Nữ sinh năm hai Học viện Tài chính chưa từng nghĩ mình sẽ chơi môn cưỡi ngựa bắn cung kiểu như các chiến binh cổ đại. Lam cho rằng bộ môn này đòi hỏi kỹ thuật cao và chỉ dành cho người giàu. Nhưng sau một lần tiếp xúc với ngựa, học cách leo lên yên và ra lệnh cho con tuấn mã di chuyển, mọi định kiến đã thay đổi.
"Nhìn cách mọi người giữ thăng bằng trên lưng ngựa đang phi nước đại mà không cầm cương, sau rút cung và căn thời điểm ngắm bắn trúng hồng tâm rất phấn khích. Tôi hy vọng sẽ sớm thực hiện những kỹ thuật khó này", Thanh Lam nói.
Mỹ Hạnh, 20 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm đến môn kỵ xạ này không vì tình cờ như Thanh Lam. Cô muốn cải thiện sức khỏe, giảm căng thẳng sau giờ học nên đã đăng ký học từ cuối tháng 4. Ban đầu, quyết định này không được gia đình ủng hộ vì sợ con gái dáng người nhỏ bé, sức khỏe yếu, khó theo đuổi. Nhưng sau hai buổi tập, dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên, Hạnh đã có thể tự leo lên yên và điều khiển con ngựa thuần thục như một kỵ sĩ.
Trải qua 7 buổi học, cô gái 20 tuổi cho rằng giữ thăng bằng trên lưng ngựa không sử dụng dây cương là khó nhất. "Đó là lúc bạn buộc phải sử dụng phần thân dưới để điều khiển ngựa chạy theo đúng ý", Hạnh giải thích. Khi đã điều khiển ngựa thuần thục, học viên mới được học cách căn thời gian lấy mũi tên và ngắm bắn.
"Nhưng học cưỡi ngựa mà chưa từng bị ngã là chưa thể tốt nghiệp", Hạnh nói.
Hai tuần trước, cô gái trẻ từng bị ngựa hất văng khỏi yên trong lúc tập luyện nhưng đã được học các kỹ năng ứng phó trong tình huống nguy hiểm và được trang bị đủ đồ bảo hộ nên Hạnh không gặp chấn thương.
Bộ môn Hạnh và Lam đang học có tên gọi là kỵ xạ, xuất hiện ở Việt Nam từ gần một nghìn năm trước. Từ thời Lý, cưỡi ngựa bắn cung là môn mà giới quý tộc, các quan văn, võ đều phải thuần thục. Thậm chí triều đình còn xây xạ đình ở phía nam Hoàng Thành để thanh niên quý tộc tập cưỡi ngựa, bắn cung, dàn trận và duy trì đến các triều đại sau. Đến triều Nguyễn, cung tên được thay thế bằng súng, từ đó bộ môn này dần mai một.
Ngày nay, nhiều tỉnh, thành phố đã mở dịch vụ dạy cưỡi ngựa, nhưng đào tạo chuyên sâu về kỵ xạ mới xuất hiện ở Hà Nội gần một năm nay.
Anh Phạm Văn Phúc, 34 tuổi, chủ nhiệm Câu lạc bộ kỵ xạ Việt Nam là người nhiều năm theo đuổi môn cưỡi ngựa nghệ thuật và nghiên cứu chuyên sâu về bộ môn này. Anh Phúc cho rằng việc mở một sân chơi chuyên biệt cho người cùng đam mê không đơn giản bởi đây là môn thể thao đòi hỏi người tham gia thành thạo cùng lúc hai kỹ năng cưỡi ngựa và bắn cung.
Để tham gia, người học buộc phải rèn luyện sức khỏe, biết cách đánh hông lên xuống theo nhịp ngựa phi; tập giao tiếp với ngựa qua các ký hiệu; học cách điều khiển cơ thể linh hoạt, biết giữ thăng bằng khi thả dây cương và cuối cùng là chọn chính xác thời điểm giương cung và nhắm bắn thật nhanh, chính xác.
Khác với nhiều câu lạc bộ dạy cưỡi ngựa theo phong cách phương Tây, anh Phúc mong muốn phục dựng kỵ xạ cổ. Theo đó, người chơi sẽ mặc quần áo giao lĩnh của thời Lý - Trần - Lê và học cách dùng cung cổ. Đây là loại cung không có trợ lực hay ống ngắm chuyên nghiệp, đòi hỏi người chơi biết cách điều khiển mũi tên trước khi bắn trong khi ngựa phi nước đại.
Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết do lo sợ bị ngựa đá, hất xuống yên gây chấn thương khiến số lượng người đăng ký thực chỉ chiếm 20-30% số người đến tham quan, tìm hiểu.
Hiểu tâm lý người chơi, anh Phúc và các cộng sự liên tục huấn luyện bốn con ngựa nhập ngoại mỗi ngày để chúng quen bài tập và nghe theo điều lệnh. Bên cạnh đó, huấn luyện viên có những bài tập hướng dẫn người học cách bảo vệ bản thân nếu gặp tình huống nguy hiểm.
Sau hai tháng mở các khóa đào tạo chuyên nghiệp, câu lạc bộ của anh Phúc hiện có hơn 10 người theo học các khóa từ cơ bản đến nâng cao. Học phí dao động từ 5 đến 7 triệu đồng cho 12 buổi, tùy cấp độ.
Người theo học ở nhiều độ tuổi, nhưng hơn 70% là nữ, trong độ tuổi 6-20. Các huấn luyện viên nhận thấy nữ giới có sự uyển chuyển, dễ dàng điều khiển cơ thể theo chuyển động của ngựa, khả năng xử lý tình huống cũng điềm tĩnh, quyết đoán hơn.
Bên cạnh việc học, nhu cầu chụp ảnh cùng ngựa trong trang phục truyền thống của người trẻ cũng rất lớn. Trung bình mỗi tháng câu lạc bộ của anh Phúc đón gần 20 đoàn khách.
Giải thích chuyện học phí nhỉnh hơn so với các dịch vụ khác, anh Phúc giải thích việc đào tạo song song hai kỹ năng cưỡi ngựa và bắn tên mất nhiều thời gian, kỹ thuật hơn. Ngoài việc học cưỡi ngựa thuần thục theo phương pháp một kèm một, học viên bắt buộc phải tập bắn cung dưới đất, trước khi thực hành trên lưng ngựa. "Hầu hết mọi người sau khi trải nghiệm đều hài lòng với dịch vụ và đăng ký học lâu dài", anh Phúc nói.
Như với Mỹ Hạnh, so với việc chi vài chục triệu đồng cho một năm để đến các lớp tập gym, yoga, cô nói học kỵ xạ giúp bản thân cải thiện sức khỏe, tránh xa thiết bị điện tử và được hòa mình vào thiên nhiên. Đây cũng lý do đều đặn 16h mỗi ngày nữ sinh đều cùng bạn đến câu lạc bộ luyện tập.
Trong thời gian tới, chủ nghiệm câu lạc bộ kỵ xạ Việt Nam muốn tạo ra một cộng đồng người chơi chuyên nghiệp. Tiến xa hơn, anh mong được thử sức tại các cuộc thi cưỡi ngựa bắn cung vươn tầm thế giới, hy vọng có cơ hội giới thiệu truyền thống, bản sắc dân tộc Việt Nam với bạn bè năm châu.
Quỳnh Nguyễn