Anh Nguyễn Ngọc Sơn, 45 tuổi, du khách đến từ Hà Nội từng đi tham quan và ngủ đêm trên vịnh Hạ Long. Lần này, anh thay đổi trải nghiệm nên muốn tìm tour tham quan cả 3 vịnh là Hạ Long, Bái Tử Long và Lan Hạ. Tuy nhiên, thực tế không có doanh nghiệp nào khai thác đường tour này dù giữa các vịnh đều liên thông với nhau.
Cũng theo anh Sơn, so với hai vịnh còn lại, vịnh Hạ Long có nhiều điểm tham quan hơn như động Thiên Cung, hang Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung, đảo Titop... Tuy nhiên, mỗi vịnh trong quần thể vịnh Hạ Long đều có những nét rất riêng.
"Khoảng gần 10 năm trước, tôi đã đi tham quan và ngủ đêm trên vịnh Hạ Long. Lúc đó, du thuyền đi qua Cát Bà khá dễ dàng, không bị ngăn cản như bây giờ. Đợt này, tôi chọn vịnh Lan Hạ là điểm khởi đầu, với mong muốn sẽ được khám phá trở lại vịnh Hạ Long trong cùng một hành trình như ngày xưa nhưng không thể", anh Sơn chia sẻ.
Để đạt được mong muốn, du khách phải mua 3 hành trình riêng lẻ. Tour tham quan vịnh Lan Hạ (2 ngày 1 đêm) giúp vị khách này có những trải nghiệm nhiều mới mẻ như chèo kayak ở bãi tắm Ba Trái Đào; khám phá mỏm đá vôi được hình thành và nổi lên từ mặt biển... Hôm sau, trở lại bến phà Gót để di chuyển bằng ô tô đến Quảng Ninh, mua tour khám phá vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Đây là tour kết nối có thời gian tối thiểu 3 ngày 2 đêm.
"Để có được trải nghiệm này, tôi phải mua hai đường tour riêng. Sau đêm đầu tiên ngủ trên vịnh Hạ Long, hôm sau sẽ có tàu nhỏ cập du thuyền ngủ đêm để đón những khách đi thăm vịnh Bái Tử Long và trả khách vào chiều cùng ngày", anh Sơn cho biết, dù mất khá nhiều thời gian và chi phí giá tour cũng cao nhưng thỏa được niềm đam mê khám phá.
Ông Nguyễn Quốc An, đại diện Tập đoàn Aclass Cruises, một trong những đơn vị kinh doanh du thuyền ngủ đêm trên vịnh cho biết, từ khi Quảng Ninh không cho đóng mới tàu du lịch hoạt động kinh doanh ngủ đêm trên vịnh Hạ Long, các doanh nghiệp khai thác dịch vụ này đã chuyển sang vịnh Lan Hạ, Hải Phòng để đóng mới và hoạt động.
"Hiện nay tại vịnh Lan Hạ, có khoảng 70 - 80 % du thuyền đạt tiêu chuẩn 5 sao được đóng mới mang biển kiểm soát Hải Phòng phục vụ khách du lịch tham quan và ngủ đêm trên vịnh", ông An nói. Tuy nhiên, khó khăn của các doanh nghiệp du thuyền khai thác dịch vụ khách tham quan và ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ, Hải Phòng (du thuyền mang số hiệu HP – PV) không được đưa khách sang vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) bằng đường thủy thông nhau giữa các vịnh.
Nếu muốn trải nghiệm nhiều vịnh trong một chuyến đi, du khách phải mua ít nhất hai hành trình. Theo đó, để đến vịnh Lan Hạ, khách sẽ phải đi một trong hai cách, xuất phát từ cảng Tuần Châu (Quảng Ninh), đi khoảng 15 - 20 phút bằng xuồng cao tốc để sang bến Gia Luận (Cát Bà) lên du thuyền tham quan vịnh. Cách thứ hai đến vịnh Lan Hạ là xuất phát từ bến phà Gót nhưng khách phải sử dụng thêm phương tiện trung chuyển để ra bến Gia Luận với thời gian khoảng 45 - 60 phút. "Tuy nhiên, khách di chuyển từ bến Gót khá vất vả do cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Vào mùa cao điểm, thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt đường xuống bến phà", ông An nói.
