Từ 2017, chùa Bạch Vân bắt đầu mở các lớp học võ miễn phí. Sau khi phải đóng cửa vì dịch, các lớp này được mở cửa trở lại và hình thành một làn sóng mới. Thay vì những người già, giới trẻ hiện chiếm đa số. Họ thường là người lao động nhập cư, sinh viên đại học và những thanh niên thất nghiệp.
Không chỉ Bạch Vân, các đạo quán khác như Thanh Dương ở Thành Đô, Huyền Diệu ở Tô Châu... đã mở lớp võ. Giữa cuộc sống áp lực, tập võ ở chùa đang trở thành lựa chọn của nhiều người. Nhiều nơi ghi nhận "cháy" suất chỉ sau một giờ mở cổng đăng ký.
Dưới gốc cây bạch quả khổng lồ trong sân Bạch Vân, nắng xuân ấm áp, thoang thoảng hương thơm của thuốc bắc. Lập trình viên Hầu Thục Tường, 26 tuổi là một học viên tích cực trong lớp Thái Cực Quyền. Mặc dù quãng đường từ nhà đến đây mất 3 tiếng đi về, cô vẫn đến vào thứ 7 hàng tuần.
Đặc thù công việc khiến Thục Tường phải ngồi tập trung một chỗ nhiều giờ mỗi ngày. "Tôi cảm thấy khó khăn khi leo ba hoặc bốn tầng cầu thang. Sau một ngày làm việc tôi mệt mỏi, lưng rũ xuống, không thể đứng dậy được nữa nhưng vẫn phải ngồi đó", cô chia sẻ.
Một thời gian dài cô mất ngủ, căng thẳng. Vì thời đại học đã biết đến lợi ích của Thái Cực Quyền và Bát Đoạn Cầm, cô liền đăng ký học ở đây. Sau khi luyện tập, tâm trạng cô thoải mái và cơ thể khỏe khoắn, buổi tối dễ ngủ hơn.
Hoạt động cuối tuần của lập trình viên Giang Bân 31 tuổi và bạn gái là tập Thái Cực Quyền cùng nhau. Năm ngoái Giang Bân phát hiện hen suyễn, nguyên nhân do khả năng miễn dịch kém và thiếu vận động.
Lần đầu tiên đến đây, anh rất ngạc nhiên khi thấy nhiều bạn trẻ đến luyện võ và tụ tập đạo giáo.
"Tôi không ngờ rằng sẽ có một ngôi chùa Đạo giáo cổ kính như vậy ở một nơi như sầm uất như Bắc Kinh", anh nói.
Giang Bân tâm sự trước đây là người tương đối thiếu kiên nhẫn. Mỗi khi có một dự án nào đó, anh đều phải cố gắng tập trung. Tuy nhiên sau khi tham dự các lớp võ thuật ở đây, anh thấy mình bình tĩnh hơn, tập trung tốt hơn. Khi gặp vấn đề, anh bớt đi suy nghĩ, lo lắng không cần thiết. Bệnh hen suyễn cũng đã cải thiện.
Khi anh chia sẻ với đồng nghiệp, ban đầu mọi người đều ngạc nhiên. Họ nói "Bạn thực sự đã đi tập Thái Cực Quyền? Đó chẳng phải là cuộc sống sau khi nghỉ hưu sao?". Dần dần, họ thấy Giang Bân tập vào giờ nghỉ trưa, nhiều người đã học hỏi kinh nghiệm của anh và được truyền cảm hứng.
Trương Nại Dân, 25 tuổi, luật sư, quê Cáp Nhĩ Tân cho biết áp lực giao thông ở Bắc Kinh, đặc biệt là Đường Vành đai 10 khiến cô căng thẳng. Mỗi ngày từ lúc ra ngoài nhà, chen chúc trên tàu điện ngầm đến khi trở về, cô đều cảm thấy áp lực.
"Khi đến chùa Bạch Vân, tôi cảm thấy như đang ở một môi trường khác, trong lòng đặc biệt bình tĩnh", cô cho hay.
Nại Dân thường khó ngủ vào ban đêm, mơ nhiều và thức dậy sớm. Lịch trình công việc dày đặc, cô vẫn đến đây tập Bát Đoạn Cẩm vào sáng thứ bảy và Thái Cực Quyền vào Chủ nhật. Mỗi ngày mất ba tiếng để di chuyển, cô vẫn mong chờ đến đây.
"Tôi gọi ngày luyện tập là 'ngày năng lượng'", cô nói.
Thầy Tư Cơ, hậu duệ đời thứ 16 của phái Võ Đang Tam Phong đang dạy ở Bạch Vân được nhiều người học trò quý mến. Tư Cơ lên núi Võ Đang bái nghệ từ năm 11 tuổi và xuống núi 5 năm trước, đến Bắc Kinh để truyền bá võ thuật Võ Đang.
"Trước dịch, hầu hết người đến học võ đều là trung niên và người già. Sau dịch có xu hướng trẻ hơn", thầy Tư nói.
Nhiều người trẻ cho biết áp lực với công việc và học tập, nên coi việc lên núi luyện võ như cách sạc năng lượng, để quay trở lại đam mê hơn. "Nếu cơ thể yếu đuối, chúng ta sẽ luyện tập, và nếu tâm yếu thì chúng ta sẽ tu tập", Tư cho hay.
Một giáo viên khác tên Đặng Gia Nghệ là đệ tử của đạo sĩ nổi tiếng Lý Tân Quân, chủ trì chùa Bạch Vân cho biết đã chứng kiến nhiều công nhân cổ trắng ở thành thị gặp áp lực cuộc sống. Hầu hết đều đến đây với chứng đau cứng cổ vai gáy và sự mệt mỏi, chán nản kéo dài.
Qua từng hỏi thở trong quá trình luyện tập, các vấn đề của cơ thể dần cải thiện, tinh thần tốt và tâm hồn người trẻ trở nên lạc quan, bình an hơn.
Gần đây, cụm từ "trạng thái chim ruồi" đang thu hút sự quan tâm trên mạng xã hội. Giáo sư Hạng Tiêu ở Bắc Kinh giải thích chim ruồi là loài chim nhỏ bé, phải vỗ cánh liên tục để giữ mình lơ lửng trong không trung. Đối với nhiều người trẻ, việc tập thái cực quyền, võ đang, bát đoạn cẩm tại các đạo quán giống như việc tự an định bản thân của chim ruồi đang vỗ cánh.
"Toàn xã hội Trung Quốc, nhiều người đều đang lơ lửng. Mọi người đều bận rộn với công việc, chạy đua với một tương lai không xác định", giáo sư Hạng nói. Đồng thời, hiện tại bị treo lơ lửng, không có ý nghĩa gì ngoài việc là công cụ hướng đến tương lai. Họ không làm việc chăm chỉ vì yêu thích công việc đó, mà thường là để dành dụm đủ tiền, để sau này không cần phải làm việc nữa.
"Vì sống ở tương lai, phủ định hiện tại khiến nhiều người trẻ không hài lòng và hạnh phúc. Khi tập võ, với nhiều người trẻ giống như tự an định bản thân của chim ruồi đang vỗ cánh, vì cuộc sống hôm nay xứng đáng được trải nghiệm", giáo sư Hạng nói thêm.
Bảo Nhiên (Theo Zhuanlan)