Thứ bảy, 21/12/2024
Thứ năm, 15/7/2021, 14:57 (GMT+7)

Góc nhìn Bangkok từ những ga tàu BTS

Thái LanTrịnh Nam Thái mắc kẹt tại Thái Lan do Covid-19, quyết định dành 2 ngày để khám phá Bangkok bằng tàu điện BTS.

Trịnh Nam Thái, sinh sống và làm việc tại Bangkok, mắc kẹt vì Covid-19, không về được Việt Nam. Anh là một travel blogger, từng đi xuyên Việt và phượt khắp Thái Lan. Để tự kỷ niệm ngày Phuket bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế, ghi dấu tiến triển mới tốt đẹp cho ngành du lịch Thái Lan nói riêng và thế giới nói chung, Thái quyết định "du lịch" quanh Bangkok chỉ bằng tàu điện trên cao BTS, ghi lại các góc cạnh của thành phố từ những ga tàu trong 2 ngày.

Trên cương vị một du khách, Thái thấy hệ thống BTS là một trong những điều tạo ra tên tuổi cho công nghiệp du lịch tại Bangkok. Anh chia sẻ, từ các ga tàu, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh phố phường, chiêm ngưỡng được các toà nhà cao tầng với góc rộng. Ngoài ra, hệ thống tàu điện còn kết nối trực tiếp đến các trung tâm thương mại lớn và các khu dân cư đông đúc. "Nếu ở Hà Nội đất trên phố cổ được mệnh danh là đắt đỏ nhất, thì tại Bangkok là khu vực gần BTS", Thái chia sẻ.

Hệ thống tàu điện BTS được khai trương vào 5/12/1999, đến nay đã gần 22 năm đi vào hoạt động. Bởi vậy, nói BTS là một phần không thể thiếu của người dân Bangkok là không sai. Đây cũng là phương tiện công cộng di chuyển chủ yếu của người dân tại đây. "Muốn cảm nhận nhịp sống nhanh, hối hả của người dân Bangkok ra sao, chỉ cần ra BTS", Thái khẳng định.

Hiện nay, để đảm bảo phòng dịch, mọi người đều chấp hành đeo khẩu trang, song như Nam Thái chia sẻ, việc bảo đảm giãn cách giữa những hành khách trên toa tàu là rất khó.

Bến E5 Phrom Pong lộng lẫy khi trời bắt đầu chuyển tối. Hai bên của bến BTS là hai đại siêu thị của Bangkok, thường xuyên trang trí đèn hoa. Đây cũng là một bến BTS quen thuộc dành cho các du khách thích "cuộc sống về đêm" khi tập trung nhiều nhà hàng, quán bar.

Điều khiến Thái ấn tượng là những xe ôm, tài xế công nghệ xếp hàng rất quy củ theo những ô được kẻ sẵn bên dưới bến để đợi, đón khách.

Siam là bến không có mã chữ và số, được mệnh danh là bến BTS to và đẹp nhất Bangkok. Bến BTS 3 tầng này tiếp nhận và là nơi giao nhau của 6 làn tàu, là cửa ra tới các hệ thống trung tâm thương mại hoành tráng tại Bangkok, gồm Siam Center, Siam Paragon và Siam Discovery.

Cầu thang dẫn lên bến là địa điểm được check-in nhiều trên các trang mạng xã hội. Đây là địa điểm đặt quảng cáo ưa thích của các thương hiệu lớn tại xứ sở chùa vàng.

Bến BTS E3 Na Na có góc nhìn toàn cảnh ra các toà nhà cao tầng có hình dạng độc đáo. Nơi đây phù hợp cho du khách muốn có những bức hình thể hiện sự hoa lệ của Bangkok. "Bên dưới bến này là một điểm ăn chơi sầm uất, đặc trưng cho sự phóng khoáng của người dân nơi đây song cũng có nhiều góc khuất", Nam Thái chia sẻ.

Cầu vồng nhìn từ bến E3 Na Na sau một trận mưa lớn, trong ánh hoàng hôn của Bangkok. Thái cho rằng bộ ảnh là một ý tưởng hay và "rẻ", lại giúp anh có nhiều tấm hình đẹp, khi chỉ mất tiền vé 16 baht (khoảng 11.000 đồng) vì chỉ đi giữa các bến, không ra ngoài.

Bến E1 Chitlom là nơi du khách có thể chứng kiến những "đường cong" của hệ thống BTS. Đằng xa là quảng trường Siam, nơi tấp nập bậc nhất Bangkok. Theo Thái, ưu điểm của hệ thống BTS là đúng giờ, gần các khu mua sắm, du lịch nổi tiếng, có wifi miễn phí ở các điểm trung tâm, mái che không sợ nắng mưa.

Thái nhận định, nhược điểm lớn nhất của hệ thống BTS với người thích du lịch trải nghiệm như anh là chúng chỉ nhắm đến các khu siêu thị lớn, bạn sẽ khó lòng tiếp cận được đời sống thường nhật, bình dị của người dân. Các chợ dân sinh, tự phát thường nằm giữa hai bến, khiến anh mỗi lần muốn đi đều phải cân nhắc, đắn đo vì không tiện lợi, mất thời gian. Ngoài ra, hệ thống hướng dẫn, chỉ báo chưa thực sự dễ hiểu khi anh đã ở Bangkok gần 2 năm nhưng vẫn bị nhầm, đi ngược tuyến.

Trung Nghĩa
Ảnh: Nam Thai TV

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net