Nhưng hầu hết đều ái ngại khi nhắc đến hệ "vừa học vừa làm" hay "tại chức". Họ phủ định ngay là không cho con học, rằng chất lượng chẳng ra sao, bị xã hội coi thường, tốn tiền vô ích.
Đã từ lâu, sự phân biệt bằng cấp "chính quy" và "không chính quy" là khoảng cách lớn tại Việt Nam. Sở dĩ tôi khuyên phụ huynh và học sinh Việt Nam không nhất thiết phải nhăm nhăm học thẳng lên cử nhân đại học bởi ở Pháp, không ai phân biệt những tấm bằng học thẳng hay vừa học vừa làm. Một người có thể học xong một bậc học và dự tuyển cho bậc cao hơn để học tiếp, hoặc có thể đi làm rồi ký kết hợp đồng "vừa học vừa làm" với doanh nghiệp để tiếp tục học tiếp bậc cao hơn.
Quá trình tham gia giảng dạy ở các trường đại học Pháp giúp tôi kiểm chứng một điều: chương trình học chi tiết có thể khác nhau với mỗi loại hình đào tạo, nhưng không có khái niệm nương nhẹ với bất cứ ai về các tiêu chuẩn kiến thức - kỹ năng đầu vào lẫn đầu ra của một bậc học. Vì vậy, ở Pháp, các bằng cấp vừa học vừa làm, có thể hiểu như "bằng tại chức" của Pháp, được mọi nơi chấp nhận một cách chính thức và thực tế, không bao giờ phân biệt vì "không chính quy".
Tuy nhiên với Việt Nam, việc Luật Giáo dục Đại học không phân biệt giá trị văn bằng chính quy hay tại chức vừa qua theo tôi, lại là một quyết định mang tính hành chính miễn cưỡng chứ không đi từ bản chất.
Thứ nhất, sự miễn cưỡng thấy ngay từ cách đặt tên tấm bằng của cơ quan quản lý. Tên gọi chính quy và không chính quy vô hình trung hàm ý phân biệt tính chính danh và sự thừa nhận của loại hình đào tạo và bằng cấp. "Chính" và "không chính" hẳn nhiên khác biệt. Tên gọi "tại chức" cũng mang đến cảm giác nó dành cho những người đương chức đương quyền và không mấy thiện cảm về mặt học thuật - không còn mấy nền giáo dục sử dụng từ này. Cách gọi tên thôi, đã gieo vào suy nghĩ của nhiều thế hệ lâu nay về các khu vực bằng cấp của Việt Nam.
Thứ hai, cách đối xử vận hành các hệ đào tạo hiện nay rất khác biệt cả ở khâu tuyển sinh và quá trình đào tạo. Nếu như hệ đào tạo chính quy có một kỳ thi tuyển sinh cấp quốc gia với một lực lượng xã hội tham gia hùng hậu, công khai nhiều thông tin thì tuyển sinh các hệ đào tạo khác vô cùng im ắng. Bộ Giáo dục & Đào tạo thường xuyên cung cấp thông tin tuyển sinh hệ chính quy nhưng hầu như bỏ mặc tuyển sinh hệ không chính quy. Các doanh nghiệp chỉ biết rằng tuyển sinh hệ chính quy rất gắt gao và nghiêm túc nhưng họ không biết gì về tuyển sinh tại chức nên không có niềm tin với ứng viên là điều dễ hiểu.
Thực tế, khi tuyển sinh hệ tại chức, nhiều trường từ lâu mặc định chấp nhận đầu vào thấp hơn hệ chính quy. Mười năm trước, khi còn tham gia đào tạo hệ tại chức ở một trường đại học tại TP HCM, các đồng nghiệp luôn nhắc nhở tôi "nhẹ tay với người học". Vì trình độ họ thấp hơn, họ phải bận rộn đi làm hoặc họ chỉ cần cái bằng cho có. Ngược lại, chính người học cũng trang bị cho mình cái vỏ bọc vừa đi học vừa đi làm nên tự cho phép mình lơ là việc học. Họ vắng mặt thường xuyên, đi trễ về sớm. Nếu tôi phê bình, họ lại lên xoa tay năn nỉ "thầy thông cảm vì tôi bận đi công tác", rồi xin số điện thoại thầy (để nhắn tin xin vắng), mời thầy đi nhậu.
