Đội tuyển bóng đá Việt Nam bị Indonesianesia đánh bại 0-3 ngay tại sân Mỹ Đình trong trận đấu tối ngày 26/3/2024, thuộc lượt 4 vòng loại thứ hai World Cup 2026. Kết quả này gần như đã khép lại cánh cửa đi tiếp vào vòng loại thứ ba của đội tuyển Việt Nam. Hơn nữa, thất bại này cũng khiến Việt Nam chẳng những tụt hạng trong bảng xếp hạng của FIFA mà còn đẩy Việt Nam vào thế khó khi cạnh tranh các suất tham dự giải châu Á trong tương lai.
Là người mang trong mình tình yêu bóng đá Việt Nam, có lẽ không có cổ động viên nào mà không cảm thấy buồn lòng vì kết quả này. Điều này là đương nhiên, không chỉ vì tình yêu bóng đá mà còn vì tinh thần dân tộc trong mỗi con người của cổ động viên bị tổn thương.
Tuy nhiên, tôi nghĩ cần có một cái nhìn rộng và thấu đáo hơn để vơi đi nỗi buồn, để còn hy vọng và nhất là để cảm xúc buồn tiêu cực không ảnh hưởng đến cuộc sống.
Thật ra, kết quả của trận đấu kể trên hoàn toàn có thể dự đoán được nếu có một cái nhìn thấu đáo.
Thứ nhất, về tương quan lực lượng, lẽ dĩ nhiên là đội tuyển Indonesia nhỉnh hơn Việt Nam ở chất lượng cầu thủ vào thời điểm hiện tại, cho dù Việt Nam có tung ra đội hình mạnh nhất có thể.
Chiến lược nhập tịch cầu thủ đã khiến cho đội tuyển Indonesia mạnh hơn rất nhiều. Trong thành phần ra sân của đội tuyển Indonesia trong trận đấu chiều qua, có quá nửa cầu thủ Indonesia là những cầu thủ nhập tịch. Đó là những cầu thủ đang thi đấu cho các đội bóng chất lượng hơn ở châu Âu. Về chất lượng, chỉ cần Thom Haye thôi là đã có giá trị chuyển nhượng gần bằng nữa đội hình gồm 33 cầu thủ của Việt Nam rồi, 3 triệu đôla so với tổng giá trị 7,35 triệu của 33 cầu thủ Việt Nam.
Nếu chỉ tính 11 cầu thủ ra sân thôi thì toàn đội tuyển Việt Nam cũng có giá trị chuyển nhượng thấp hơn cầu thủ này. Các cầu thủ nhập tịch khác của Indonesia, dù không có giá trị như Thom Haye, nhưng hầu hết đều đắt giá hơn những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam. Họ hiện chơi bóng cho những đội bóng Châu Âu, trong khi đó các sao của Việt Nam thường chỉ dự bị hoặc không được trao cơ hội ra sân khi xuất ngoại, cả ở trời Âu lẫn trời Á. Thế nên, thua là điều dễ hiểu.
Thứ hai, về vai trò huấn luyện viên, chúng ta không thể trong chờ một kết quả tốt đối với một huấn luyện viên đang giữ kỷ lục thua 9 trong 10 trận đấu quốc tế khi dẫn đội tuyển Việt Nam.
Không chỉ ở con số thống kê, điều không kỳ vọng là nằm ở kết quả quan sát lối đá của đội tuyển Việt Nam dưới triệu đại của ông Troussier. Không nhất thiết phải là chuyên gia, khán giả thông thường cũng nhìn thấy lối đá rất "tối" và "tù", không có con đường tiếp cận khung thành đối phương, dù kiểm soát bóng nhiều hay ít. Dưới triều đại HLV Trousier, số bàn thắng trung bình/trận của Việt Nam là 0,82 (9/11 trận), riêng với Indonesia là (0/3 trận), là minh chứng rõ cho nhận định trên.
Thứ ba, về những cầu thủ được chọn trong đội hình xuất phát, có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết các cầu thủ trẻ được HLV Troussier tin dùng còn khá "non" khi khoát trên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia. Non vì thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế nói chung, chưa có trải nghiệm nhiều trong những tình huống xử lý trên sân. Nếu HLV tin dùng nhiều hơn những cầu thủ kinh nghiệm thì có thể sẽ khác theo hướng tích cực hơn.
Chỉ cần bộ khung nhiều kinh nghiệm thi đấu đỉnh đạt, chắn chắn thì sẽ truyền được tinh thần thi đấu cho toàn đội. Một vài pha xử lý khéo trong việc thoát pressing của cầu thủ từng trải như Quang Hải thôi có thể là yếu tố giúp toàn đội tự tin hơn. Một vài pha mạnh dạn bức tốc dốc biên của các cầu thủ nhiều kinh nghiệm như Văn Thanh, Tấn Tài, Văn Toàn thôi cũng có thể tạo ra các cơ hội nguy hiểm. Các cầu thủ trẻ thường không đủ bản lĩnh để xử lý tốt những tình huống đó. Thế nên, các em chỉ chuyền an toàn khi không bị áp sát và khi bị áp sát thì chuyền cầu may sao cho bóng ra khỏi chân.
Thứ tư, về tinh thần thi đấu, thật khó đòi hỏi cao hơn ở cầu thủ khi lịch sử thua của các đội quân dưới trướng HLV Troussier quá dài, 9/10 trận trước trận đấu hôm qua. Mỗi cầu thủ tự đặt câu hỏi cho mình và khó có lòng tin trong quá trình đi tìm câu trả lời.
