Bà Lê Ngọc Thu Trang - CEO Công ty TNHH Ong Mật Tracybee - chia sẻ bài viết về những thăng trầm của nghề nuôi ong.
Nuôi ong là nghề khó, vất vả và cô đơn. Người theo đuổi công việc này hơn hai, ba năm không nhiều. Nhưng khi đã qua giai đoạn đầu, họ sẽ gắn bó với nó cả đời.
Cái duyên đưa ai đó đến với nghề nuôi ong không phải lúc nào cũng đẹp hay lý tưởng. Có trường hợp vì kế sinh nhai, trong khi có người lại không chọn được ngành khác, bắt buộc phải chịu cực trên con đường này.
Nếu có danh sách những ngành nghề đáng trân quý, đóng góp cho thiên nhiên, duy trì và phát triển hệ sinh thái... tôi tin rằng nghề nuôi ong phải đứng ở những vị trí đầu tiên.
Theo thống kê của The Bee Book, số lượng đàn ong đang bị thu hẹp và thế giới đứng trước nguy cơ mất mùa nếu sự sống của chúng tiếp tục bị đe dọa. Giá trị kinh tế mà loài ong tạo ra khi bay khắp nơi thụ phấn lên đến 170 tỷ USD mỗi năm. Con số này chưa bao gồm loạt chế phẩm mà chúng tạo ra như: mật, sữa ong chúa, phấn hoa, sáp, nọc hay keo ong...
Vì vai trò đảm bảo an toàn lương thực, giúp cân bằng hệ sinh thái của loài ong, từ năm 2017, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/5 hàng năm là Ngày ong thế giới. Nhiều nhân vật nổi tiếng toàn cầu đã chung tay tạo các quỹ hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành ong.
Theo Hội nuôi ong Việt Nam, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu đàn. Trong đó có 1,15 triệu đàn ong ngoại (chiếm 76,67%) và 350.000 đàn ong nội (chiếm 23,33%). Khoảng 34.000 người nuôi ong, trong đó lực lượng chuyên nghiệp khoảng 6.350 người (chiếm 18,67%).
Tuy chiếm số lượng ít nhưng người nuôi ong chuyên nghiệp lại tạo ra giá trị kinh tế cao, chiếm hơn 85% tổng sản lượng ngành ong Việt. Họ thường sống nay đây mai đó để di chuyển đàn ong đến những vùng có nguồn thức ăn tự nhiên, tránh phải nuôi bằng đường. Vì chủ yếu xuất khẩu, chất lượng mật được kiểm tra kỹ lưỡng. Dùng đường hay thức ăn bổ sung tại một số thời điểm chỉ là giải pháp tạm thời nhằm duy trì sự sống của đàn.
Người nuôi chuyên nghiệp phải có kỹ năng đánh giá vùng thức ăn tiềm năng cho ong. Họ thường đi sâu vào những khu vực hoang vắng, có nguồn hoa cỏ và cây trồng tiết mật lớn để "cắm trại", đàn ong sẽ lưu lại nơi đó để thu hoạch thức ăn tự nhiên.
Mỗi năm, tùy thời tiết, họ thường di chuyển đàn ong tới 5-10 địa điểm. Nếu không đi nhiều mà vẫn khai thác được lượng mật lớn, xem như năm đó trúng mùa. Ngược lại, công sức 12 tháng sẽ đổ sông, đổ biển. Mưa thuận gió hòa, không lũ lụt thiên tai... là mong mỏi của người nuôi ong để có được một năm bội thu.
Người nuôi ong cũng làm một phần việc của nhà sinh học vì họ am hiểu việc phối giống, cấy chúa (cấy ấu trùng nuôi thành ong chúa). Họ cũng có khả năng nhận biết lúc nào cần thay ong chúa mới để duy trì sức mạnh của đàn. Họ nắm vững số lượng ong đực cho phép trong đàn bao nhiêu là đủ và giữ chúng không phát triển nhiều hơn số đó, đồng thời luôn có cách tăng quân số liên tục cho ong thợ....
Việc di chuyển đàn ong chủ yếu diễn ra trong đêm, khi ong đã về tổ nghỉ ngơi. Người nuôi ong thường dùng xe tải đường dài, kết hợp sức người bê thùng ong từ trại ra nơi xe tập kết. Công việc này càng nặng nhọc hơn khi đường tối, khi trời mưa to, gió lớn... Nơi sinh hoạt của họ cũng tạm bợ, đơn sơ để có thể xếp dỡ dễ dàng khi di chuyển. Chỉ khi gắn bó, yêu nghề sâu sắc, họ mới giữ được sự an nhiên, nghị lực phi thường và chấp nhận cuộc sống khác biệt so với phần còn lại của xã hội nhộn nhịp.
Tuy nhiên, cuộc sống của người nuôi ong lại có nhiều điều thú vị không ai có. Đó là sự gắn bó với những chú ong bé nhỏ, siêng năng; mối quan hệ tốt đẹp với chủ vườn hay chủ trang trại nơi họ đặt thùng ong. Cứ đến mùa hoa nở, điện thoại người nuôi ong lại reo lên, bên đầu dây kia là chủ vườn hồ hởi báo tin khu vực này đã có hoa... Lễ Tết, họ hầu như không thể về nhà, nhưng nhận được tình cảm ấm áp từ những gia đình lân cận hay chủ vườn.
Những người nuôi ong sống tối giản, suy nghĩ và tính toán cũng giản đơn, vì thế luôn hòa nhã cùng thiên nhiên, vạn vật. Công việc của họ cao quý dù chỉ làm những thứ bình dị. Tôi tự hỏi nếu một ngày nào đó loài ong không còn tồn tại, thế giới chúng ta sẽ ra sao?
Nếu có dịp tham quan một trong nhiều trại nuôi ong của Tracybee, bạn sẽ chứng kiến những con người bình dị đang làm những điều quan trọng, ý nghĩa.
Ngành ong Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới và tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng trong nước. Với sự hiểu biết, lòng yêu nghề, thiên nhiên, cuộc sống và hơn hết là tình yêu con người, tôi tin chắc người nuôi ong thế hệ mới của Việt Nam sẽ đủ sức hoàn thành trách nhiệm của họ, đồng thời bảo tồn loài ong, duy trì mùa màng và cân bằng sinh thái cho thế giới.
Thu Trang (ảnh: Tracybee)