Tình trạng thiếu máu và các chế phẩm từ máu kéo dài hơn một năm qua, nhưng nghiêm trọng nhất là từ tháng 3 đến nay, ảnh hưởng việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, trung bình mỗi tháng cần 5.000-6.000 đơn vị máu, trong đó tiểu cầu từ 2.000 đến 3.000 đơn vị. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ cung ứng được khoảng 25% nhu cầu, ưu tiên cho các trường hợp cần truyền máu cấp cứu, theo bác sĩ Lê Hoàng Phúc, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp. Cũng theo ông Phúc, một số phẫu thuật chương trình phải dừng lại để chờ có chế phẩm máu mới thực hiện.
Trước tình hình này, bệnh viện đã chủ động ký hợp đồng với Chợ Rẫy (TP HCM) hỗ trợ cung ứng máu. Tuy nhiên, không thể tiếp nhận khối tiểu cầu do thời hạn bảo quản rất ngắn (khoảng 3 ngày).
"Một số trường hợp giảm tiểu cầu nếu không được truyền bổ sung, nguy cơ dẫn đến các biến chứng xuất huyết nghiêm trọng, đặc biệt xuất huyết não nguy hiểm tính mạng", bác sĩ Phúc nói, thêm rằng trong trường hợp cấp cứu cũng không thể chuyển bệnh nhân lên TP HCM vì nạn nhân sẽ tử vong trên đường vận chuyển.
Cũng gặp cảnh thiếu chế phẩm máu, ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu, cho biết trung bình mỗi tháng các bệnh viện trong tỉnh cần 800 đơn vị máu. Nguồn cung chủ yếu từ Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ nhưng hiện thiếu hụt rất lớn. "Trước tình hình nghiêm trọng này, chúng tôi đã báo cáo Bộ Y tế để sớm có biện pháp xử lý", ông Nam nói.
Tương tự, bác sĩ Thạch Ngọc Tiên, Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh, phải viết lời xin lỗi những bệnh nhân đang cần truyền máu, hoặc phải hoãn mổ vì không có máu. Vị bác sĩ cho hay bệnh viện đang chờ từng giọt máu hồng để giành giật sự sống cho người bệnh.
Xác nhận tình trạng này, bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, cho biết ngày 25/5 đã có văn bản gửi 74 bệnh viện, cơ sở y tế ở Đồng bằng sông Cửu Long, đề nghị sử dụng máu tiết kiệm, chỉ dùng trong trường hợp cấp cứu.
Mỗi tháng, đơn vị này tiếp nhận, cung ứng khoảng 12.000-15.000 đơn vị máu cho các bệnh viện ở miền Tây. Nhưng do khó khăn trong việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu từ các cấp kéo dài từ 2022 tới nay, hiện bệnh viện vẫn chưa có túi lấy máu cũng như các hóa chất sàng lọc máu. Từ 1/6, bệnh viện không thể điều chế, xét nghiệm, sàng lọc và cung cấp máu, chế phẩm máu cho các bệnh viện, bác sĩ Việt cho biết.
Ngoài ra, từ tháng 3 đến nay, đơn vị đã không còn túi lấy máu nên phải tranh thủ nguồn máu thành phẩm từ Bệnh viện huyết học Truyền máu TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để cấp phát lại cho các bệnh viện khu vực. Tuy nhiên, hiện nguồn cung của các cơ sở trên cũng hạn chế, không thể cấp phát cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ.
"Vì các lý do này, chúng tôi thông báo cho 74 bệnh viện biết và có sự chuẩn bị trước", ông Việt nói, thêm rằng đã nhiều lần báo cáo thực trạng này cho Sở Y Tế, UBND TP Cần Thơ.
Về vấn đề này, một lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ cho biết, quá trình tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế gặp một số thay đổi trong Thông tư 8/2023 (thay cho thông tư 14/2020) của Bộ Y tế, nên "thủ tục phải làm đi làm lại nhiều lần". Sở cũng có nhiều giải pháp tình thế để bệnh viện mua sắm nhỏ, trực tiếp nhằm tháo gỡ khó khăn.
"Trước tình hình cấp bách hiện nay, Sở sẽ cố gắng làm xong thủ tục đấu thầu để Bệnh viện Huyết học - Truyền máu khắc phục tình trạng thiếu máu cho khu vực", vị lãnh đạo nói, nhưng không nêu rõ cụ thể thời điểm nào vấn đề này sẽ được giải quyết triệt để.
Mỗi năm, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Cần Thơ cần khoảng 150 tỷ đồng để mua sắm hóa chất, vật tư y tế mới bảo đảm nhu cầu thu và cung cấp máu cho các bệnh viện khu vực. Trước tình hình chậm trễ do các thủ tục đấu thầu, bệnh viện đã thực hiện nhiều gói thầu mua sắm dưới 100 triệu đồng theo quy định nhưng số lượng không đáp ứng nhu cầu thực tế.
An Bình