Sáng 20/8, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức hội thảo Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày mất của cố nhà văn (1988 - 2018). Nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu như NSND Doãn Châu, NSND Tiến Thọ, NSƯT Đỗ Kỷ, Giáo sư Hoàng Chương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái... tham gia hội thảo, đóng góp 25 tham luận. Trong đó, vấn đề nổi cộm là sức hấp dẫn, giá trị bền lâu của kịch Lưu Quang Vũ đối với nền văn chương, sân khấu Việt Nam.
Nói về sức hút kịch Lưu Quang Vũ, nhà văn Ngô Thảo - người cùng công tác với cố nghệ sĩ ở tạp chí Sân khấu - kể: "Thập niên 1980, cái tên Lưu Quang Vũ là sự bảo chứng chắc chắn cho thành công của một vở kịch. Tác phẩm nào của anh cũng cháy vé. Biết bao đoàn đã được cứu sống nhờ dàn dựng những tiết mục ăn khách của Lưu Quang Vũ. Vì thế, họ ra sức săn đón, đặt hàng anh". Vì cả nể, Lưu Quang Vũ nhận nhiều lời mời viết lách. Thế nhưng, sức người có hạn, nhà văn thường xuyên trễ hẹn. Nhiều lúc, Lưu Quang Vũ phải mang theo đồ nghề, lang bạt bên ngoài để sáng tác, tránh gặp mặt các đoàn kịch đến "đòi nợ" ở nhà.
Đến nay, kịch Lưu Quang Vũ vẫn phổ biến ở các sân khấu lớn. Nhiều vở diễn như Bệnh sĩ, Lời thề thứ 9, Lời nói dối cuối cùng... được dàn dựng và trình diễn vài trăm lần. Đa số diễn giả ở hội thảo khẳng định Lưu Quang Vũ là tượng đài chưa ai có thể vượt qua.
Tính dự báo là nét hấp dẫn đặc trưng trong kịch Lưu Quang Vũ. Tác giả Tuấn Giang phân tích Lưu Quang Vũ đưa ra ẩn dụ, liên tưởng, so sánh, dự báo những biến đổi về con người và xã hội. Ông tiên đoán những gì diễn ra trong tương lai sau đổi mới, một giai đoạn lịch sử bất ổn, khi con người bị xô đẩy theo tiền tài danh lợi, đạp lên mọi giá trị.
Theo nhà viết kịch Lưu Quý Hiển, trong khi các tác phẩm cùng thời né tránh những chi tiết nhạy cảm, mang tính xung đột xã hội, Lưu Quang Vũ thẳng thắn đề cập đến nhiều vấn đề thời sự như nạn quan liêu, tham nhũng, sự tha hóa đạo đức của nhiều ngành nghề. Tác giả Nguyễn Hiếu nhận xét kịch Lưu Quang Vũ mở đầu cho thời kỳ hoàng kim của sân khấu Việt Nam. Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc vô tận phản ánh mặt trái của xã hội bao cấp, bày tỏ khát vọng về cuộc sống bình đẳng, con người được tôn trọng. Bệnh sĩ, Ông không phải là bố tôi phê phán thói cổ hủ, sĩ diện hão của bộ máy lãnh đạo. Những câu chuyện ông đề cập tồn tại ở mọi thời, vì thế, tác phẩm của ông không bị lãng quên bởi dòng chảy thời gian.
"Tính dự báo được cấy sâu trong nhiều kịch bản về những đề tài khác nhau, góp phần làm cho kịch Lưu Quang Vũ có sức sống bền lâu. Mỗi lần đọc lại, xem lại, chúng ta đều phát hiện ra những vỉa quặng tinh thần mà tác giả gửi gắm", nhà phê bình Ngô Thảo kết luận.
* Đỗ Kỷ nói về Lưu Quang Vũ
NSƯT Bích Ngoan nhận định yếu tố nhân văn luôn đầy ắp trong kịch Lưu Quang Vũ. Cảm hứng chủ đạo ông hướng đến là cái đẹp, cái thiện. Tác giả Tuấn Giang cho rằng tính nhân văn trong kịch Lưu Quang Vũ biểu hiện qua hành vi của từng nhân vật. Bằng lối viết tinh tế, ông hướng họ đến lối sống đẹp, cao cả. "Tâm nguyện và đích cuối cùng mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình là tinh thần công dân trước cuộc sống và xã hội, những giá trị đạo đức về hạnh phúc, cách đối nhân xử thế trong một cơ chế đầy biến động. Những điều này có giá trị vĩnh cửu", NSƯT Đào Quang phát biểu.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ cũng bàn về một số tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp của Lưu Quang Vũ. Nhà lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái nhận định Hồn Trương Ba da hàng thịt là tác phẩm tiêu biểu của cố nhà văn. Viết xong năm 1981, kịch bản bị "đóng băng" 5 năm trước khi được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng vào năm 1986. Vở kịch bóng gió đề cập lối làm việc tắc trách của một bộ phận quan chức, đồng thời bày tỏ nỗi đau khi phải sống cảnh hồn nọ xác kia, không được là chính mình. Nguyễn Thị Minh Thái gọi Hồn Trương Ba da hàng thịt là "vở diễn duy nhất ở sân khấu Việt Nam đạt tới một số phận văn hóa".
Nghệ sĩ, đại tá Nguyễn Huỳnh Phương bày tỏ Tôi và chúng ta là vở kịch có chỗ đứng vững trong lòng khán giả bởi đề cập những xung đột mang tính thời đại một cách khéo léo. Mâu thuẫn giữa giám đốc Hoàng Việt với phe bảo thủ do Nguyễn Chính cầm đầu thể hiện những khó khăn của thời kỳ đầu trong công cuộc đổi mới. Đó là sự bất đồng giữa lề thói, nguyên tắc cũ và cái mới còn mong manh, đơn lẻ. Theo Nguyễn Huỳnh Phương, tác giả đã chuẩn bị tình huống chu đáo, dẫn dắt chuyển biến tâm lý nhân vật nhẹ nhàng, vì thế, tác phẩm vẫn hấp dẫn, phù hợp với hiện tại.
Hà Thu