Gốc mai kỷ niệm của gia đình. Ảnh tác giả cung cấp. |
Tôi nôn nao trong lòng sau ba mươi năm xa xứ, nay trở về quê xưa với hành trang là lòng hoài hương và tình thương đối với đứa cháu kêu tôi bằng cậu. Nhân dịp Tết Nguyên đán, vợ chồng nó mời tôi về quê “ăn tân gia” vì mới cất một căn nhà khá đẹp. Căn nhà ấy do tôi giúp đỡ cháu tiền xây cất với một điều kiện nhỏ nhoi, ấy là nhớ để lại gốc mai già trước sân.
Bình chọn cho bài dự thi tuần 1 |
Ngồi trên máy bay sang trọng, tôi thả hồn về vùng trời ký ức, tuổi thơ hoa mộng với biết bao kỷ niệm. Tết năm nào cũng vậy, ba dạy tôi vặt lá mai để hoa kịp nở mùng một Tết. Đón Tết thật vui, nhà có hai chị em, tôi phụ ba cắt nhánh mai đem “chưng” ở tủ thờ, chị thì giúp mẹ nấu nướng đón xuân. Đêm giao thừa mai nở rộ, chúng tôi ra sân đứng bên gốc mai đốt pháo thật là vui. Ba tôi dặn nhớ chăm sóc gốc mai này để mỗi năm đón Tết.
Thời gian đã gõ nhịp xuân hạ thu đông như lướt trên phím đàn đen trắng của đời người. Tôi vào quân ngũ nên luôn vắng nhà. Chị tôi đi lấy chồng làng bên. Dầu vậy, cứ Tết đến là chúng tôi cố gắng về vui xuân bên cha mẹ, vui bên gốc mai cũ ngày nào.
Năm 1975, tôi ly hương. Cuộc viễn du trải qua bao mùa xuân lang bạt xứ người, tôi cố gắng vươn lên giữa muôn ngàn thử thách, trải qua những mùa xuân xa xứ. Khi cha mẹ mất, chị tôi dọn về nhà cha mẹ tôi ở. Chị cố giữ lại gốc mai già sần sùi và xem như một kỷ vật của cha mẹ để lại cho chúng tôi.
Rồi chị tôi cũng qua đời. Mảnh đất giao lại cho cháu tôi bảo quản…
Tiếng loa thông báo từ phi hành đoàn đưa tôi về với thực tại. Tôi thật đã về lại quê hương sau bao năm xa cách! Cháu đón tôi từ sân bay và đưa thẳng về làng. Làng quê nay thay đổi quá nhiều! Biết bao căn nhà mới được cất lên, và nhà cháu tôi cũng vậy.
Ba mươi Tết, cũng là ngày cháu tôi làm lễ mừng Tân gia, tôi sung sướng khi nhìn thấy hạnh phúc của gia đình cháu tôi vượt qua cảnh nghèo khổ. Tôi xúc động vì nghĩ rằng mình đã làm một điều gì đó thật tốt, không phải chỉ cho cháu, mà cơ hồ như một chút lễ vật từ tấm lòng đứa con ly hương dâng lên ba mẹ tôi trên mảnh đất này.
Nước mắt từ lâu đã khô trong tôi bây giờ tuôn chảy, tôi không cầm lại được. Tôi bước ra trước thềm nhà và cứ khóc, khóc như đứa trẻ ngày nào bị cha rầy mẹ mắng. Trong tro tàn kỷ niệm, tôi chợt nhớ cây mai ngày nào bên cha mẹ đón xuân… ờ, chính tại nơi này! Nơi này đây là cây mai kỷ niệm được trồng.
Tôi hoảng hốt khi phát hiện cây mai bây giờ không còn nữa? Nó đã chết, hay là ai đã chặt bỏ đi đâu? Có lẽ cháu tôi vì cất căn nhà lớn nên đã đốn cây mai rồi? Tôi day dứt trong lòng khi nghĩ đến lời dặn dò của người xưa để lại, một nỗi niềm xót xa khôn tả quặn thắt trong lòng tôi.
Có lẽ không thấy tôi vào nên cháu tôi ra tìm, nhân tiện không có ai, tôi trách nó: “Sao con không nhớ lời cậu dặn. Cất nhà chi cho lớn mà đốn mất cây mai?” Tôi nói với cháu rất nhẹ, nhưng dường như một lời kết án đối với kẻ xa nguồn quên cội, nó đã quên công đức tổ tiên, nó đã xóa đi kỷ vật của gia đình...
Nhưng cháu tôi nở một nụ cười, níu tay tôi và dẫn lên lầu. Giữa sân thượng rực nắng mùa xuân, cội mai già được đặt trong một cái chậu lớn bằng sành tráng men tuyệt đẹp. Hoa mai đang nở rực rỡ, vàng óng, nổi bật giữa đám bông thược dược, cúc đại đóa và hồng tiểu muội.
Hai cậu cháu đến bên cây mai, cháu nói với tôi: “Cậu ơi! ngày nay người ta chơi mai kiểng, phải để trong chậu mới đẹp!” Tôi yên lặng không nói gì, lòng thì cảm động trước tấm lòng trân trọng của cháu đối với gốc mai già. Tôi cứ để lòng mình thinh lặng. Nhìn gốc mai già dù vô ngôn mà sao nói thật nhiều tiếng nói của ký ức, của thâm tình, của kỷ niệm thân thương ngày nào.
Gió nhẹ nhàng đưa bàn tay vô hình, đầy trìu mến vuốt ve ngàn hoa xuân. Tôi nhìn từng cánh mai lay động mà nghe trong ấy lời thì thầm của người xưa.
Nguyễn Văn Đại