Tinh thần đoàn kết của đội chắc chắn cũng bị suy giảm khi HLV Troussier vẫn bảo thủ trước những đòi hỏi của CĐV và ý kiến các chuyên gia về việc trao cơ hội cho các cầu thủ nhiều kinh nghiệm. Dưới thời HLV Park Hang-seo Vũ, khí mạnh nhất của đội tuyển VN là yếu tố tinh thần, nay vũ khí này đã mất. Thua là tất yếu.
Thua thì đã thua rồi. Buồn thì đã buồn rồi. Để bớt buồn thì đã có những điều an ủi qua những lập luận trên. Giờ là lúc nhìn về điều tích cực và nghĩ về tương lai.
Điều tích cực nhất đó là nhờ trận thua vừa rồi, như giọt nước tràn ly, đã kết thúc thời kỳ đáng buồn của đội tuyển Việt Nam dưới triều đại của ông Troussier.
Điều này để lại một bài học có giá trị cho những người làm bóng đá ở VFF trong việc tuyển chọn HLV cho đội tuyển. Sự ra đi của ông Troussier không đồng nghĩa với việc nhận định ông ấy không có năng lực, dù ai cũng thấy ông ấy bất lực trước đối thủ khi bị đội Việt Nam bị dẫn bàn. Có lẽ, ông chưa hiểu nhiều về bóng đá Việt Nam, con người Việt Nam và văn hóa Việt Nam.
Nếu nhận định ông Troussier không phù hợp với bóng đá Việt Nam là đúng thì cũng không có nghĩa là đội tuyển Việt Nam sẽ mạnh lên ngay sau khi có HLV khác thay thế. Bởi sự thành công của một đội bóng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Tuy vậy, vẫn còn đó niềm hy vọng khi các cầu thủ làm nên thời đại vàng son của bóng đá Việt Nam vẫn còn đang thi đấu, đồng thời các trung tâm đào tạo bóng đá ở Việt Nam hàng năm cũng cho ra lò không ít cầu thủ có chất lượng.
Về tương lai, rất khó cho Việt Nam lấy lại vị thế đứng đầu trong khu vực và trở lại Top 100 trong bản đồ bóng đã thế giới trong ngắn hạn. Bởi vì Indonesianesia có nhiều cầu thủ nhập tịch có chất lượng. Ngoài ra, Thái Lan có nhiều cầu thủ thi đấu thành công ở các CLB mạnh trong châu lục. Các nền bóng đá ngang tầm cũng đang có chiến lược cải thiện chất lượng đội bóng của họ. Khó nhưng không phải là không thực hiện được. Nếu như Việt Nam có một hướng đi và lựa chọn đúng đắn trong việc phát triển bóng đá thì việc phục hồi vị thế của những năm trước không phải là mục tiêu xa vời.
Với giấc mơ tham dự World Cup, kỳ vọng đạt được trong ngắn hạn là điều ảo tưởng. Hướng đến mục tiêu này, cần có một chiến lược dài hạn và cụ thể về mọi mặt, thậm chí phải mất cả nửa hoặc một đời người. Yếu tố quan trọng nhất không phải nằm ở việc nâng cao thể trạng người Việt, dù yếu tố này cũng quan trọng. Tuyển chọn và đào tạo sớm cũng cần thiết nhưng cũng không phải là yếu tố then chốt.
Chìa khóa quan trọng nhất để mở cánh cửa World Cup cho Việt Nam thiển nghĩ có lẽ nằm ở yếu tố tư tưởng và tư duy. Điều này có nghĩa là người học và chơi bóng đá từ nhỏ phải mang suy nghĩ trong đầu là chính bản thân họ sẽ thành tuyển thủ quốc gia tham gia thi đấu World Cup, thậm chí có thể nghĩ rằng trở thành người đá bóng giỏi nhất hành tinh. Dù có vẻ ảo tưởng, nhưng đây chính là yếu tố nội động lực rất mạnh giúp cầu thủ nỗ lực cao nhất trong tập luyện để có thể chơi bóng tốt nhất có thể. Phương pháp tự kỷ ám thị này trong thực tế đã giúp nhiều cầu thủ thành công, điển hình là danh thủ Cristiano Ronaldo với suy nghĩ "Tôi giỏi nhất thế giới".
Nhờ thay đổi tư tưởng sau thời Minh Trị, người Nhật đã trở thành cường quốc trên thế giới. Nhờ giáo dục tư tưởng làm chủ nên Hàn Quốc có những tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới và sản sinh ra nhiều ông chủ, điều hành những công ty ở nhiều quốc gia khác nhau. Thiết nghĩ, người Việt cũng cần thay đổi tư tưởng, từ tư duy làm thuê sang tư duy làm chủ, để phát triển đất nước. Với bóng đá cũng vậy, cầu thủ Việt Nam cần thay đổi tư tưởng, từ tư duy bá chủ "vùng trũng" đến tư duy "ngang tầm thế giới" thì giấc mơ tham dự World Cup mới có thể được hiện thực hóa. Muốn có được điều đó, rất cần một sự cách mạng trong giáo dục nói chung, không riêng gì trong lĩnh vực đào tạo bóng đá.
"I can do it. Why not?" (Tôi có thể làm được. Tại sao không?) là câu tự kỷ ám thị mà mỗi người chúng ta rất cần dùng để tự "thôi miên" mình nếu muốn đạt được mục tiêu nào đó. Mong các cầu thủ nhí ngay bây giờ đặt mục tiêu tham gia World Cup, dùng câu tự kỷ ám thị này này để tự thôi miên mình, ra sức tập luyện để hướng đến giấc mơ chung của người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Với người hâm mộ, mong mọi người hãy bớt chỉ trích các cầu thủ vì họ đã làm tốt nhất những gì họ muốn làm, bớt chỉ trích HVL Troussier vì ít nhiều ông ấy đã để lại một bài học kinh nghiệm cho bóng đá Việt Nam.
Trần Minh Trí
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.