Những sự bất ngờ ấy có thể đem lại cho người ta nụ cười cũng có thể mang lại giọt nước mắt hạnh phúc, nghẹn ngào hay tiếc nuối. Giọt nước mắt khiến tôi hồi tưởng lại những giọt nước mắt của đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Giọt nước mắt hạnh phúc, tự hào. Tôi là một cô gái 24 tuổi nhưng tâm hồn thì vẫn như một cô nhóc mười tám đôi mươi (như lời những người quen của tôi nhận xét). Tiger 98, tôi sáu tuổi, tôi chỉ mới chỉ biết đến những cầu thủ Việt Nam là Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Hữu Thắng và một cầu thủ ngoại duy nhất David Beckham. Và từ đó, tôi bắt đầu xem bóng đá nhưng chỉ xem duy nhất những trận đấu có tuyển Việt Nam và những trận bóng quốc tế có tuyển Anh (vì có Beck mà). Khi ấy, bóng đá với tôi chỉ là một trò chơi để mọi người rèn luyện thể lực, kỹ năng và thi đấu là công việc của những cầu thủ. Mãi cho tới khi trưởng thành tôi mới nhận thấy bóng đá không phải vậy.
Bóng đá như đời vậy, nó có những khúc thăng, khúc trầm, lúc vui, lúc buồn và tôi nhận thấy rõ điều này hơn vào trận chung kết AFF Suzuki Cup 2008. Khi cả nhà cùng nhau xem trận Việt Nam – Thái Lan, bao hy vọng đều được đặt hết vào các cầu thủ. Kết quả trận đấu hiện đang hòa, các cầu thủ nỗ lực hết mình để ghi bản nhưng không có kết quả. Tôi cỗ vũ đội tuyển mà lo lắng lắm, lo Thái ghi bàn, lo sang hiệp phụ các cầu thủ của mình sẽ không duy trì được thế lực tốt nhất. Và vào những giây phút bù giờ cuối cùng, Lê Công Vinh đã ghi bàn. Niềm hạnh phúc như vỡ òa, tôi nhảy lên sung sướng đến suýt trượt chân khỏi cái giường và khi ấy, tôi nhìn thấy những giọt nước mắt. Cầu thủ Tấn Tài òa khóc như một đứa trẻ. Ôi thôi, cổ tôi có cái gì lạ lạ, vừa nói vừa cười mà giọng bị biến đổi đi: “Kìa kìa mẹ ơi”. Thế là mẹ cùng cười và tôi cũng thấy ngấn lệ trong mắt mẹ. Đó chính là giọt nước mắt hạnh phúc trên sân cỏ, nước mắt của sự sung sướng khi sự nỗ lực được đền đáp. Tôi tin, trong giây phút đó không chỉ có các cầu thủ, tôi, mẹ mà còn rất nhiều người hâm mộ khác cũng khóc.
Giọt nước mắt tiếc nuối. Trở lại với Euro, khi thấy bài viết về cầu thủ Ibra gục trên sân bởi kết quả chung cuộc, tôi nhớ hình ảnh chàng trai trẻ, lá chắn thép, số 15 của đội tuyển Việt Nam Quế Ngọc Hải. Tôi vẫn không thể nào quên được ngày hôm đó. Mấy ngày trước khi trận đâu diễn ra, tôi và cô bạn gái rủ nhau đi xem đá bóng vì chiều thứ Bảy nên cả hai được nghỉ làm. Hai đứa đi ăn rồi lôi nhau đi tìm quán xem bóng đá nhưng thật khó khăn vì quán nào cũng chật cứng. Cuối cùng hai đứa cùng tìm được một quán cà phê gần công viên Nghĩa Đô và vào xem khi trận đấu sắp bắt đầu. Thật buồn cười và cũng có phần hơi ngại ngùng bởi tôi và đứa bạn là hai phần tử nữ duy nhất ngồi trong quán. Ấy vậy mà cũng cổ vũ hăng lắm, máu lắm rồi khi đội mình thua. Chúng tôi không ở lại quán mà ra về luôn, trên đường là cuộc trò chuyện xung quanh trận đấu: “Hôm nay đội mình đen thật”, “Quả đấy mà vào thì....”..... Khi về tới phòng trọ đứa bạn, tôi cầm điện thoại lên để đọc báo về trận đấu thì thấy đoạn clip và hình ảnh các cầu thủ ngã gục trên sân. Ôi thôi, con gái mà, mong manh mà, tôi nhìn mà nước mắt cứ chảy. Gương mặt giàn giụa nước mắt, cái ôm cổ động viên thật chặt, giọt nước mắt tiếc nuối nghẹn ngào của Quế Ngọc Hải làm tôi thấy khâm phục, cảm mến bạn dù chưa từng gặp mặt hay trò chuyện. Nhưng với tôi người con xứ Nghệ ấy, tuổi trẻ Việt Nam ấy luôn đáng được tự hào, trân trọng.
Dù là giọt nước mắt hạnh phúc hay tiếc nuối thì những giọt nước mắt trên sân cỏ ấy đáng được trận trọng bởi đó là sự cố gắng, nỗ lực hết mình vì đam mê trái bóng tròn. Cảm ơn các bạn đã truyền cảm hứng đến cho tôi, thúc giúc tôi thực hiện ước mơ của mình.