Bác sĩ Nguyễn Thị Tố Thiên, khoa Chẩn đoán hình ảnh - Siêu âm, Bệnh viện Nhi đồng 1, ngày 26/4 cho biết bệnh nhi được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới với chẩn đoán viêm tụy cấp.
Mẹ bé trai thông tin, từ giữa tháng 4, bé đau bụng từng cơn kèm nôn ói. Sau khi nôn bé không giảm đau và đau tăng lên sau khi ăn. Bệnh nhi điều trị tại bệnh viện địa phương 7 ngày, đã giảm nôn ói nhưng vẫn đau bụng nhiều nên chuyển viện.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 siêu âm phát hiện có con giun đũa chui và nằm toàn bộ trong ống tụy, phần đuôi giun còn di động trong tá tràng (phần đầu ruột non). Trong đêm bệnh nhi nhập viện, 19/4, ê kíp Tiêu hóa đã tiến hành nội soi dạ dày - ruột để lấy giun ra khỏi ống tụy.
Con giun gắp ra dài khoảng 15 cm, vẫn còn sống. Sau nội soi bé trai hết đau bụng, tổng trạng tốt và hiện vẫn được theo dõi sát cho đến khi tình trạng viêm tụy ổn định. Bé sẽ được xổ giun, đồng thời bác sĩ sẽ tư vấn lối sống vệ sinh cho người nhà để tránh bé bị tái phát.
Theo bác sĩ Thiên, nhờ phát hiện và điều trị kịp thời bé đã giảm tối đa các biến chứng của viêm tụy cấp. Nếu can thiệp muộn hơn, khi giun chết trong ống tụy thì khó có thể nội soi gắp ra hoàn toàn. Thậm chí, nếu xác giun vôi hóa có thể gây ra viêm tụy mạn.
Giun đũa (tên khoa học Ascaris lumbricoides) là ký sinh trùng phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Gần đây, do tình trạng vệ sinh được cải thiện nên tỉ lệ nhiễm giun đũa có giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến ở các vùng có điều kiện vệ sinh kém, mức sống thấp.
Giun đũa có thể gây các biến chứng như tắc ruột, viêm ruột thừa cấp. Ấu trùng giun lên phổi gây ho kéo dài (hội chứng Loeffler), hoặc giun chui vào ống tụy gây viêm tụy cấp.
Nhiễm giun đũa có thể do ăn rau sống chưa rửa sạch, không rửa tay sạch trước khi ăn, không có nhà vệ sinh hợp vệ sinh... Do đó, bác sĩ khuyên người dân cần thay đổi lối sống, giữ gìn vệ sinh, xổ giun định kì mỗi 6 tháng cho trẻ từ một tuổi trở lên, để giúp trẻ tránh khỏi những biến chứng không mong muốn do giun.
Thư Anh