Tại hội nghị triển khai chương trình phổ thông mới ngày 29/11, ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho biết, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021 sẽ tuỳ vào các hiệu trưởng cân nhắc, dựa theo tham mưu của giáo viên và tham khảo ý kiến phụ huynh.
Các trường sẽ mua trọn bộ 32 sách giáo khoa lớp 1 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt làm dữ liệu dùng chung cho giáo viên, đồng thời là cơ sở cho việc dạy học sau này. Dự kiến việc chọn sách giáo khoa sẽ được các trường hoàn thành trước tháng 1/2020 để triển khai tập huấn vào tháng 3.
"Mỗi trường chọn bộ sách giáo khoa riêng không ảnh hưởng đến việc đánh giá học sinh, bởi chúng tôi định hướng kiểm tra năng lực của học sinh chứ không phải lấy dữ liệu trong sách ra đề", ông nói và đánh giá các bộ sách mới có chất lượng tốt, đồng đều bởi tất cả được biên soạn theo khung chương trình tổng thể.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM giải thích, luật Giáo dục sửa đổi cho phép UBND cấp tỉnh quyết định chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định cho địa phương, nhưng đến 1/7/2020 có hiệu lực. Trong khi đó, việc lựa chọn sách cho năm học tới phải thực hiện trước tháng 3 để kịp cho công tác tập huấn. Trong thời gian này, ngành giáo dục vẫn thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, trong đó quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa.
Tại hội nghị, lãnh đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện nêu nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nhân sự để triển khai chương trình mới. Trong đó, đa số các quận áp lực về sĩ số lớp học đều vượt quá chỉ tiêu cho phép (35 em) bởi tình trạng gia tăng dân số cơ học rất nhanh.
Ngày 21/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sử dụng từ năm học 2020-2021. Trong đó có 5 cuốn Tiếng Việt, 5 cuốn Toán, 5 cuốn Đạo đức, 3 Tự nhiên và Xã hội, một Giáo dục thể chất, 5 Âm nhạc, 5 Mỹ thuật và 3 cuốn Hoạt động trải nghiệm.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, ở cấp tiểu học dạy học 2 buổi mỗi ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Thành phố mới có 73% học sinh tiểu học được học 2 buổi mỗi ngày nên trường dạy một buổi phải dạy vào thứ bảy mới kịp chương trình.
Hiện, nhiều người còn e ngại bởi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên nhiều nơi chưa đồng đều. Một số môn học như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Thể dục không thể tuyển người do vướng quy định giáo viên phải tốt nghiệp đúng chuyên ngành sư phạm.