Bạn tôi từng thất nghiệp một thời gian sau khi tốt nghiệp đại học. Không tìm được công việc đúng chuyên môn, cậu ấy làm trái ngành với mức lương chật vật. Cuộc sống mệt mỏi cứ trôi qua cho đến một ngày, khi về quê nghỉ dài ngày, bà chị dâu nhờ cậu kèm cặp đứa cháu chuẩn bị lên lớp sáu.
Câu chuyện ban đầu chỉ là giúp cháu dò bài vài tuần, nhưng hiệu quả bất ngờ. Từ một học sinh trung bình, cháu của cậu tiến bộ rõ rệt. Nhờ đó, bạn tôi nhận ra mình có năng khiếu sư phạm, thứ mà trước đây cậu chưa bao giờ nghĩ đến.
Cậu ấy quyết định thử sức với nghề giáo viên tự do - chính xác hơn là nghề gia sư. Với cách truyền đạt hiệu quả, số lượng học sinh ngày càng tăng, cả online lẫn offline.
Chỉ sau vài năm, bạn tôi có thu nhập ổn định khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng. Điều đặc biệt là công việc không quá áp lực, và sự thành công của học sinh chính là động lực lớn nhất để cậu tiếp tục và cảm thấy vui với công việc.
Từ câu chuyện của bạn tôi, tôi không khỏi suy nghĩ về vấn đề dạy thêm trong hệ thống giáo dục chính thống. Nhiều giáo viên biện minh rằng 45 phút trên lớp không đủ để truyền đạt hết kiến thức, rằng phụ huynh và học sinh có nhu cầu học thêm.
Nhưng nếu vậy, tại sao khi Bộ Giáo dục ban hành thông tư cấm thu tiền dạy thêm chính khóa, nhiều người vẫn kêu ca, than vãn? Rốt cuộc, dạy thêm là vì học sinh, vì tiền, hay vì điều gì khác?
Có lẽ câu trả lời nằm ở cách mỗi người nhìn nhận công việc của mình. Những giáo viên tự do như bạn tôi không bị ràng buộc bởi chương trình chính khóa, không lo ngại về áp lực từ phụ huynh hay nhà trường. Họ dạy vì đam mê, vì sự tiến bộ của học trò, và vì công sức được trả xứng đáng.
Ngược lại, việc dạy thêm trong trường học thường mang nhiều ý kiến trái chiều. Khi phụ huynh cảm thấy bị ép buộc phải cho con học thêm, khi giáo viên dành nhiều tâm huyết cho lớp học thêm hơn là lớp chính khóa, lòng tin vào ngành giáo dục dần sứt mẻ. Dạy thêm, khi đó, không còn là việc hỗ trợ học sinh mà trở thành một vấn đề xã hội.
Điều đáng nói là, nếu giáo viên thực sự yêu nghề và có khả năng sư phạm, họ hoàn toàn có thể chuyển hướng sang làm gia sư tự do.
Câu chuyện của bạn tôi cho thấy rằng, việc dạy thêm có thể được thực hiện một cách công bằng và minh bạch, miễn là người dạy hiểu rõ lý do mình làm điều đó. Đó không phải vì ép buộc hay lợi ích ngắn hạn, mà vì đam mê và trách nhiệm với học trò, tất nhiên không thể phủ nhận bạn tôi sống khỏe nhờ nghề này.
Giáo dục không chỉ là công việc truyền đạt kiến thức, mà còn là cách người dạy thể hiện giá trị của bản thân (như truyền thống tôn sư trọng đạo bấy lâu nay).
Và có lẽ, khi mỗi giáo viên đặt câu hỏi "Mình dạy thêm vì điều gì?", câu trả lời sẽ dẫn họ đến con đường tốt nhất, không chỉ cho mình mà còn cho những thế hệ học trò sau này.
Nhật Long