Lúc đầu, tôi đã nhắc nhở "cố gắng học nghiêm túc", nhưng rồi tình trạng lớp hiếm khi đủ sĩ số khiến tôi không cho số điện thoại di động mà chỉ cho số văn phòng và email của khoa. Rồi lâu dần chán quá, tôi cũng như các giáo viên khác đành bảo nhau, "thôi kệ".
Đó là chưa kể đến các trường hợp tiêu cực. Nhiều buổi học, học viên tại chức chỉ chăm chăm thảo luận về việc có người quen để nhờ việc, hay làm sao để khỏi thiếu điểm, góp tiền để mua quà, hay làm sao có số điện thoại của tôi để mời giao lưu nhậu thay vì nội dung bài học. Trong hai năm, từ sự chấp nhận vì chất lượng học viên thấp, rồi đến miễn cưỡng chấp nhận thái độ học tập không đúng, rồi liên tục phải xem xét hạ yêu cầu... tôi chán, xin thôi dạy tại chức.
Thứ ba, sự phân biệt còn từ thái độ của chính các cơ quan sử dụng con người. Đơn vị ngoài nhà nước từ lâu ít quan tâm đến bằng cấp của người lao động - trừ số ít trường hợp liên quan đến quy định của nhà nước về bằng cấp. Họ chỉ quan tâm đến thái độ, năng lực thực sự, tư cách đạo đức và hiệu quả của cá nhân đó. Ngược lại, quy định về bổ nhiệm nhân sự tại các cơ quan nhà nước hiện nay rất khắt khe về yêu cầu bằng cấp, nếu không nói bằng cấp là yếu tố đầu tiên quyết định việc bổ nhiệm. Từ lâu, công chúng mặc định ngầm cái bằng tại chức là một công cụ để hợp thức hóa điều kiện bổ nhiệm chức vụ.
Ở Pháp, người ta đưa ra khái niệm "lộ trình" (cursus) thay vì hệ đào tạo như Việt Nam. Một người có thể theo lộ trình đào tạo từ đầu nếu họ đi một mạch từ đầu đến điểm mình mong muốn, hoặc lộ trình đào tạo liên tục nếu họ muốn thực hiện tinh thần học, học nữa, học mãi. Việt Nam cũng có thể sử dụng các khái niệm này và chính cụm từ "đào tạo liên tục" sẽ làm cho xã hội phải tôn trọng vì ý chí liên tục học tập của người học.
Ngoài ra, sự bình đẳng của các loại hình đào tạo còn được thể hiện ở các yêu cầu nghiêm ngặt trong đầu ra ở mỗi bậc học mà chúng ta đang đối xử chưa đồng đều. Cuối cùng, sự minh bạch trong công tác nhân sự ở các cơ quan nhà nước đóng vai trò rất lớn trong việc làm cho người dân xóa bỏ định kiến bằng tại chức chỉ là công cụ bổ túc hồ sơ, chạy đua chức quyền.
Vậy thì, đầu tiên, Bộ Giáo dục là nơi cần thay đổi nhận thức về các loại hình đào tạo và cung cấp công cụ kỹ trị bảo đảm sự bình đẳng về chất lượng đào tạo. Họ phải coi tất cả các hệ đào tạo đều là "con đẻ" để nuôi và dạy hết sức mình, đối xử thật bình đẳng giữa chúng bằng các quy tắc rõ ràng.
Việc bằng cấp có còn bị phân biệt hay không, tôi cho rằng không thể chỉ bằng một văn bản luật. Thị trường lao động sẽ định giá nó sau khi chứng thực được chất lượng của sản phẩm giáo dục - chính là những người sở hữu tấm bằng.
Võ Nhật Vinh