Đó là gần chục năm trước, một đại gia của thành phố Thái Bình mời tôi đến trang trại của ông ăn tối. Suốt quãng đường ngồi cùng nhóm người trên chiếc xe hơi lăn bánh tới Tiền Hải, tôi rất hồi hộp. Một người nước ngoài được tham gia vào nhóm này, đi ăn uống và chơi tennis, là vinh dự đặc biệt.
Chiếc xe dừng ở cuối con đường, một căn biệt thư lộng lẫy hiện ra trước mắt tôi, rõ ràng chủ căn nhà vô cùng giàu có. Ông dắt chúng tôi tham quan một vòng trang trại.
Đang vui vẻ giới thiệu khu vườn với ba con hổ đặc biệt quý, ông không biết tôi kinh hãi nhìn ông. Một gã lạc hậu về mặt đạo đức. Ông không hiểu hậu quả của hành động mình gây ra, tệ hơn, là không quan tâm và không nhận ra sự bàng hoàng của tôi. Chỉ có một điều tôi biết chắc ông quan tâm: sự sĩ diện.
Một cậu nhóc tầm 14 tuổi đi cùng tôi, con trai của một trong những người cùng tham dự bữa tối hôm ấy. Em cũng chứng kiến cảnh ba con hổ bị ngâm rượu đó, lập tức cảm thấy có gì đó không đúng. Đôi mắt em đỏ hoe. Cậu nhóc nói nhỏ với bố: "Bố ơi, con thấy cái này không tốt chút nào". Ông bố im lặng, quay mặt đi nơi khác, có lẽ ông không biết nên nói gì.
Tôi nhìn cậu nhóc, cũng không biết phải làm thế nào. Và đây chính là vấn đề. Nhiều khi ở xã hội Việt Nam, khi người ta gặp một việc không đúng, họ sẽ vờ như không thấy hoặc không nói thẳng sự phản đối, giữ trong bụng.
Tôi ngưỡng mộ cậu bé, thấy cái gì đó sai liền nói ra. Mặt khác, tôi lại chạnh lòng khi nghĩ rằng cậu bé có thể dần đánh mất sự trong sáng đó khi bị ngập tràn xung quanh những người lớn lờ đi cái sai trong xã hội. Hết người này tới người khác im lặng trước cái sai, hẳn sẽ làm em suy sụp lắm.
Tôi đúc kết được điều này vì sau bao năm, những chuyện không hay cứ mãi lây lan, không thay đổi. Tương lai sẽ ra sao tôi cũng không biết. Nhưng tôi tin chắc một điều, tiếp tục ăn gần như mọi con vật sẽ dẫn chúng ta đến hai sự lựa chọn. Một là nhận thức được rằng đó là hành động xấu, gây hại cho chính mình, con cháu mình và dừng lại. Hai là chúng ta sẽ chuốc lấy hậu quả, sẽ càng có nhiều loại dịch bệnh như virus corona tấn công để dạy cho chúng ta bài học bất ngờ.
Tổ tiên loài người từ xa xưa đã chọn lọc thức ăn qua hàng nghìn năm. Loài động vật nào có thể ăn được, an toàn nhất, bổ dưỡng nhất và dễ nuôi, ít gây hại nhất đã được đem về trang trại. Có một danh sách những động vật thuần hoá mà chúng ta có thể ăn. Một mặt nó hỗ trợ trực tiếp cho những nông dân chăn nuôi, mặt khác nó chứng minh sự hợp lý với tự nhiên và cả con người qua hàng ngàn năm. Tất nhiên đôi khi cũng nảy sinh vài vấn đề như động vật chăn nuôi bị nhiễm bệnh hay những người vô đạo đức tiêm hoá chất vào thịt.
Một trong những ám ảnh của loài người, đại dịch Ebola đã bắt nguồn từ động vật hoang dã. Hơn 28 nghìn người đã mắc bệnh này và hơn 11 nghìn người đã chết. Thịt chuột, món khoái khẩu của nhiều người Việt Nam đã gây nên "cái chết đen" - một trong những đại dịch tàn khốc nhất lịch sử loài người. Giữa thế kỷ 14, dịch hạch giết chết khoảng 1/3 dân số châu Âu - ước 25 triệu người.
Năm 2002, SARS - virus cực nguy hiểm - bắt nguồn từ những người ăn thịt cầy hương hay dơi. Và đến tận bây giờ, SARS vẫn tồn tại, tìm ẩn trong quần thể động vật ngoài thiên nhiên và vẫn còn khả năng quay lại thế giới của con người bất cứ khi nào. Virus corona, dù nguồn gốc chưa đủ rõ ràng, cũng được dự đoán đến từ những động vật hoang dã bị con người ăn thịt. Tôi thấy nó có vẻ như có một quy luật nhân -quả ở đây, thiên nhiên trả đũa cho sự tham ăn vô tận của con người.
Chỉ cần mỗi người bớt tham lam đi, bớt muốn có mọi thứ ngoài thiên nhiên, những cây gỗ đẹp, những con thú đẹp, ăn hết những thứ mới lạ vì muốn thử hay có tiền nên muốn có tất cả, như vị đại gia kia muốn có Chúa Sơn lâm trong nhà. Thế giới này và các sinh linh sẽ bớt đau đớn đi rất nhiều. Hãy tự hỏi, ăn một con thú hoang, bạn có hạnh phúc, khỏe mạnh, sống lâu hay được trọng vọng hơn không? Chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho điều đó.
Tôi nghĩ về lý do nhiều người, đặc biệt ở châu Á, vẫn thích ăn thịt chó mèo, cầy hương, tê tê, dơi, nhím, chuột, rắn, khỉ... là bởi cách giáo dục. Có một suy nghĩ đã sai ở đây, rằng sự sống của con người thì đáng quý hơn các con vật, nên con người được ăn thịt chúng bất cứ khi nào; hay thịt thú hoang dã quý và bổ hơn ‘thịt thường’. Chẳng mấy ai đấu tranh đến cùng hay lên tiếng.
Nhưng những bài học đạo đức nhiều khi đã không chỉ vỏn vẹn trong mấy cuốn tập ở trường. Thế hệ sau bắt chước thế hệ trước, ông bà ăn thì mình cũng ăn. Và nguyên nhân khác, ít ai lên tiếng nói ngăn cản những hành động này, để giúp con người bớt xấu xí hơn.
Khi thế giới chuẩn bị cho điều tồi tệ mang tên corona, nhiều người hoảng loạn về khẩu trang. Tôi biết nhiều người bị giảm thu nhập vì công việc ngưng trệ, cuộc sống đảo lộn. Vậy, để giúp đỡ nhau, làm việc cùng nhau để vượt qua khoảng thời gian đen tối này, hãy chọn điều tốt hơn. Đầu tiên, ngừng ăn thịt động vật hoang dã, quý hiếm.
Chất xúc tác cho sự thay đổi sẽ đến nếu bạn đã chán ngấy những hành động vô đạo đức hay những dạng bệnh tật chết người. Đừng đợi những cái chết của chính những người thân, hàng xóm, chúng ta mới thật sự giật mình suy nghĩ về hành xử ngu ngốc của mình.
Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)