Đọc xong tin, chị Phương bực mình cho đến sáng vì bị "dựng dậy" giữa chừng. Chị biết cô bạn thân của mình không nỡ trêu trọc bằng cách nhắn tin vào lúc 3h.
Nhắn tin đang trở thành xu hướng của giới trẻ. Ảnh. Anh Tuấn. |
Cách đây mấy hôm, anh Đức, chủ thuê bao số 091327xxxx, cũng khốn khổ vì bị vợ "dần" cho một trận nhừ tử vì cái tin nhắn của một nữ đồng nghiệp gửi đến lúc nửa đêm dù nội dung thông tin chẳng có gì. Anh Đức cố giải thích cho mối quan hệ hoàn toàn trong sạch giữa anh và đồng nghiệp. Còn chị nhà thì quả quyết chỉ những người có quan hệ "trên mức bình thường" mới nhắn tin cho nhau lúc nửa đêm.
Anh Đức mang bực tức đến cơ quan thì cô bạn quả quyết rằng gửi tin lúc 16h30 nhưng không hiểu sao nó lại "trêu ngươi" đợi đúng đến đêm mới kêu "chít chít".
Thời gian gần đây, chuyện các tin nhắn đến chậm, gửi một tin khách hàng nhận được hàng chục tin có cùng một nội dung xảy ra như cơm bữa ở hầu hết các mạng di động. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn trong những ngày lễ Tết, đặc biệt là đợt Noel và Tết dương lịch vừa qua. Lời chúc mừng năm mới gửi từ đêm 31/12 nhưng đến tận tối ngày 1/1 mới đến được người nhận. Nực cười hơn, không ít trường hợp tận buổi chiều mới nhận được tin nhắn mời đi ăn trưa.Theo các "khổ chủ", sở dĩ họ sử dụng máy di động để nhắn tin không phải do tiết kiệm tiền mà vì mạng nghẽn rất khó thực hiện cuộc gọi. Hơn nữa, những lúc họp hành hoặc rảnh rỗi, nhắn tin trở thành một thú vui tiêu khiển. Ngoài ra, đây còn là một trong những phương tiện hữu hiệu để truyền tải thông tin như nhắn gặp nhau, nhắc nhau việc gì đó, hẹn gặp hoặc đơn giản là trò chuyện cho đỡ chán.
"Bình thường, tin nhắn đến trễ 1-2 tiếng không có vấn đề gì nhưng nó xuất hiện vào lúc đêm khuya thì lại thực sự trở thành nỗi bất an cho người sử dụng", chị Hạnh, chủ thuê bao số 090343xxxx, nói.
Giải thích về các trường hợp tin nhắn đến muộn, các doanh nghiệp quả quyết ngày bình thường ít khi có chuyện tin đến chậm trừ khi thuê bao nhận tắt máy. Giống như gửi thư điện tử, nếu hệ thống tổng đài nơi chứa các mẩu tin từ những thuê bao di động hoạt động "ngon nghẻ" thì chỉ chưa đầy 5 giây, tin nhắn sẽ được chuyển đến người nhận. Trong trường hợp người nhận tắt máy, các tin vẫn được lưu trên tổng đài và cứ 5 phút, hệ thống lại gửi cho đến khi thuê bao kia mở máy thì thôi. Tin sẽ bị xóa trong vòng 24 giờ nếu người nhận vẫn tắt máy.
Một nguyên nhân nữa khiến tin nhắn đến chậm nhiều giờ, theo các chuyên gia kỹ thuật, là do hạn chế về hệ thống. Thông thường, mỗi tổng đài chỉ cho phép nhận một số lượng tin nhắn nhất định vào cùng một thời điểm, ví dụ 1 triệu bản tin. Nếu vượt quá giới hạn này, các tin đến sau sẽ được xếp vào danh sách chờ, và cứ theo thứ tự, sẽ lần lượt được xử lý và gửi đi. Do vậy mới có chuyện nhiều tin đến sau một vài giờ, thậm chí nửa ngày.
Lãnh đạo cả 3 doanh nghiệp Viettel, VinaPhone và MobiFone khẳng định, việc tin nhắn đến chậm rất ít khi xảy ra và chỉ xuất hiện trong những ngày lễ Tết. Theo họ, về nguyên tắc, với những sự cố bất khả kháng như thế, nhà cung cấp dịch vụ không có trách nhiệm bồi thường mà chỉ có nhiệm vụ khuyến cáo đối với khách hàng.
Để hạn chế tình trạng nghẽn mạch di động dịp Tết, năm nào các nhà cung cấp dịch vụ cũng thông báo nâng cấp và mở rộng mạng, rồi khuyến cáo khách hàng. Tuy nhiên, sau mỗi đợt như vậy, họ lại phải nói lời xin lỗi tới các thượng đế bởi nghẽn mạch vẫn hoàn nghẽn mạch.
Hồng Anh