Tháng năm không trở lại, con bây giờ xa mãi, xa với vòng tay chăm bẵm của cha mẹ ngày nào, xa với tuổi thơ nơi lũ tre nghiêng mình bên dòng Lam xanh biếc nơi mùa hé nắng nôi, oi ả, gió Lào bỏng rát, nơi mùa đông giá lạnh đến tê người. Và nơi có một người cha thắp sáng trong lòng con mãi mãi.
Ai sinh ra rồi cũng lớn lên, có quê hương, gia đình, có tuổi thơ, có những điều để nhớ, có những ký ức không thể phai phôi. Với con, những giọt nước mắt của cha như một hành trang để bước vào đời. Con cảm thấy mình may mắn khi được sinh ra nơi mảnh đất miền Tây xứ Nghệ đầy truyền thống trong một gia đình chan chứa tình yêu thương, với một người cha mẫu mực gánh vác gia đình, gồng ghánh nuôi con và em khôn lớn trưởng thành. Cha của con - một người nông dân bình dị, chân chất với phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ chăm chỉ, tháo vát. Mẹ sinh con yếu ớt rụt rè hơn chúng bạn, những tháng ngày bồng bế trên tay bệnh tật triền miên. Con lấy đi bao nhiêu mồ hôi, nước mắt sự hy sinh mỏi mòn của cha. Để giờ đây chàng thanh niên trai tráng ngày nào tóc trên đầu đã bạc, khuôn mặt in hằn những vết chân chim.
Ngày con vào lớp một, mẹ dắt con đi, con bẽn lẽn theo sau chân mẹ, tay bám lấy gấu áo mẹ không dám bước vào lớp. Ngày ấy con là một đứa bé đen nhẻm, gầy guộc và rụt rè... Chiều tan học về cha đón con, trời mưa như trút nước. Cha cõng con đi trên con đường bùn lầy lội, con dựa vào vai cha, từng bước, từng bước trên con đường khó khăn vất vả, cha dìu dắt con vào đời..
Lần thứ nhất con nhìn thấy cha khóc là năm con vào lớp 8, bỗng nhiên sau một trận ốm, con không thể tự đi được. Con vẫn bị ám ảnh mãi phút giây của buổi sáng hôm đó khi con vừa ngủ dậy, chân con không thể tự đi được, con bước xuống sàn nhà và ngã quỵ. Con tưởng như mình bị liệt. Cha vội vàng bế con lên và gọi xe đi viện, cha ôm con vào lòng, giọt nước mắt lăn dài, bất lực, rơi xuống khuôn mặt non nớt và đầy sợ hãi của con. Rồi con cũng nhập viện, điều trị ròng rã suốt hơn hai tháng trời, cũng là ngần đấy thời gian cha đạp xe cả quãng đường dài chăm sóc, an ủi con mỗi ngày. Con dần đi lại được bình thường, con tự đến trường để học cùng các bạn. Hằng ngày, cha vẫn dắt con đi, trên con đường đầy sỏi đá và động viên con vì sợ con không theo kịp các bạn.
Lần thứ hai con nhìn thấy cha khóc là lúc em trai bị bệnh nặng, gia đình phải làm cam kết với bệnh viện. Vào một ngày u ám đầu thu, cái mùa thu định mệnh ấy, ở ngay phòng làm việc của bác sĩ, cha ký vào tờ đơn cam kết, rồi con nhìn thấy cha khóc, nói với bác sĩ rằng “tôi chỉ là một người nông dân nghèo, gia đình có bao nhiêu bán hết chạy chữa cho cháu, mong bác sĩ giúp cho”, cha khóc, giọt nước mắt lăn dài trên gò má của nhiều đêm không ngủ vì lo âu. Sau lần ấy, gia đình mình lâm vào cảnh nợ nần túng thiếu. Ngoài những việc ruộng đồng vất vả, hằng đêm cha còn tranh thủ đi bốc gạch cho người ta xây nhà, những nhà mới trong làng đều dùng gạch từ bàn tay cha. Bàn tay cha chai sạn nứt nẻ mỗi khi mùa đông về, cũng là bàn tay diệu kỳ chăm lo cho con cái trưởng thành, no ấm.
Món quà con dành tặng cha là những tấm bằng khen sau mỗi kỳ học. Là việc con đỗ vào một trường đại học danh tiếng sau mười hai năm đèn sách. Cũng là lần thứ ba con nhìn thấy cha khóc. Nhà mình nghèo, lúc con nhận giấy báo nhập học cũng là lúc bà nội bị ốm nặng. Cầm tờ giấy báo trên tay. Cha đã khóc. Trong giọt nước mắt ấy cáo vị hạnh phúc vì con đã đỗ đạt, có vị lo âu vì những khoản phải chi tiêu, lo cho con nơi thủ đô xa hoa, đắt đỏ. Rồi con cũng khóc, con thương gia đình mình sẽ phải vì tương lai của con mà thêm bao nhiêu gánh nặng. Cha vỗ về an ủi con, rằng con phải nên vui chứ, sao khóc con? Thế là chẳng ai chê nhà mình nghèo mà hèn được cả, vì con của cha sẽ được ăn học đàng hoàng.
Cha là thế, là có thể nhịn ăn bữa sáng đi cày ruộng cho con no bụng đến trường, là có thể mặc mong manh đi đóng từng viên gạch xây nhà nhường áo ấm cho con. Là mất cả một đời vất vả để chị em con được ăn học đến nơi đến chốn, để thoát khỏi cái nghèo. Cha ơi! Sao kể hết được những hy sinh, những nhọc nhằn, sự gian nan vất vả của cuộc đời cha trên bấy nhiêu con chữ? Cha xa quê hương vào Nam kiếm tiền để nuôi con học đại học, những tháng ngày cơ cực nơi xứ người đã khiến cha già đi trông thấy, tóc cha bạc thêm nhiều, bàn tay cha sạm đen nắng gió. Rồi cha đổ bệnh vì làm việc quá sức mà ăn uống không đủ chất, con biết tin, nước mắt ròng rã, con gọi cha, cha điềm tĩnh trấn an con "có gì đâu con, vài hôm sẽ khỏi mà, trước cha đi đánh giặc ở Tây Ninh vất vả hơn nhiều con ạ" . Cha luôn như vậy, luôn không để mọi người phải lo lắng cho mình, luôn nhận phần thua thiệt.
Giờ con và em đã trưởng thành, có công việc ổn định. Những đức tính của cha, lời dạy của cha, sự hy sinh của cha dạy cho chúng con rằng phải tự mình đứng dậy khi chẳng may bị gục ngã. Là đủ mạnh mẽ để kiên cường với những chông gai, là không bao giờ cúi đầu trước hai từ “thất bại”, là không bao giờ tự cho phép mình dừng lại trước những khó khăn. Sống phải biết yêu thương, sẻ chia, là cho đi mà không cần nhận lại.
Mỗi người khi bước vào đời sẽ có những động lực khác nhau để cố gắng, phấn đấu, để học tập, làm việc và cống hiến. Với con, những giọt nước mắt của cha ngày ấy là chỗ dựa bình yên của tâm hồn, đầy thiêng liêng cao quý, để con sống tốt hơn, cố gắng nhiều hơn, để những giọt nước mắt sau này của cha, nếu có rơi sẽ là những giọt nước mắt hạnh phúc!
Dương Thị Hồng