Ngày 21/1, tại TP HCM diễn ra tọa đàm "Những cuốn sách làm ô nhiễm môi trường giáo dục thanh thiếu niên - thực trạng và giải pháp". Sự kiện thu hút khoảng 100 khách mời, trong đó có nhiều lãnh đạo đến từ các nhà xuất bản, công ty làm sách tư nhân, Hội xuất bản và Cục Xuất bản - In - Phát hành.
Các đại biểu lắng nghe khoảng 10 tham luận gửi về chương trình, cũng như ý kiến trao đổi trực tiếp từ khách mời. Chương trình diễn ra với từng phần cụ thể: Nhận diện các đầu sách vô bổ, sách nhảm nhí tràn lan gây tác hại cho bạn đọc, nhất là thanh thiếu niên; Xác định rõ nguyên nhân; Đại diện các nhà xuất bản, cơ quan quản lý đề ra giải pháp, định hướng để giải quyết triệt để vấn nạn.
Ban tổ chức muốn nhắm đến những cuốn sách có thể gây tác động xấu đến môi trường giáo dục thanh thiếu niên. Bởi đây là những độc giả nền tảng, là thế hệ nòng cốt của văn hóa đọc. Người nêu ý tưởng thực hiện tọa đàm - ông Lê Hoàng (Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, phụ trách phía Nam) - cho biết, là văn hóa phẩm đặc biệt, sách không chỉ có tác động nhất thời mà còn để lại ảnh hưởng về lâu dài với người đọc. Vì thế, những cuốn sách có nội dung hời hợt, vô bổ, cung cấp nội dung kiến thức sai lệch, phản cảm... sẽ tác động âm ỉ, có thể góp phần làm tha hóa con người, làm giảm niềm tin với ngành xuất bản, gây khó khăn kinh tế cho tác giả.

Năm qua, ngành xuất bản sách để xảy ra liên tiếp các sai phạm nghiêm trọng.
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản - In - Phát hành, khái quát thực trạng của ngành xuất bản năm 2014 qua những con số chi tiết, khiến nhiều người thất vọng trước sai phạm liên tiếp, dai dẳng của ngành. Trong năm 2014, có 399 xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý. Trong đó, Cục xử lý một xuất bản phẩm do Sở Thông tin - Truyền thông cấp phép, còn lại là do 43 nhà xuất bản cấp phép. Hầu hết các ấn phẩm này sai sót về nội dung, được xuất bản sai so với nội dung đăng ký trước đó, hoặc là xuất bản phẩm in lậu, mạo danh nhà xuất bản, nhập lậu và lưu hành bất hợp pháp.
Rất nhiều vụ việc sai phạm bị xử lý cuối năm qua liên quan đến sách dành cho bạn đọc là thanh thiếu niên, như: cuốn Danh nhân và thời đại (NXB Đồng Nai), Hỏi đáp nhanh trí (NXB Văn hóa - Thông tin), Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc (NXB Văn hóa - Thông tin)... Trong đó, có đến 7 cuốn từ điển bị đình chỉ phát hành, sửa chữa, như: Từ điển chính tả, Từ điển tiếng láy, Từ điển đồng nghĩa, trái nghĩa, Từ điển tiếng Việt đều dành cho học sinh và đều của NXB Hồng Đức, Từ điển từ Hán Việt (NXB Đại học Quốc gia TP HCM). Ngoài ra, có đến 12 cuốn từ điển bị thu hồi, nổi cộm nhất là vụ việc liên quan đến cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất trôi nổi trên thị trường với nhiều phiên bản.
Trong số các tham luận, bài viết của ông Lê Thanh Hà - giám đốc NXB Đại học Sư phạm - nêu ra khá cụ thể nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng. Theo ông Hà, việc cho ra đời quá nhiều nhà xuất bản nhưng không có kế hoạch đào tạo bài bản người làm công tác ở lĩnh vực này dẫn tới việc các nhà xuất bản hoạt động thiếu chuyên nghiệp. Đa số nhà xuất bản hiện nay phải tự hạch toán tài chính và nuôi bộ máy. Để tồn tại, họ làm mọi cách để có thu nhập, trong đó cách "nhẹ nhàng" nhất chính là bán giấy phép cho các đơn vị liên kết. Vì lợi ích kinh tế, vì thiếu năng lực, không ít nhà xuất bản tồn tại chỉ với cái tên, còn số phận và thương hiệu đã bị đối tác liên kết thao túng.
