Ngày 14/9, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đưa hai giải pháp về phổ biến phim chiếu mạng. Phương án thứ nhất, các nhà phát hành tự kiểm định và chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng hậu kiểm. Phương án thứ hai, phim được phổ biến khi có giấy phép phân loại do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND cấp tỉnh cấp, hoặc quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình được phép phổ biến trên không gian mạng.
Giới làm phim ủng hộ tự kiểm duyệt. Ông Trần Thanh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng duyệt phim Quốc gia - cho rằng cách này tương đồng cách thức hoạt động của nhiều quốc gia. Khi tự kiểm, các tổ chức, cá nhân phát hành phim phải tuân thủ theo các điều luật hiện hành, nhất là các hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói: "Để nhà sản xuất nội dung tự phân loại và tự chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng cần có hướng dẫn chi tiết và minh bạch theo luật. Trong một số trường hợp, nếu các nhà sản xuất lo lắng, chưa đủ tự tin vào khả năng tự thẩm định của mình, họ có thể xin sự tư vấn, hỗ trợ từ Hội đồng phân loại phim quốc gia".
Nhiều nhà sản xuất cho biết lâu nay, họ vẫn tự kiểm duyệt nội dung khi làm phim chiếu mạng. Anh Cao Dương - Giám đốc sản xuất chương trình của Công ty Cổ phần Nghệ thuật Giải trí Hoa Dương - cho biết sau hơn 10 năm xuất hiện ở Việt Nam, "sân chơi" web-drama hiện có tính cạnh tranh cao. Anh nói: "Khi chưa có luật, chúng tôi vẫn đối mặt với sự rà quét của một số nền tảng quản lý, chẳng hạn như Youtube. Các video có nội dung bạo lực, khiêu dâm, lợi dụng lao động là trẻ em... đều bị "ăn gậy" (một hình thức cảnh cáo của Youtube). Ở mức phạt cao hơn, chúng tôi có thể bị người xem phản đối bằng cách báo cáo kênh, dẫn đến tài khoản bị khóa hoặc xóa vĩnh viễn".
Hồi đầu năm, Tân Trề ra mắt series hành động Tương sinh tương khắc, nói về A Chề, một tay giang hồ được giới xã hội đen, dân chúng nể trọng vì tính cách hào sảng, nghĩa khí. Diễn viên cho biết ngay khi làm kịch bản, anh cùng ê-kíp đã thống nhất không sử dụng ngôn từ, tình tiết gây phản cảm hoặc vi phạm pháp luật. Phim thuộc đề tài xã hội đen nhưng xây dựng cảnh hành động có chừng mực. "Khi làm phim, chúng tôi ý thức điều gì không nên đưa vào tác phẩm, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến khán giả", Tân Trề nói.
Việc tự kiểm duyệt được người trong giới cho là giúp giảm bớt gánh nặng nhân sự, tạo cuộc chơi công bằng giữa phim Việt và phim nước ngoài. Bởi khối lượng phim phát hành trên không gian mạng rất "đồ sộ", khó kiểm soát. Theo đạo diễn Phan Đăng Di, cơ quan chức năng nếu muốn tiền kiểm sẽ gây ra sự bất bình đẳng giữa nhà phát hành phim trong nước và đơn vị nước ngoài.
Anh ví dụ: "Dịch vụ Netflix của Mỹ cung cấp nội dung, thu tiền của nhiều khán giả Việt. Tuy nhiên, họ không bị kiểm duyệt các phim có đề tài nhạy cảm, cũng không có chế tài xử phạt nào ràng buộc. Nếu cơ quan chức năng làm ngược lại với các đơn vị sản xuất nội dung trong nước, đồng nghĩa với việc tước đi cơ hội cạnh tranh và khả năng sáng tạo của họ". Đạo diễn cho rằng các nhà phát hành trong nước cũng nên dán nhãn độ tuổi, cảnh báo hoặc thiết lập cài đặt để trẻ không thể xem. Với người xem trên 18 tuổi, họ đủ nhận thức, hiểu biết để chọn nội dung.
Phan Đăng Di nhận định sự kiểm duyệt quá khắt khe có thể dẫn tới tình trạng đơn vị Việt Nam mua nội dung của nước ngoài thay vì tự sản xuất, nhằm đảm bảo an toàn. Khi đó, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ nội dung nước ngoài.
Ngoài hai phương án nêu trên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề xuất phương án thứ ba: kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm hợp lý. Trong đó, tiền kiểm đối với phim có ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và phải phù hợp với điều kiện, khả năng quản lý của cơ quan nhà nước.
Thực tế, nhiều nội dung tiêu cực trôi nổi trên mạng khi không có tiền kiểm. Năm 2014, Căn hộ số 69 - phim gắn mác 18+ phát hành trên Youtube - bị nhiều khán giả chê tục tĩu. Thời điểm ấy, do chưa có luật về phổ biến phim chiếu mạng, Cục Điện ảnh đã phải vào cuộc và đề nghị thanh tra phim này, phạt 10 triệu đồng. Năm ngoái, web-drama Kẻ săn tin do Minh Hằng sản xuất cũng bị khán giả chê nhiều "sạn", nội dung thiếu nhân văn. Một tập trong series bị Youtube cảnh báo vì có cảnh bạo lực, khiến ê-kíp của nữ ca sĩ phải chỉnh sửa bản dựng. Series Sugar Daddy & Baby của đạo diễn Trần Bửu Lộc phát sóng hồi đầu năm cũng bị khán giả nhận xét ngập cảnh tình dục, nhạy cảm.
Ông Trần Thanh Hiệp nói: "Nếu thận trọng, cơ quan chức năng chọn phương án ba. Nhà phát hành tự kiểm, nhưng một số trường hợp khi có thông tin về nội dung, các nhà quản lý duyệt trước khi phổ biến". Ngoài ra, ông mong muốn mỗi khán giả đều là thành một "thanh tra", có thể phản hồi tới cơ quan chức năng khi phát hiện sai phạm.
Đồng tình với ý kiến, Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, cần đặt lòng tin vào năng lực xã hội, năng lực của người dân, người làm nghề. Theo chị, không có ngành nghề nào luôn hoạt động trơn tru, êm thấm 100%. Điện ảnh cũng vậy. Do đó, nên để nhà sản xuất, nhà phát hành, nhà làm phim... chịu trách nhiệm với công chúng của họ. "Công chúng, ở một góc độ nào đó, chính là hội đồng kiểm duyệt khắt khe nhất", nữ đạo diễn nói.
Trước đây, thời quản lý băng đĩa, những bên sản xuất không có chức năng phát hành phải xin giấy từ những công ty được phép. Anh Cao Dương cho rằng cơ quan chức năng có thể áp dụng cách này với phim chiếu mạng, chỉ cấp quyền phát hành cho một số công ty, những bên khác muốn chiếu phải thông qua họ. Khi có vấn đề phát sinh, các nhà quản lý làm việc trực tiếp với công ty cấp phép.
Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6//2006. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009. Sau hơn 14 năm thi hành, dự án luật Điện ảnh sửa đổi sẽ được Quốc hội khóa 15 cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, khai mạc cuối tháng 10.
Thu Huế