Công nghệ da điện tử (electric skin) mới, được Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc công bố cuối tuần trước, ứng dụng meta-learning (học tăng cường). Đến nay, meta-learning chưa có định nghĩa cụ thể, nhưng sử dụng AI cho phép hệ thống học các quá trình nhanh hơn bằng các thủ thuật, sao cho mục đích cuối cùng được thực hiện càng nhanh càng tốt.
Nhóm nghiên cứu gồm Jo Sung-ho, giáo sư máy tính tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc, Ko Seung-hwan, giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Quốc gia Seoul và Zhenan Bao, giáo sư kỹ thuật hóa học tại Đại học Stanford (Mỹ). Nhóm đã chế tạo thành công dung dịch xịt da thông minh, là một loại chất lỏng nhạy cảm với điện lên da.
Sau khi xịt, dung dịch này tự động "in" một tấm lưới dày cỡ nm với khả năng nhạy cảm với điện, kéo dài từ cẳng tay đến mu bàn tay. Khi bàn tay cử động, phần lưới căng ra hoặc co lại, tạo ra các tín hiệu điện. Tín hiệu sau đó được nhận bởi một mô-đun Bluetooth gắn vào phần cuối của lưới trên cẳng tay. Thông tin thu thập được truyền đến máy tính thông qua kết nối không dây.
Với các chuyển động khác nhau của bàn tay, hệ thống sẽ được AI phân tích và gán với các lệnh cụ thể cho máy tính. Sau các thử nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy những thao tác dù chỉ khác một phần nhỏ cũng được AI xử lý hiệu quả.
Trong một thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc gõ trên máy tính chỉ bằng cử động tay, khi lớp da thông minh dạng xịt này học được cách di chuyển của bàn tay và ngón tay. Khi thao tác bằng cử chỉ, một số từ nhất định đã xuất hiện trên màn hình theo đúng yêu cầu của người điều khiển.
Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống mới cũng có thể vẽ một vật thể đơn giản hơn nhiều so với hiện tại. Họ chỉ cần xịt dung dịch lên bàn tay, sau đó chạm vào đồ vật hoặc hình ảnh để máy tính ghi nhận và hiển thị lên màn hình.
Nhóm nghiên cứu cho biết, các thiết bị được tích hợp công nghệ da điện hầu hết đều lớn và thiếu tính linh hoạt. Trong khi đó, sản phẩm mới đã khắc phục hạn chế của việc thu thập dữ liệu hàng loạt cho từng chuyển động.
"Đây được xem là nghiên cứu đầu tiên kết hợp công nghệ da điện với AI. Hệ thống kết hợp phần cứng và phần mềm sẽ mở ra tương lai mới, mang lại sự tiện lợi cho người dùng, cũng như tăng độ hiệu quả cho các lĩnh vực siêu dữ liệu, thực tế ảo và tăng cường, điều trị từ xa và kỹ thuật robot trong tương lai", đại diện nhóm cho biết.
Tuy vậy, nhóm không nêu rõ thời gian có thể thương mại hóa công nghệ mới. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học Nature Electronics.
Bảo Lâm (theo Korea Heral)