Còn ông Đỗ Thành - giám đốc công ty Nhân Trí Việt (đơn vị làm sách tư nhân) - cho rằng: nguyên nhân đầu tiên dẫn đến môi trường sách ô nhiễm chính là văn bản luật ở lĩnh vực này thiếu chặt chẽ, chưa sát thực tế. Vì đến từ đơn vị tư nhân, ông Thành xoáy vào điều 23 của Luật Xuất bản để chỉ ra khá nhiều cách dùng từ ngữ chung chung, sơ hở khiến cho đối tượng làm sách có thể vin vào đó để lách luật.
Ông phân tích: Một người phải có chứng chỉ hành nghề y mới được mở phòng khám tư, phải có nghiệp vụ sư phạm mới được đứng lớp, nhưng mục 1c của điều 23 quy định đối tác liên kết của nhà xuất bản là tổ chức khác có tư cách pháp nhân. Cụm từ "tổ chức khác có tư cách pháp nhân" bao hàm phạm vi quá rộng về việc cho phép đối tượng có thể tham gia vào lĩnh vực xuất bản, gồm cả người chuyên lẫn không chuyên.
Điều này dễ dẫn đến tình trạng ai cũng tham gia làm sách một cách bát nháo, tùy tiện mà không có năng lực chuyên môn. Cũng dễ dãi tương tự như thế, mục 2a điều 23 quy định hình thức liên kết của nhà xuất bản với đối tác là "khai thác bản thảo". Cụm từ này khiến người làm sách có thể vin vào để tùy tiện khai thác các nguồn bản thảo chưa có bản quyền hoặc ăn cắp bản quyền dưới hình thức "sưu tầm và biên soạn"...

Bà Huỳnh Xuân Hạnh - Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP HCM nêu ý kiến: Để hạn chế tình trạng nhà xuất bản cấp phép mà không đọc bản thảo hoặc chỉ bán giấy phép, Cục nên có khảo sát thực tế tình hình hoạt động của các nhà xuất bản, nhất là vấn đề tài chính nhằm tạo ra cơ chế phù hợp, góp phần tháo gỡ cho ngành xuất bản đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Bên cạnh rất nhiều nguyên nhân được nêu ra, câu chuyện về vấn nạn in lậu được nhắc lại như một sự dung dưỡng cho tệ sách rác. Ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc công ty First News, chia sẻ câu chuyện ông cho là "nỗi cay đắng và tủi nhục" của người làm sách khi có tác giả phải năn nỉ một trùm sách lậu chừa mình ra để ấn phẩm đến với độc giả đàng hoàng hơn.
Ông Phước cho biết, đơn vị làm sách của ông từng phải chịu lỗ khi bạn đọc gửi hàng trăm đầu sách đến "bắt đền" khi sách in logo của First News nhưng giấy lem nhem, chữ mờ không đọc được. "Dù biết là sách lậu, để bảo vệ thương hiệu, chúng tôi vẫn phải lấy về và đổi lại sách mới cho người đọc", ông Phước nói.
Để giải quyết những vướng mắc nêu ra, hầu hết các đại biểu đều cùng chung ý kiến: mỗi nhà xuất bản cần phải ý thức rõ trách nhiệm của mình với cộng đồng, với thế hệ tương lai trong từng ấn phẩm. Bên cạnh đó, phải có những xử phạt cụ thể các cá nhân tắc trách trong các khâu biên tập, đọc duyệt bản thảo... Mỗi nhà xuất bản phải hoạt động với quy chế rõ ràng, tuân thủ chặt chẽ theo pháp luật về cơ chế hoạt động, quy chế biên tập viên. Về phía mình, Cục Xuất bản cũng cần xem lại năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc hơn trong trong việc xét duyệt và xác nhận đăng ký đề tài cho nhà xuất bản...
Thoại Hà