Đây là kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện, tại cuộc họp giải quyết khó khăn thiếu máu phục vụ điều trị bệnh nhân của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố, ngày 5/6.
Theo đó, UBND thành phố đã phê duyệt dự toán mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023-2024 tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ. Sở Y tế và bệnh viện chậm nhất đến ngày 9/6 trình UBND kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai mua sắm.
Trong khi chờ chọn nhà thầu, bệnh viện chủ động mua vật tư, trang thiết bị y tế để đảm bảo điều trị người bệnh. Bệnh viện cũng rà soát nhu cầu và nguồn cung cấp máu, chế phẩm máu trong cấp cứu, điều trị 3-4 tháng tới, báo cáo thành phố ba ngày một lần.
Hôm 4/6, bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, đề xuất ba phương án xử lý tình trạng thiếu máu và chế phẩm máu.
Phương án một là nhanh chóng phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư y tế. Nếu phê duyệt nhanh trong vòng 1-2 tuần, thì khoảng 4 tháng nữa sẽ có kết quả đấu thầu. Sau đó có thể mất thêm khoảng 1-2 tháng để đơn vị trúng thầu chuẩn bị, cung ứng hàng sử dụng trong một năm, với giá trị khoảng 150 tỷ đồng.
Phương án hai là mua sắm trực tiếp (áp thầu) với giá trị khoảng 30-40 tỷ đồng, ước tính khoảng 1-2 tháng sẽ có hàng, sử dụng khoảng ba tháng trong thời gian chờ kết quả đấu thầu.
Phương án ba là mua gói nhỏ lẻ, theo thẩm quyền dưới 100 hoặc 500 triệu đồng để giải quyết tạm ổn cho nhu cầu cấp cứu, điều trị các bệnh về máu của bệnh viện.
Như vậy, UBND thành phố Cần Thơ đã chọn phương án một và ba để giải quyết tình trạng thiếu máu trên diện rộng hiện nay tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Từ đầu tháng 6, do khó khăn đấu thầu kéo dài, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ không còn túi lấy máu để điều chế, cung ứng cho 74 bệnh viện ở miền Tây. Bệnh viện đề nghị các cơ sở y tế sử dụng máu tiết kiệm, chỉ dùng trong trường hợp cấp cứu.
An Bình