngày bạn hay tôi được đặt vào vị trí đã bày sẵn "cao lương mỹ vị", được giúi vào tay những phong bao kim tiền một cách tế nhị, kín đáo, được tận tuỵ mời "ăn" tận miệng, mấy ai đủ lý trí và bản lĩnh để "nhả" những món quà ấy ra vì sực nhớ "có một quy định về quà biếu của Chính phủ".
Chính sách nào không đo đếm được kết quả, chính sách đó có lẽ khó mà thay đổi cuộc sống, chỉ dừng ở hô hào. Quy định chỉ thực sự đổi thay thực tế nếu đi kèm những hành động kiểm tra giám sát công khai, ví như bảo vệ có thể không cho phép người bên ngoài vào cơ quan nhà nước nếu xách quà hay không có mục đích cụ thể, rõ ràng; hoặc ban hành một danh sách yêu cầu minh bạch cụ thể đối với tài sản của công chức, xử phạt thật sự người vi phạm; công khai kết quả hàng năm cho dân.
"Kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, đã chạy là không dùng", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa nói trong Hội nghị Trung ương 10, khoá XII sáng 16/5. Tôi nghĩ, hẳn những túi quà và nạn chạy chức phải liên quan đến nhau.
Trong công cuộc chống tham nhũng, ngoài những đại án hiển nhiên được lên báo, có lẽ người dân nên được công khai cả một danh sách những "tiểu án" nhỏ hơn, những món quà không đến tiền tỷ, nhưng luôn là mầm mống cho những hậu quả to lớn về sau.
Đỗ Hải