Theo hãng nghiên cứu thị trường IBISWorld (California, Mỹ), quy mô của đám cưới có thể được coi là bằng chứng của suy thoái hay thịnh vượng ở bất cứ quốc gia nào. Những dịch vụ liên quan đến "ngày chung đôi" như hoa, ảnh cưới, hay các bữa tiệc... là một phần của nền công nghiệp trị giá 74 tỷ USD của riêng nước Mỹ.
Trong thời đại ngày nay, khi ngày càng nhiều người thuộc thế hệ Y (thế hệ những người sinh ra từ năm 1981 đến năm 2000) có xu hướng trì hoãn hôn nhân, những cặp đôi quyết định kết hôn cũng không ngại ngần chi tiêu nhiều hơn cho ngày trọng đại của mình.
Dhanusha Sivajee, giám đốc tiếp thị của The Knob Worldwide cho biết: "Các cặp đôi vẫn sẽ tổ chức cưới, nhưng trên 95% số đó điều chỉnh lại thời gian vào cuối năm nay hoặc muộn hơn là vào năm sau. Đó là tin tốt, nhưng từ nay đến cuối năm sẽ là một khoảng thời gian đầy thách thức với những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cưới quy mô nhỏ", cô nói.
"Nó (Covid-19) đến quá nhanh và quá dữ dội trên "mặt trận" cưới hỏi, theo cách mà ngành công nghiệp của chúng tôi chưa hề có bất cứ sự chuẩn bị nào", cô Amy Shey Jacobs, người sáng lập công ty dịch vụ cưới hỏi Chandelier Events có trụ sở ở New York nói.
Cô nhấn mạnh: "Ở New York, nó diễn ra nhanh đến mức ngành công nghiệp này bị hạ gục ngay từ loạt đạn đầu". Amy cũng cho biết các khách hàng đang chuẩn bị làm đám cưới của cô đều đã quyết định hoãn hôn lễ.
Thông thường, mùa xuân là thời điểm bắt đầu mùa cưới. Nhưng nCoV đã làm xáo trộn tất cả. Điều này có nghĩa, những người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh đám cưới giờ đây phải quên đi những khoản tiền mà nhẽ ra họ nhận được nhờ những sự kiện cưới hỏi trong các tháng tới. Điều này gây ra sự hao hụt đáng kể về thu nhập.
Do hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ cưới hỏi là những người tự làm chủ hoặc các nhà thầu độc lập, họ có rất ít cách để tạo ra một mạng lưới an toàn. Nhiều người trong số đó có thể sẽ đăng ký Chương trình bảo vệ tiền lương, nơi cung cấp khoản vay miễn lãi 439 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Do phần lớn các cặp đôi hoãn chứ không hủy bỏ đám cưới, nhiều nhà cung cấp dịch vụ cưới hỏi đang cố gắng khởi xướng kế hoạch trả góp, phần nào giúp phân bổ thu nhập của họ trong thời gian này.
Weinberg thậm chí đề nghị các khách hàng của mình trả toàn bộ tiền dịch vụ trong năm nay, kể cả có hoãn đám cưới tới sang năm. Tuy nhiên, các thỏa thuận tài chính còn phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể: "Mọi người đều đang cố gắng bảo vệ dòng tiền của họ ở một mức độ nào đó", cô nói.
Đồng thời, nếu sự bùng phát của Covid-19 và suy thoái kinh tế tiếp diễn, sẽ có ít những đơn đặt hàng, các cuộc tụ họp quy mô cũng sẽ nhỏ hơn trong năm tới.
"Chúng tôi đã quen với việc nhận được nhiều câu hỏi, nhưng giờ đây thì mọi thứ trở nên yên tĩnh hơn rất nhiều", Shey Jacobs nói. "Chúng tôi đang nhận được số cuộc điện thoại bằng một phần mười thông thường". Jove Meyer, một nhà tổ chức sự kiện ở New York nhận định: "Tôi nghĩ rằng mọi người đang tiếp cận việc này một cách thận trọng. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời".
Mặt lạc quan, xã hội có thể sẽ có nhu cầu gia tăng về việc kết nối với gia đình, người thân yêu, một khi dịch bệnh lắng xuống, theo cô Sivajee từ The Knot. Cô cho rằng sau đại dịch, mọi người sẽ khao khát mạnh mẽ việc kỷ niệm tình yêu: "Tôi vẫn lạc quan. Sau Covid-19, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng số lượng những người muốn ăn mừng với gia đình, bè bạn".
Tổ chức Knot Worldwide cũng đã thành lập một chương trình hỗ trợ tài chính trị giá 10 triệu USD để giúp các chuyên gia tổ chức đám cưới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 lần này.
Thùy Linh (Theo CNBC)