Glôcôm, còn gọi là thiên đầu thống hay cườm nước, là nhóm bệnh mà nhãn áp tăng quá mức chịu đựng, gây lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường (trường nhìn của mắt) không hồi phục. Nhiều bệnh nhân bị mù một mắt do glôcôm mà không hay biết, vì vậy bệnh được ví là "kẻ đánh cắp thị lực thầm lặng".
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ hai, sau đục tinh thể. Ước tính hiện nay cả thế giới có khoảng 80 triệu người mắc bệnh glôcôm, dự đoán tăng lên 112 triệu vào năm 2040.
Ở các nước phát triển, khoảng 50% người bị glôcôm nhưng không biết bệnh và không đi khám. Trong khi ở các nước đang phát triển, con số này có thể tới 90%. Như trường hợp người phụ nữ 67 tuổi ở Thái Bình, đến Bệnh viện Mắt Kỹ thuật cao Hà Nội (Hitec) khám trong tình trạng bị glôcôm mà không biết.
Cách đây một năm, bệnh nhân thấy mắt trái hơi đau nhức, đau lan lên đầu và quanh mắt, đến bệnh viện huyện khám và được điều trị theo hướng viêm xoang bằng các thuốc kháng sinh và giảm đau. Đỡ được ít hôm, thấy mắt khó chịu bà lại mua kháng sinh về uống. Gần đây, thấy mắt đau đỏ và mờ như sương mù trước mặt, bà khi khám, được chẩn đoán là viêm kết mạc (đau mắt đỏ), song điều trị không đỡ.
Tiếp nhận ca bệnh, ThS.BS Nguyễn Văn Sanh, Giám đốc Bệnh viện Hitec, khám và chẩn đoán 2 mắt bị glocom góc đóng mãn tính. Thị lực tuy không giảm nhiều nhưng dây thần kinh thị giác và thị trường đã bị tổn thương khá nặng.
"Nhiều người bị glôcom sẽ có những cơn đau nhức dữ dội ở mắt, đau lan lên nửa đầu và thị lực giảm đột ngột làm cho bệnh nhân phải đi khám và sẽ được phát hiện sớm. Tuy nhiên, bệnh nhân này lại chỉ đau nhẹ, lan ra vùng quanh mắt, còn thị lực thì không giảm nhiều nên bà không được chẩn đoán và để bệnh tiến triển thành mạn tính", bác sĩ Sanh nói, đánh giá đây là ca bệnh đặc biệt.
Với trường hợp này, bệnh nhân cần phải can thiệp ngay. Cụ thể, mắt trái nặng hơn phải mổ còn mắt phải cũng cần dự phòng bằng laser để bảo tồn phần chức năng thị giác còn lại.
Glôcôm nguyên phát có hai hình thái: góc đóng và góc mở. Glôcôm góc đóng gặp nhiều ở người châu Á từ 35 tuổi trở lên, do cấu trúc nhãn cầu nhỏ hơn người châu Âu. Tuổi càng cao, khả năng bị glôcôm càng lớn; nữ bị nhiều hơn nam, đặc biệt ở tuổi mãn kinh, tỷ lệ bệnh ở nữ cao gấp 4 lần so với nam giới.
Người có nhãn cầu nhỏ, viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông, dễ xúc cảm, hay lo âu là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn glôcôm góc đóng. Trong gia đình đã có người xuất hiện cơn glôcôm cấp thì những người còn lại có nguy cơ mắc cao. Việc nâng cao nhận thức, khám mắt định kỳ cho những người cùng huyết thống với người bệnh góp phần chẩn đoán sớm và phòng bệnh hiệu quả.
Còn glôcôm góc mở thường gặp hơn ở người da trắng, trên 40 tuổi, người bị cận thị, tuổi càng cao nguy cơ càng lớn. Những người ruột thịt của bệnh nhân nguy cơ mắc bệnh gấp 5-6 lần.
Glôcôm góc đóng nguyên phát thường khởi phát đột ngột vào buổi chiều tối, hoặc khi bệnh nhân đang làm việc ở tư thế cúi, hoặc sau những sang chấn tâm lý. Người bệnh thấy mắt đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, nhìn ngọn đèn thấy quầng xanh, đỏ như cầu vồng. Bệnh nhân có thể buồn nôn hoặc nôn, mắt đỏ và nhìn mờ: có thể chỉ mờ nhẹ như nhìn qua màn sương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng xuống còn đếm ngón tay hoặc bóng bàn tay.
Ngược lại, glôcôm góc mở nguyên phát lại thường xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm trong thời gian dài. Đa số bệnh nhân không cảm thấy đau nhức mắt, một số trường hợp thấy mắt căng tức nhẹ thoáng qua hoặc nhìn mờ như qua một màn sương rồi tự hết. Những triệu chứng trên thường không rõ ràng nên ít người để ý.
Bác sĩ Sanh khuyến cáo dù không có dấu hiệu bất thường, mọi người nên kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh glôcôm, tránh nguy cơ mù lòa. Cụ thể: trước 40 tuổi: 2 – 4 năm/1 lần; từ 40 - 60 tuổi: 2 – 3 năm/lần; sau 60 tuổi: 1 – 2 năm/lần.
Với bệnh góc đóng, ngay cả khi đã được phát hiện và phẫu thuật, bệnh nhân vẫn cần tuân thủ nghiêm túc chế độ theo dõi định kỳ: Kiểm tra mắt, đo nhãn áp 3 tháng/lần trong 1 năm đầu, sau đó cứ 6 tháng – 1năm/lần.
Với bệnh nhân glôcôm góc mở được điều trị bằng thuốc tra tại mắt, dù nhãn áp đã điều chỉnh nhưng vẫn cần đi khám và kiểm tra nhãn áp thường xuyên: 2 tháng/lần, kiểm tra thị trường và khám lại đáy mắt: 3-6 tháng/lần để các bác sĩ điều chỉnh thuốc giúp kiểm soát nhãn áp ở mức an toàn.
Hưởng ứng tuần lễ Glôcôm Thế Giới, từ 12-17/3, bệnh viện khám mắt miễn phí cho bệnh nhân và người trong gia đình có tiền sử mắc bệnh glôcôm.
Lê Nga