Đó là khuyến cáo của bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, cố vấn tâm lý ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM tại buổi hội thảo chuyên đề giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ ngày 22/10. Chương trình diễn ra từ 22 đến 23/10 tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, với sự tham gia của hơn 200 cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học.
Bác sĩ Thanh cho biết, tự kỷ là một dạng khuyết tật do rối loạn phát triển thần kinh đã có từ trong bụng mẹ hoặc trước ba tuổi, gây khiếm khuyết tương tác xã hội, giao tiếp ngôn ngữ, hành vi. Hiện nay chưa có phương pháp chữa lành, chỉ có thuốc chữa trị các triệu chứng kèm theo như tăng động, kém tập trung, động kinh, rối loạn lo âu, trầm cảm…
Cha mẹ, giáo viên có thể chẩn đoán được bệnh này qua những biểu hiện như cười không đúng hoàn cảnh, không sợ nguy hiểm, không có cảm giác đau, không muốn được ôm ấp, duy trì sự chú ý bất thường, chơi rập khuôn, thích một mình, khó tương tác với người khác… Ngoài ra, chứng tự kỷ còn được phát hiện ở trẻ 18 tháng tuổi, nhưng không biết nói từ đơn có ý nghĩa giao tiếp hoặc chỉ nói bắt chước; trẻ 12 tháng tuổi không biết dùng ngón trỏ để chỉ nhờ lấy đồ vật, không biết chuyền đồ vật từ nơi này đến nơi khác; trẻ 9 tháng không thể tự ngồi…
“Phụ huynh không nên nóng giận hoặc quá lo âu trước những biểu hiện không bình thường của trẻ như trẻ cầm bút bằng tay trái, trẻ đánh bạn, không chịu học, nhớ giỏi và học thuộc tốt nhưng không hiểu gì… Phụ huynh cần phát hiện càng sớm càng tốt để được khám chữa theo đúng mức độ, đồng thời cần hợp tác với giáo viên để giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng, hạn chế được những rủi ro từ các triệu chứng bất thường”, bác sĩ Thanh lưu ý.
(Theo Phapluattp.vn)