Tối 18/8, Nhà hát Tuổi trẻ tái diễn vở Ai là thủ phạm. Câu chuyện kể về đời sống người dân Hà Nội những năm 1980 với bối cảnh khu tập thể Phượng Hà. Do nghe lời đám bạn làm điều xấu, Vinh (Thanh Sơn) bị chính quyền đưa đi cải tạo. Trở về địa phương, anh bị hàng xóm, người dân khu phố kỳ thị, dè bỉu. Gia đình ông bà Uy, Đời luôn cho rằng con ngoan, đạo đức tốt nên dạy chúng tránh xa Vinh vì sợ lây nhiễm thói hư tật xấu.
* Một trích đoạn trong kịch
Khi khu Phượng Hà xảy ra án mạng, tất cả thanh niên trong làng bị đưa về trụ sở công an để lấy lời khai. Ông Uy (Đức Khuê) dùng chức danh Đảng viên, thủ trưởng một cơ quan để giúp người con tên Ngọc tại ngoại nhưng bất thành. Ông Đời vận động các hộ dân ký vào đơn xác nhận người con tên Thịnh vô tội, khiến mọi nghi ngờ đổ dồn vào Vinh. Cuối cùng, bà Đời (Lê Khanh) không thể sống giả dối, bao che con nên đã trưng ra bằng chứng Thịnh giết người.
Tác phẩm mang tính phản biện xã hội cao khi xây dựng đa tuyến nhân vật. Vinh muốn hoàn lương, sống trong sạch nhưng bị xã hội cự tuyệt. Hễ địa phương xảy ra chuyện, Vinh luôn là người đầu tiên bị tình nghi. Anh mất niềm tin và sống với thân phận của người thừa. Thịnh, Ngọc sống trong nhung lụa. Trong mắt bố mẹ, chúng là đứa trẻ ngoan và là niềm tự hào, hãnh diện. Vì quá nuông chiều, tin tưởng con, ông bà Đời không biết chuyện Thịnh ham cờ bạc, thua lỗ và nợ hai chỉ vàng – nguyên nhân dẫn đến vụ án mạng.

Nghệ sĩ Thanh Dương (đội nón) gây cười qua vai tổ trưởng dân phố tên Tỷ.
Ai là thủ phạm mang không khí chính kịch dù được dựng lại theo thể loại hài kịch. Vở có nhiều pha, nhân vật, mảng miếng của hài nhưng nội dung bám chặt vào vấn đề bức thiết trong cách nuôi dạy con của một bộ phận bố mẹ Việt. Tiếng cười bật lên qua cách xây dựng nhân vật Tỷ - tổ trưởng dân phố ngờ nghệch, hấp tấp hay nhân vật chiến sĩ công an láu táu phán xét mọi chuyện chỉ qua lời đồn, thiếu cơ sở xác minh.

Thanh Sơn (trái) có nhiều cảnh nội tâm khi diễn vai nhân vật bị mọi người dè bỉu.
Người xem tâm đắc với nhiều câu thoại chí tình đạt lý. Vở diễn kéo dài ba tiếng và có khoảng thời gian giải lao ngắn để chuyển tiếp giữa hai phần. Khán giả cười lớn và vỗ tay trước mỗi lần phối hợp của nhóm nhân vật: Thịnh, Ngọc, Tỷ hay cảnh xếp hàng chờ lượt đi vệ sinh của người dân Phượng Hà. Cảnh này khéo tái hiện cuộc sống thời bao cấp tại Hà Nội. Vở kịch kết thúc, tiếng cười theo khán giả ra ngoài rạp. Một nhóm người xem đứng tụm tròn, bàn tán về vở diễn.
Khán giả Nguyễn Hiền chia sẻ: “Tác phẩm không chỉ nói đến giáo dục trong gia đình mà còn bàn đến giáo dục của xã hội. Nền tảng gia đình là hạt nhân quan trọng tạo nên diện mạo xã hội. Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước nên việc xây dựng lối sống, nhân cách cho con từ nhỏ là điều không thể lơ là”. Người xem Thúy Hoa nhận định vở diễn nặng tính thời sự nhưng được thể hiện, dàn dựng nhẹ nhàng, giúp khán giả dễ tiếp nhận. Bên cạnh đó, phần nhạc rap sử dụng ngôn ngữ trẻ trung, hiện đại xuất hiện đầu và cuối vở kịch mang đến cảm giác tươi mới.
Trọng Trường