Mặt khác, giá trị đất đai cũng bị hao hụt lớn khi chuyển việc sử dụng từ tư nhân sang nhà nước thông qua cơ chế nhà nước thu hồi đất. Nhiều người đang sử dụng đất bị thiệt thòi, gây ra tình trạng nội dung về đất đai luôn chiếm tới 70% tổng số vụ khiếu kiện, khiếu nại của dân.
Tại các nước thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai, ranh giới giữa đất công và đất tư rất mạch lạc, được xác định theo chủ sở hữu là nhà nước hoặc tư nhân (tư nhân được hiểu là tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư). Việc luân chuyển đất đai giữa công và tư khá giản dị, chỉ cần xác định đúng giá trị thị trường của đất đai và có một cơ chế hợp lý về chia sẻ lợi ích. Vì vậy, ít có rủi ro tham nhũng khi chuyển đất từ công sang tư, cũng như ít rủi ro khiếu kiện khi chuyển từ tư sang công. Họ có một nguyên tắc chủ đạo là thu đủ giá trị đất công khi đưa vào thị trường và đánh thuế đáng kể đối với đất tư.
Song câu chuyện trở nên phức tạp hơn nhiều tại những quốc gia áp dụng cơ chế kinh tế thị trường đồng thời với chế độ công hữu đất đai. Hiện có khoảng 10 nước áp dụng giải pháp này, chủ yếu tại châu Á và châu Phi, trong đó có Việt Nam.
Khi Việt Nam gia nhập WTO, việc đàm phán song phương và đa phương với các nước thành viên đã diễn ra khá vất vả. Nhiều nước yêu cầu ta phải giải trình về thị trường đất đai. Việc này được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và tôi là người chắp bút.
Tôi đã đưa ra giải thích rằng: Đất nước nào cũng phải thừa nhận sở hữu đất đai là sở hữu đặt biệt vì đó là một phần của trái đất chung, nhưng lại phải có chủ sử dụng đất cụ thể. Trong cơ chế thị trường, không thể có chế độ công hữu tuyệt đối mà phải mở rộng để trao một phần quyền cho người sử dụng, cũng như không thể có chế độ tư hữu tuyệt đối mà phải hạn chế lại để trả một số quyền cho nhà nước.
Giả sử, điểm sở hữu đất đai phù hợp thị trường là điểm "A" thì nhiều nước đi đến "A" từ phía bên trái bằng quyền tư hữu hạn chế, còn Việt Nam đi đến điểm "A" đó từ bên phải với chế độ sở hữu toàn dân dưới dạng quyền công hữu mở rộng. Luật Đất đai Việt Nam có hẳn một chương về thị trường quyền sử dụng đất. Cách giải thích này được các đối tác đàm phán chấp thuận.
Sau đó, nhiều chuyên gia từ châu Âu, Mỹ đã trao đổi với tôi về câu chuyện sở hữu đất đai tại các hội thảo. Họ không bình luận gì về sự lựa chọn chế độ công hữu đất đai của Nhà nước ta, nhưng họ hỏi: "Tại sao đa số các quốc gia lựa chọn cách đi từ bên trái tới điểm A mà lại chỉ có số rất ít, trong đó có Việt Nam, lựa chọn cách đi từ bên phải?". Tôi trả lời: "Hãy giả sử đây là mô hình toán học, sở hữu toàn dân về đất đai là một tiên đề và tôi làm nhiệm vụ chứng minh có thể đưa không gian toán học này vào cơ chế thị trường". Mọi người cười, hiểu tôi muốn nói gì và không ai hỏi thêm nữa.
Chuyện này làm tôi nhớ lại một sự tích khi còn là nghiên cứu sinh ở Ba Lan. Khi hoàn thành luận văn, thầy hướng dẫn tôi khen: "Ông đã rất thành công khi tìm được đường đi thẳng tới chân lý khoa học, không như nhiều nhà khoa học khác hay phức tạp hóa con đường, đi vòng vèo khúc khuỷu để như cho rằng ta rất giỏi vì đã vượt qua". Tôi đáp lại ông, Đại thi hào Nguyễn Du của nước tôi có than rằng: "Ma đưa lối, quỷ dẫn đường/ Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi". Thầy tôi trầm ngâm.
Cho đến nay, luật pháp nước ta vẫn chưa có quy định phân biệt tường minh thế nào là đất công, mặc dù tại các hội nghị, trên công luận, thuật ngữ "đất công" vẫn thường xuyên được sử dụng và ai cũng hiểu. Song cứ mỗi khi động đến văn bản chính quy thì nhiều người e ngại đây là chuyện nhạy cảm. Bởi vì dưới góc nhìn sở hữu thì toàn bộ đất đai đều là đất công, nhưng nếu dưới góc nhìn sử dụng thì mọi người vẫn hiểu rằng đất công là đất chưa trao cho tư nhân sử dụng.
Năm 2005, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc thi hành Luật Đất đai trên cả nước, rất nhiều dân tại các tỉnh Nam bộ khiếu nại đòi lại đất cũ đã đưa vào hợp tác xã sau năm 1975 nhưng lại bị giao cho người khác sử dụng. Chứng kiến cảnh dân gay gắt trình bày rằng đây là đất tư của gia đình tôi đã sử dụng mười đời nay, tại sao chính quyền lại giao cho người khác, tổ kiểm tra thì nhẫn nại giải thích về chế độ sở hữu đất đai toàn dân, tôi nghĩ bụng, tranh luận mà mỗi bên cứ đứng trong hệ quy chiếu riêng của mình thì muôn năm cũng bất phân thắng bại. Tôi đành chỉ đạo anh em rằng rất khó giải thích, cứ nhận đơn rồi chuyển về cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Khi mọi loại đất đai đều là "công" cả thì ranh giới công - tư thực ra rất mù mờ. Việt Nam ta gọi là cảnh "tranh tối, tranh sáng", bên Tây thì dùng từ "chạng vạng" - lúc đó làm gì chẳng được. Lấn chiếm đất công chỉ cần xã, phường "lờ" đi là xong. Lấy được "đất vàng" để đầu tư chỉ cần tỉnh, thành "trợ giúp" cũng là xong. Phải chăng vì thế mà dân gian vẫn nói, đại gia ở ta đều lớn lên từ đất công.
Thực tế đang rất cần một ranh giới mạch lạc giữa "đất công" và "đất tư" trong hệ thống pháp luật để giải quyết rành mạch vấn đề giá trị thuộc về ai khi chuyển từ công sang tư và ngược lại. Dưới góc độ sử dụng, "đất tư" cần được định nghĩa pháp lý là "đất được sử dụng cho mục đích tư", còn đất công là "đất được sử dụng cho mục đích công và đất chưa đưa vào sử dụng". Tôi hy vọng, trong lần sửa đổi này, Luật Đất đai sẽ làm rõ được khái niệm cơ bản nói trên để tăng nguồn thu từ đất, giảm rủi ro tham nhũng cũng như rủi ro khiếu kiện về đất đai cho dân. Dù có vất vả, nhạy cảm đến mấy thì đây cũng là việc buộc phải làm.
Đặng Hùng Võ