Giá yen hôm 28/6 xuống sát đáy 15 năm so với euro, tại 157,9 yen đổi một euro. Giá đồng tiền này hiện cũng thấp nhất 8 tháng so với USD. Một đôla Mỹ chiều nay đổi được 144 yen.
Yen yếu đi từ giữa tháng, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 16/6 thông báo giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và trần lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức 0%. Động thái này trái ngược với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). BOJ khi đó cũng đánh giá "các nền kinh tế cùng thị trường tài chính trong và ngoài nước còn đối mặt với nhiều bất ổn".
Yen mất giá sẽ có lợi cho các hãng xuất khẩu Nhật Bản. Tuy nhiên, các hộ gia đình và hãng bán lẻ lại chịu thiệt hại khi đồng yen yếu làm tăng chi phí nhập khẩu lương thực và nhiên liệu – vốn vẫn đang đi lên thời gian qua.
Giới phân tích cho rằng dưới đây là những cách mà chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể áp dụng để ngăn yen giảm giá hơn nữa.
Can thiệp bằng lời nói
Từ đầu tuần này, giới chức Nhật Bản bắt đầu lên tiếng về việc đồng yen mất giá. Thứ trưởng tài chính Masato Kanda vài ngày trước cho biết không loại trừ bất kỳ khả năng nào, khi được hỏi liệu có can thiệp vào thị trường tiền tệ hay không.
"Chúng tôi đang có sẵn tất cả lựa chọn và không loại trừ cái nào cả. Dù là biến động theo hướng nào, nếu quá chênh lệch với các yếu tố kinh tế nền tảng, điều đó đều không tốt cho cả Nhật Bản và toàn cầu", Kanda nhận định.
Hôm 27/6, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cũng cho biết "đang theo dõi sát thị trường tiền tệ và sẽ phản ứng phù hợp nếu đồng yen biến động quá mức". Ông đánh giá gần đây, thị trường tiền tệ "có các diễn biến mạnh và một chiều".
Năm ngoái, giới chức Nhật Bản đã áp dụng cách này, trước khi thực sự can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Mua vào đồng yen
Năm ngoái, Nhật Bản lần đầu can thiệp cứu yen kể từ năm 1998 khi đồng tiền này xuống đáy 32 năm so với USD, tại 151,9 yen đổi một USD. Hai đợt can thiệp vào tháng 9 và 10/2022 đã kéo giá yen lên.
Hiện tại, yen vẫn còn cách xa mốc đó. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng mốc 145 yen sẽ là ngưỡng can thiệp mới. Hiện tại, mỗi USD đổi được 144 yen.
Giới chức Nhật Bản thì khẳng định mức độ biến động, chứ không phải mốc giá cụ thể, mới là yếu tố quyết định họ có can thiệp hay không. Điều này đồng nghĩa khả năng can thiệp sẽ tăng nếu yen mất giá quá nhanh và được xác định là do giao dịch đầu cơ.
Tuy nhiên, việc can thiệp bằng cách mua yen sẽ rất đắt đỏ, do giới chức sẽ phải bán USD dự trữ. Tokyo cũng cần sự đồng thuận từ các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, để đảm bảo quy mô can thiệp đủ lật ngược tình thế.
Nâng lãi suất
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đến nay vẫn khẳng định duy trì lãi suất ở mức rất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, bất chấp việc lạm phát đã vượt mục tiêu 2% hơn một năm qua.
Quan điểm này phần nào khiến yen giảm giá năm nay. Do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi hơn một năm qua để ghìm lạm phát. Lãi suất ngắn hạn của Nhật Bản hiện ở mức -0,1%, trong khi lãi suất tham chiếu Fed đưa ra vào khoảng 5-5,25% và ECB là 3,5%.
Một số nhà đầu tư dự báo BOJ có thể nâng trần lợi suất với trái phiếu kỳ hạn 10 năm vào đầu tháng 7. Tuy nhiên, các quan chức BOJ cũng rất thận trọng với việc nâng lãi quá sớm, do họ chưa chắc chắn liệu lương nhân công có tiếp tục tăng hay không. Bên cạnh đó, nâng lãi suất cũng sẽ đe dọa nền kinh tế vốn đang mong manh và phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản.
BOJ hiện chưa công bố kế hoạch dùng chính sách tiền tệ để trực tiếp chặn đà giảm của yen. Điều này đồng nghĩa BOJ nhiều khả năng chỉ cân nhắc điều chỉnh chính sách kiểm soát lợi suất nếu lạm phát tăng trong thời gian dài hơn dự kiến, buộc các doanh nghiệp nâng lương và giá sản phẩm.
Hà Thu (theo Reuters, CNN)