Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc công ty du lịch Travelogy Việt Nam, đơn vị có thế mạnh đưa khách nước ngoài vào Việt Nam cho rằng, hiện nay tour tham quan vịnh ít có đổi mới. Đây là một trong những hạn chế khi doanh nghiệp lữ hành muốn kéo du khách quay trở lại tham quan vịnh.
"Hành trình không thay đổi khiến du khách cảm thấy nhàm chán. Vì thế, các doanh nghiệp thường phải giới thiệu nhiều đường tour để khách lựa chọn", ông Tuyên nói. Trong khi hai địa phương chỉ cần đưa ra khung quy định chung để các đơn vị khai thác dịch vụ tham quan và ngủ đêm trên vịnh xây dựng sản phẩm, đảm bảo đúng quy định và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách. Sản phẩm du lịch nhờ đó cũng phong phú hơn và công ty du lịch cũng dễ giới thiệu với khách hàng.
Đại diện một đơn vị lữ hành lớn tại TP HCM cũng khẳng định, việc liên kết để xây dựng một hành trình tham quan ba vịnh không chỉ gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách mà còn thu hút được khách đã tham quan vịnh Hạ Long quay trở lại. Tuy nhiên, khi đó sản phẩm phải được xây dựng khéo léo để các điểm đến trong hành trình không bị trùng lặp.
"Hải Phòng cũng vừa đưa vào khai thác tuyến cáp treo Cát Hải – Phù Long. Vì thế, nếu liên kết được 3 vịnh sẽ có hành trình thú vị cho khách. Khi đó, khách đến Quảng Ninh từ sân bay Vân Đồn, đi tham quan và ngủ đêm trên vịnh Hạ Long. Hôm sau đi ngắm thắng cảnh vịnh Bái Tử Long trước khi qua vịnh Lan Hạ lưu trú ở Cát Bà. Khách sẽ trở về bằng tuyến cáp treo. Kết thúc hành trình và bay về từ sân bay Cát Bi", đại diện doanh nghiệp này cho biết.
Các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền trên vịnh cũng thừa nhận giải pháp trên sẽ giúp du khách có nhiều lựa chọn và trải nghiệm. Hiện nay, tour tham quan vịnh được các doanh nghiệp khai thác chủ yếu xuất phát từ bến cảng Tuần Châu đi vịnh Hạ Long, cảng Hòn Gai đi vịnh Bái Tử Long và bến phà Gót đi vịnh Lan Hạ.
Theo chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí (nguyên Phó phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch TP HCM), việc Quảng Ninh cát cứ vịnh Hạ Long từ lâu là vấn đề tranh luận gay gắt. Cho dù xuất phát từ quan điểm Quảng Ninh quản lý tàu thuyền chặt chẽ với nhiều tiêu chuẩn được công bố riêng cho doanh nghiệp hoạt động tại địa phương này.
Quảng Ninh cũng cho rằng, để các tàu từ Hải Phòng vào hoạt động ở vịnh Hạ Long sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp khai thác dịch vụ này ở tỉnh. Khai thác du lịch theo ba tour riêng lẻ như hiện nay, mỗi địa phương sẽ dễ dàng trong quản lý thuế của doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Về lý thuyết, cơ bản địa phương nào cũng đúng, ai có quyền quản lý vịnh nào thì cục bộ địa phương đó.
Ông Chí cho rằng, điều này dẫn đến tình trạng xung đột về lợi ích giữa các địa phương kéo dài. Vì rõ ràng, về mặt lợi ích, với việc hình thành ba tour tham quan vịnh như hiện nay, địa phương nào sở hữu được nhiều tiềm năng, lợi thế... sẽ góp phần tăng doanh thu cho tỉnh. Thiệt thòi vẫn là khách du lịch. Các doanh nghiệp khai thác dịch vụ thì khó khăn trong kết nối và sản phẩm không đa dạng. Dù dưới góc độ chất lượng du lịch sẽ phát sinh sự không đồng đều giữa ba tour.
Chưa kể, nếu hai địa phương quyết định liên kết, phối hợp để có được tour thăm các vịnh chỉ trong một hành trình, không còn tình trạng "cát cứ", "ngăn sông cấm chợ", phải giải được bài toán về chia sẻ lợi ích liên quan đến vé tham quan, phí bến bãi, quản lý vịnh...
Ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) khẳng định, đây là vướng mắc rất cần sự tháo gỡ của chính quyền và các ban ngành. "Phải xây dựng được quy chế chung để chia sẻ về lợi ích một cách rõ ràng. Kèm theo đó là những kỹ thuật trong quản lý, hai bên phải có những quy chuẩn chung về tàu thuyền để đi đến thống nhất thông thương với nhau", ông Lương nói.
Ở góc độ chủ quan, hiện nay gần như các địa phương không ngồi với nhau để chia sẻ lợi ích. Về mặt khách quan, chưa có thể chế quản lý nào về mô hình quản lý vùng. Đó là chưa kể nguồn lực cho liên kết. Nghĩa là phải giải được bài toán về nguồn lực tài chính để xây dựng liên kết, nếu không sự việc sẽ gặp nhiều khó khăn.
"Bộ VHTTDL, đặc biệt là Tổng cục Du lịch cần thể hiện được vai trò về quản lý Nhà nước, quản lý ngành. Hai địa phương phải ngồi lại với nhau để bàn cơ chế khai thác; đồng thời phải có nhạc trưởng đủ tầm để điều phối. Nghĩa là chính quyền phải sốt sắng và mong muốn thực hiện điều đó mới có thể làm được", ông Chí nhận định.
Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho rằng, để có thể xây dựng được sản phẩm liên kết giữa các vịnh, cần phải có sự thống nhất của hai địa phương. Hiện nay, mỗi tỉnh đều có những quy chế, chính sách riêng cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Với Quảng Ninh, vịnh Hạ Long đã quá nhiều tàu hoạt động. Đó cũng là lý do khiến địa phương này không cho đóng mới tàu du lịch.
"Về vấn đề này, lãnh đạo hai địa phương phải ngồi lại với nhau để tháo gỡ mới được vì mỗi địa phương có trách nhiệm quản lý khác nhau. Vịnh Hạ Long lại là vùng lõi của di sản nên rất khó để cho nhiều tàu thuyền cùng hoạt động bởi sẽ quá tải, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan di sản", bà Bảo nói. Một số điểm du lịch trên thế giới chỉ cho phép đón khách số lượng nhất định, để khách có lý do quay trở lại.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng khẳng định, việc "ngăn sông cấm chợ" xảy ra ở vịnh Hạ Long là điều dễ hiểu. Các doanh nghiệp đã nói nhiều lần về vấn đề này và cần các bên ngồi lại để tháo gỡ tồn tại, vướng mắc.
Nguyễn Nam