Các phim chiếu trên Youtube (web drama) đang nở rộ, thu hút nhiều nghệ sĩ tên tuổi và đặt ra thách thức về quản lý. Ông Nguyễn Thành Chung - Vụ phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cho biết năm 2018, cả nước có khoảng 400 phim truyền hình, con số chỉ bằng một phần các web drama nhan nhản trên mạng.
Phong trào sản xuất web drama rộ lên ở Việt Nam từ giữa thập niên 2010. Nhiều nhóm sản xuất nghiệp dư tiên phong như Thích Ăn Phở, BB&BG, FAPTv... tạo được sức hút với giới trẻ qua các video hài hước có nội dung tương tự các tiểu phẩm sân khấu. Thích Ăn Phở, BB&BG là những kênh Youtube đầu tiên ở Việt Nam nhận nút Play mạ vàng (có một triệu người theo dõi). Một số diễn viên tay ngang như Phở Đặc Biệt, BB Trần bật lên từ sân chơi, được mời đóng phim điện ảnh. Ba năm nay, nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp lấn sân thực hiện web drama, khiến phong trào khởi sắc.
Sự nở rộ của web drama phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó nền tảng mạng online và YouTube là mảnh đất thuận lợi để các nhà sản xuất phim khai thác. Nhờ đặc thù của ứng dụng Youtube - bất kỳ ai cũng có thể đăng tải video, việc phát hành phim trở nên dễ dàng hơn. Nam Thư - một trong những nghệ sĩ đầu tư phim chiếu Youtube - nhận định web drama giúp khán giả chủ động về thời gian, thiết bị, chỉ cần mở máy tính, điện thoại với vài thao tác đơn giản là có thể xem sản phẩm.
Các diễn viên trẻ thường gặp khó khăn khi phim của họ phải trải qua nhiều khâu kiểm duyệt, phụ thuộc lịch chiếu của nhà đài trước khi đến được người xem. Vì thế, nhiều người chọn Youtube như đường tắt. Tuấn Trần - diễn viên gây chú ý với series 21 ngày yêu em - đầu tư vào web drama vì có thể tự phát triển nội dung theo ý muốn.
Anh Dương Bình Nguyên - nhà sản xuất series Bao lô - nhận định sự cởi mở, phá vỡ những mặc định truyền thống về thể loại, đề tài giúp web drama được giới trẻ yêu thích. "Những phim này đôi khi gây chú ý nhờ những đề tài nhạy cảm, như giang hồ, tình dục... với cách thể hiện trực diện và táo bạo. Có thể nói, nó đi vào những 'vùng cấm kỵ' mà truyền hình và phim chiếu rạp không thể nói hoặc tránh đề cập đến", anh nói.
Hiện nay, nhiều nhà sản xuất đầu tư kịch bản, xây dựng nội dung mới lạ khi thực hiện web drama. Các tiểu phẩm có nội dung mỏng, thời lượng ngắn không còn chỗ đứng. Mỗi tập phim chiếu mạng hiện dài khoảng 20 - 50 phút, tương đương với nhiều phim truyền hình. Nội dung các web drama không chỉ xoay quanh các vấn đề học đường, thanh xuân mà còn mở rộng ra thể loại kiếm hiệp, cung đấu, kinh dị hay xã hội đen.
Huỳnh Lập cho biết phải tự nâng tầm bản thân trong trào lưu phim chiếu trên Internet hiện nay. "Ban đầu, tôi chỉ làm các video hài nhái (parody) với thời gian quay chỉ một, hai ngày. Nhưng hiện tại, tôi lên kế hoạch sản xuất dài hơi, có khi quay ở tỉnh. Tôi nhận ra sân chơi này đang có tính cạnh tranh cao hơn bao giờ hết", anh cho biết.
Cũng có diễn viên đến với phim chiếu mạng vì muốn thử sức ở nhiều khâu, từ sản xuất, đạo diễn, biên kịch đến diễn xuất. Kinh Quốc, Huỳnh Lập đều thực hành làm web drama để tích lũy kinh nghiệm làm phim chiếu rạp. "Ở nhiều nước phát triển, các đạo diễn tên tuổi cũng trải qua quá trình làm phim chiếu mạng trước khi thành danh. Tôi muốn làm phim điện ảnh nhưng chưa đủ tiềm lực. Sản xuất web drama cho tôi nhiều bài học về việc quản lý, lên kế hoạch sản xuất", Kinh Quốc nói.
Đa phần nghệ sĩ chịu lỗ khi thực hiện web drama. Nguồn thu trực tiếp của họ đến từ tiền do Youtube trả và những quảng cáo thương hiệu nhưng thường không đủ bù kinh phí. Theo anh Dương Bình Nguyên, mỗi tập phim web drama hiện nay có ngân sách khoảng 200 - 300 triệu đồng. Huỳnh Lập cho biết anh bỏ ba tỷ đồng cho Ai chết giơ tay, Nam Thư đầu tư hai tỷ cho Thập tứ cô nương, còn Bệnh viện thần ái của đạo diễn Văn Công Viễn "ngốn" 300 triệu đồng mỗi tập.
Dù lỗ, họ vẫn theo đuổi vì cơ hội tiếp cận khán giả, tạo đà cho các dự án khác. "Sau khi phim hoàn thành, tôi lao vào 'cày' show để trả bớt nợ nần. Tôi có thêm nhiều cơ hội khác từ những lời mời đóng phim, quảng cáo, quay game show. Tôi xem việc làm web drama là cách giới thiệu bản thân hơn là nơi kiếm tiền", Huỳnh Lập nói. Tuấn Trần bày tỏ: "Tiền thu được từ Youtube chủ bằng 1/20 tiền đầu tư. Tôi kiếm lại từ các lời mời đóng phim, event, quảng cáo". Còn Nam Thư cho biết: "Tôi lấy ngắn nuôi dài. Có bao nhiêu tiền đều đầu tư làm phim. Thiếu đến đâu thì chạy đến đó. Xong phim, tôi cày show kiếm tiền trả nợ".
Diễn viên thừa nhận vấn đề khó khăn nhất của họ là vốn đầu tư. Nam Thư từng được một số đơn vị đề nghị tài trợ, đồng hành dự án. Tuy nhiên, cô từ chối vì sản phẩm bị chi phối nội dung bởi nhà đầu tư, phải thực hiện yêu cầu chèn các đoạn quảng cáo vào phim, dễ gây phản cảm với khán giả.
Một số nghệ sĩ tìm hướng phát triển phim chiếu rạp từ web drama, tiên phong là Thu Trang với Chị Mười Ba. Câu chuyện trong phim điện ảnh này được giới thiệu là hồi kết của Thập tam muội - series có rất nhiều fan. Hồi tháng 4, Chị Mười Ba đạt doanh thu 46 tỷ, sinh lời cho nhà sản xuất. Tháng 11 năm nay, thành bại của Pháp sư mù (được phát triển từ Ai chết giơ tay) của Huỳnh Lập sẽ kiểm chứng rõ hơn về tính khả thi lâu dài của hình thức này.
Còn tiếp: Thách thức trong kiểm duyệt phim chiếu Internet
Thu Ân - Ngân Phạm