Nhiều ý kiến cho rằng, chính đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều người suy nghĩ lại về cách sống hàng ngày. Những thói quen đã thay đổi, các công sở làm việc từ xa và con người ở nhà thường xuyên hơn bao giờ hết nên nhu cầu mua nhà cũng tăng lên.
"Giá nhà và đám cưới tăng vọt so với trước đây. Đầu tư vào một ngôi nhà hay sử dụng nó cho đám cưới là một tình thế tiến thoái lưỡng nan mà rất nhiều người đang phải đối mặt", Sarah Miller, một chuyên gia tổ chức lễ cưới ở Nashville nhận định. Một đám cưới có thể tốn hàng chục nghìn USD.
Nichole Holmes, nhà môi giới bất động sản cũng ở Nashville, nói rằng việc sở hữu một ngôi nhà hoặc căn hộ là "điều không cần suy nghĩ". "Đầu tư ngay bây giờ là một hành động khôn ngoan", bà nói thêm.
Tiến sĩ tâm lý học Joseph Cilona ở Manhattan cho rằng nhiều người chọn nhà ở thay vì đám cưới chủ yếu bởi kinh tế. Số tiền giới trẻ Mỹ kiếm được ít hơn đáng kể và phải đối mặt với quá nhiều bất ổn trong cuộc sống, từ đại dịch đến thay đổi khí hậu và thị trường việc làm. Những bất ổn này khiến giới trẻ bỏ qua đám cưới truyền thống và dồn tiền vào căn nhà.
Thêm vào đó, chuyên gia về các mối quan hệ và hẹn hò Lee Wilson cho rằng giới trẻ ngày nay lớn lên trong xã hội có tỷ lệ ly hôn cao nên họ không mặn mà với đám cưới.
"Người trẻ ngày nay kết hôn muộn hơn so với bố mẹ. Họ cũng nhận ra rằng ở độ tuổi của mình, bố mẹ họ đã sở hữu nhà và ổn định", tiến sĩ tâm lý học Ramani Durvasula cho biết. Một nghiên cứu gần đây ở Mỹ chỉ ra năm 2019, độ tuổi kết hôn trung bình ở nước này là 30 với đàn ông và 29 với phụ nữ, trễ hơn ba năm so với năm 2003 và bảy năm so với năm 1968.
"Sự kết hợp giữa tính thực tế và các kịch bản khác nhau về hôn nhân khiến thế hệ trẻ nghĩ rằng mình có thể sống theo một cách khác", tiến sĩ Durvasula bổ sung.
Thế hệ Millennial cũng không thấy có vấn đề gì sống khác một chút. Họ không nhất thiết phải tuân theo kịch bản sẵn có là gặp gỡ, kết hôn, mua nhà, sinh con.
Rất nhiều chuyên gia về mối quan hệ ủng hộ ý tưởng về việc bỏ đám cưới để mua nhà. Theo tiến sĩ Durvasula, thay vì lãng phí thời gian và tiền bạc vào một ngày, cặp vợ chồng có thể đầu tư vào tài sản lớn như nhà cửa và tiến lên phía trước một cách ổn định hơn. "Chiếc bánh cưới còn sót lại không phải là tài sản lâu dài như một ngôi nhà hoặc một căn hộ chung cư", bà ví von.
Cũng theo nữ chuyên gia, phải tổ chức đám cưới lớn là một tư tưởng "khá lỗi thời". Bớt tập trung vào đám cưới sẽ giúp các đôi vợ chồng chú trọng hơn đến tương lai của họ, yếu tố cực kỳ quan trọng trong một mối quan hệ lâu dài.
Tiến sĩ Cilona cho rằng việc đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn như mua nhà thay vì tổ chức đám cưới còn giúp giảm nguy cơ tranh cãi về tiền bạc, vốn là một vấn đề lớn mà nhiều cặp vợ chồng phải đối mặt. "Căng thẳng tài chính có thể tác động cực kỳ tiêu cực và sâu rộng đến mối quan hệ. Nó thường được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chia tay", ông nói.
Tất nhiên, việc bỏ đám cưới để mua nhà cũng có mặt trái. Đôi vợ chồng trẻ có thể vô tình dẫn đến mâu thuẫn với các thành viên gia đình có tư tưởng truyền thống hoặc hối hận vì mình đã không tổ chức đám cưới.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Durvasula, nhìn chung, bỏ đám cưới để mua nhà là điều tốt, chỉ cần hai vợ chồng chuẩn bị sẵn sàng cả về tinh thần lẫn tài chính. Cả hai phải có chung tư tưởng đồng thời xác định rõ ngân sách để tìm được ngôi nhà phù hợp, tránh vay nợ quá nhiều. Trường hợp vẫn muốn làm gì đó để người thân chung vui, họ có thể tổ chức một bữa tiệc nhỏ ngay tại nhà, thay vì làm một buổi lễ hoành tráng với bánh kem và váy mới.
Thu Nguyệt (Theo Parade)