Thông điệp này vừa được Cục Hàng không VN phát đi trong bản báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải. Việc Indochina Airlines có bị tước quyền vận chuyển, rút giấy phép kinh doanh hay không sẽ do lãnh đạo Bộ quyết định, căn cứ vào tình hình tài chính và khả năng đáp ứng được các điều kiện cần thiết.
Indochina Airlines gần như biến mất khỏi thị trường hàng không. Ảnh: NNNT. |
Nghị định 76 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không quy định sau 24 tháng khai thác, hãng hàng không phải có chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC), nếu không có thì bị thu hồi giấy phép. Indochina Airlines bắt đầu khai thác từ tháng 5/2008 nên đến ngày 31/5/2010, hãng buộc phải có AOC nếu không muốn bị mất giấy phép.
Ngoài ra, Nghị định 76 cũng quy định trong vòng 12 tháng liên tiếp, nhà vận chuyển không bay và không có kế hoạch kinh doanh và giấy chứng nhận bay thì giấy phép kinh doanh của hãng sẽ bị thu hồi. Indochina Airlines đã ngừng bay từ cuối tháng 10/2009, sau khoảng một năm cất cánh.
Cục Hàng không VN cho rằng, hai yêu cầu trên đối với Indochina là rất khó thực hiện. Bởi lẽ Indochina Airlines vẫn chưa chủ động trong việc khai thác máy bay. Hãng đang phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thuê bên ngoài từ máy bay, tổ lái, tiếp viên, kỹ thuật... vì vậy, việc cấp chứng nhận nhà khai thác tàu bay cho Indochina Airlines vào ngày thứ 2 tuần tới là rất khó khăn.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không VN, ngoài bản fax đề nghị được bay hồi tháng 4 vừa qua, cơ quan này không nhận được bất cứ thông tin gì thêm từ phía Indochina Airlines. Trong bản báo cáo không chính thống này, Indochina Airlines chỉ đề xuất được bay lại vào tháng 10/2010. Hãng đang hoàn tất các thủ tục đàm phán với đối tác mới để huy động vốn. Tuy nhiên, phương án bay như thế nào, khả năng chi trả nợ ra sao chưa được Indochina Airlines đưa ra.
Tháng trước, sau bản đề nghị được bay, website Indochina Airlines xuất hiện trở lại dù chức năng bán vé không hoạt động. Thế nhưng, đến giữa tháng 5, trang bán vé điện tử này lại một lần nữa biến mất khỏi hệ thống. Cùng với đó, nhiều đại lý bán vé của hãng cũng gửi khiếu nại về VnExpress.net phản ánh chuyện họ không còn liên lạc được với Indochina Airlines để lấy lại khoản tiền còn nợ.
Chị Thảo chủ đại lý bán vé ở Bình Thạnh - TP HCM cho biết mấy tuần nay việc liên lạc với Indochina Airlines gần như vô vọng. Chiều nay, chị cất công tìm đến từng địa điểm được cho là trụ sở mà Indochina Airlines mới chuyển đến. "Tất cả đều vô vọng. Chúng tôi không biết làm gì, không biết hỏi ai. Tôi gọi điện cho tất cả những người từng làm việc tại hãng đều được thông báo họ đã nghỉ việc", chị Thảo nói.
Không chỉ nợ tiền đại lý, Indochina Airlines còn bị tố chưa thanh toán tiền vé cho khách hàng. Lương và thưởng của nhân viên từ năm 2009 đến nay cũng chưa được chi trả. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cán bộ nhân viên cũng chỉ là con số 0.
Kể từ thời điểm Indochina Airlines tuyên bố ngừng bay từ tháng 10/2009, Indochina Airlines trượt sâu trong tình trạng nợ nần. Máy bay bị đem trả, nhân viên không được hưởng lương thưởng, đối tác cũng liên tục có văn bản "thúc" nợ. Nhà cung ứng xăng dầu Vinapco từng đòi Indochina Airlines trả 20 tỷ đồng tiền nhiên liệu. Số tiền mà hãng nợ một số đối tác cung ứng dịch vụ mặt đất, suất ăn... cũng lên tới vài chục tỷ đồng nữa.
Suốt từ tháng 10 đến nay, Indochina Airlines gần như ở trong tình trạng ngừng hoạt động - không bay, không giao dịch thương mại, các nhân viên cũng tản đi khắp nơi. Ông Võ Huy Cường, Trưởng ban Vận tải Hàng không, Cục Hàng không VN cho rằng về nguyên tắc Indochina Airlines chưa tuyên bố phá sản, kinh doanh vận tải hàng không vẫn chưa bị thu hồi thì họ vẫn hoạt động với tư cách là một doanh nghiệp. Do vậy, các đối tác, bạn hàng, đại lý bán vé... cần phải liên lạc trực tiếp với Indochina Airlines. Trong trường hợp không được thì phải nhờ đến cơ quan pháp luật.
Hồng Anh