Ông Phạm Hà, CEO Luxury Travel, một doanh nghiệp có tàu đang hoạt động trên vịnh Lan Hạ cũng khẳng định điều này. Theo ông Hà, quy định về giao thông đường thủy, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này chỉ đảm bảo yêu cầu tuyến cố định sẽ được đón khách tại cảng thủy nội địa. Tuy nhiên, hầu hết các tàu 5 sao mang số hiệu HP đều không được cập cảng bến thủy ở Hạ Long. Điều này, vô hình làm giảm giá trị trải nghiệm của du khách và không níu giữ chân du khách ở lại trên vịnh Bắc bộ lâu hơn.
"Khách sẽ không có nhiều trải nghiệm. Sản phẩm du lịch không thể làm mới. Vì thế, khó để kéo khách quay trở lại nhiều lần", ông Hà nói và cho biết, doanh nghiệp tha thiết được lưu thông tự do giữa các vịnh. "Khi đó, doanh nghiệp có thể xây dựng được nhiều đường tour. Sản phẩm tham quan và ngủ vịnh sẽ đa dạng hơn. Doanh nghiệp có nhiều sản phẩm để bán. Khách có nhiều dịch vụ để lựa chọn. Các đơn vị lữ hành bán tour cũng có nhiều sản phẩm hơn để giới thiệu đến du khách không chỉ trong nước mà còn quốc tế", ông Hà khẳng định và đề xuất, các tỉnh thành phải kết nối hợp tác với nhau, lấy nhu cầu của khách hàng làm yếu tố trọng tâm cho liên kết phát triển.
Theo phản ảnh của các đơn vị kinh doanh dịch vụ ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ, tình trạng du thuyền của họ không thể đưa khách sang vịnh Hạ Long đã diễn ra từ vài năm nay. "Nếu du thuyền mang số hiệu HP sang vịnh Hạ Long sẽ bị Ban quản lý vịnh này xử lý bằng cách thu giữ hồ sơ liên quan đến du thuyền trong thời hạn khoảng 15 ngày. Nghĩa là khoảng thời gian đó, chiếc thuyền đó sẽ phải... nằm bờ", ông An nói thêm.
Khẳng định về điều đó, ông Hà cho biết, việc cát cứ vịnh Hạ Long như hiện nay đã khiến du khách từ Hải Phòng mất nhiều thời gian hơn nếu muốn tham quan vịnh này.
Chuyên gia du lịch Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục du lịch) cũng cho biết, tình trạng cát cứ giữa hai địa phương đã xảy ra từ lâu. "Hồi đó, chính tôi cũng đã chứng kiến lãnh đạo hai địa phương ký kết để liên kết. Tuy nhiên, kết quả không như mong muốn", ông Lương nói. Cát Bà và vịnh Hạ Long là thực thể tự nhiên không thể tách rời cả về cảnh quan và địa chất.
Quần thể vịnh Hạ Long gồm 3 vịnh lớn là vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (thuộc Quảng Ninh) và vịnh Lan Hạ (thuộc Cát Bà, Hải Phòng). Trong đó, vịnh Hạ Long nằm ở trung tâm, vịnh Bái Tử Long nằm phía Đông Bắc và vịnh Lan Hạ nằm phía Đông Nam của quần thể vịnh.
Cũng theo ông Lương, hiện nay, việc khai thác bị cản trở vì liên quan đến lợi ích. Phải giải được bài toán này và cần phải có người nhạc trưởng để gắn kết lợi ích chứ không chỉ liên kết cho có. Vì thế, Bộ VHTTDL, đặc biệt là TCDL phải can thiệp để tìm hướng tháo gỡ, cùng ngồi lại để đưa ra những quy chuẩn chung về tàu thuyền du lịch khai thác giữa các vịnh.
Về phương cách quản lý phí dịch vụ ngủ đêm, theo ông Hà nói cũng không quá khó vì trước khi du thuyền rời cảng đều phải gửi lịch trình cụ thể để cảng vụ cấp phép. Dựa vào lịch trình, sẽ biết được du thuyền ngủ đêm ở vịnh nào để thu phí theo quy định của mỗi địa phương.
Nguyễn Nam