Tôi biết đến thói quen mua hàng hiệu xách tay từ châu Âu về làm quà biếu, cảm ơn, mừng tuổi của không ít người quen tại Việt Nam từ khi đi học và làm tại nước ngoài. Những ngày này, sau tết Tây, đầu tết Ta, vợ chồng tôi và nhiều người khác ở châu Âu vẫn nhận được tin nhắn qua viber hay facebook. Họ hỏi thăm việc về quê và gửi mua đồ.
Tuần trước, hai cán bộ nhà nước ở Hà Nội và TP HCM nhắn tin nhờ tôi mua nước hoa Chanel les grands extraits và túi xách Hermès. Họ bảo hai nhãn hàng hiệu cao cấp này rất được chuộng ở Việt Nam. Lọ nước hoa loại thấp nhất vài trăm, loại cao hơn giá hàng nghìn Euro, tương đương vài chục triệu Đồng. Túi xách khoảng một vài chục nghìn Euro, cỡ vài trăm triệu Đồng.
"Chị có dùng đâu, biếu sếp ấy mà", một người nói nói. Chị đề nghị trả công mua và xách về số tiền bằng 10% giá trị hàng cho tôi. Tôi vốn chẳng ham hàng hiệu, lại dị ứng văn hóa quà cáp đắt tiền, một phần vì không muốn cổ vũ thói quen này, phần vì ngại bị tra khảo ở sân bay. Tôi đã từ chối không phải vì công ít mà vì chị có thể mua hàng hiệu ngay tại Việt Nam. Nhưng anh chị phân trần, không được đâu em, trung tâm mua sắm cao cấp nhất Hà Nội còn có hàng hiệu giả nữa kìa. Chẳng may biếu nhầm "hàng fake" mà sếp phát hiện thì chị chỉ có hết đường. Chị thuyết phục thêm: "Tết mà, không ít thì nhiều cũng phải có quà, người ta nhận cho là may, cố xách hộ chị với".
Sự nhọc công chuẩn bị quà Tết và nỗi lo "hết đường" của anh chị khiến tôi tự hỏi: Từ bao giờ quà cáp trở thành một đặc lợi dành cho một số người có quyền và là một gánh nặng tự nguyện của nhiều người Việt?
Tết của người Việt vốn mang ý nghĩa về cảm xúc. Quà Tết sơ khai chỉ là cành hoa, bánh kẹo, cây trái người ta dành cho cha mẹ, người thân và để cùng thưởng thức, vui chung. Nhưng nay nó đã thành một dịp trao đổi lợi ích, trả công và thậm chí gợi ý lợi ích hay sự ưu tiên, tất toán "nợ nần" theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Nhà xã hội học Marcel Mauss cách đây gần 100 năm, trong cuốn sách kinh điển "Luận về biếu tặng" đã lý giải các mong đợi ngầm của hai bên tặng và nhận quà. Các món quà không bao giờ là miễn phí hay chính mối quan hệ giữa món quà và người tặng đã tạo ra nghĩa vụ đáp trả của người được nhận. Đơn giản hơn, như Mai An Tiêm nói, "của biếu là của lo, của cho là của nợ".
Nghĩa vụ nặng gánh là thế nhưng người ta vẫn nhận đều đều. Họ nhận gì và đáp trả gì, chắc không cần giải thích nhiều vì tôi tin ai cũng hiểu. Bởi thế mà trước Tết năm nào, Chính phủ đều ra chỉ thị "cấm tặng quà Tết", nhưng rồi anh Toàn chị Hằng vẫn chạy vạy đi nhờ hỏi mua hàng.
Có vô số lý giải cho hiện tượng này, song tôi tin rằng nguyên nhân của tệ nạn là người nhận có thể thực hiện hành vi đáp trả món quà sau đó. Vì họ tin mình "trả" được nên cũng tự tin không cần từ chối. Tất nhiên, lâu lâu người quen tôi vẫn kể lể, có vị nhận rồi mà không "giúp", hay không giúp được mà vẫn nhận... Nó là một khoản đầu tư, mà đầu tư thì có thể lỗ.
Nhìn từ góc độ vì có cơ hội đáp đền nên mới nhận quà. Tôi cho rằng các chỉ thị chỉ áp dụng đối với quà Tết dành cho cán bộ năm nào cũng ban ra khó mà hiệu quả. Bởi nhiều khi người ta cũng không tặng cán bộ như chỉ thị. Họ tặng quà cho vợ, chồng, bố mẹ, con cái, "đàn em", thậm chí đưa cho cậu lái xe, chị giúp việc nhà sếp. Vì vậy, để giải quyết triệt để vấn đề "đi Tết", hệ thống quản lý trước tiên không tạo điều kiện để các sếp có thể trả nợ món quà. Đây chính là cơ chế giám sát sự liêm chính trong hệ thống, bao gồm việc công khai danh sách chi tiết về giá trị các món quà mà cán bộ công quyền được nhận, kèm hình thức xử lý với những món quà không phù hợp, như chúng tôi đã nói ở chuyên mục này.
Tiếp đến, ta vẫn nói luật pháp phải nghiêm minh, nhưng luật pháp hiện chưa đủ nghiêm khắc đối hành vi nhận hối lộ. Việc quy định miễn án tử hình đối với tội tham nhũng nếu tự nguyện nộp lại 3/4 tài sản tham ô là một ví dụ minh chứng cho sự nghiêm khắc hời hợt. Giả sử một vị tham ô 1.000 tỷ đồng, tự nguyện nộp lại 750 tỷ đồng để được nhận án chung thân. Sau 12 năm chấp hành án, theo Bộ Luật hình sự, người mang án chung thân sẽ có cơ hội được "xem xét giảm hình phạt". Trong trường hợp việc "giảm hình phạt" xảy ra, ngay cả ở mặt lý thuyết, thì 250 tỷ đồng là cái giá vị này và gia đình "được trả" cho mười mấy năm tù, vị chi mỗi năm thu nhập của ông ta - tuy không làm gì mà còn được ngân sách nuôi - là cả chục tỷ đồng.
Con số thu nhập cao gấp trăm lần so với lương nếu ông vẫn đi làm việc. Song song đó, ý tưởng "tù tại gia" cho quan chức được khởi xướng gần đây còn nguy hại hơn nữa cho sự răn đe của luật pháp.
Anh Toàn chị Hằng phải lên diễn đàn người Việt ở Pháp tìm người nhờ xách nước hoa và túi hàng hiệu về, kèm theo số tiền công 10% được tô đậm. Nếu Chính phủ và Quốc hội ban hành quy định giám sát quà tặng công khai và hiệu quả như Singapore, Mỹ, hẳn phong trào "quà Tết" đã không trở thành đặc trưng của người Việt.
Võ Nhật Vinh