Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, ở cả 3 cấp học đều có các môn tích hợp. Cụ thể, bậc tiểu học có: Cuộc sống quanh ta được phát triển từ môn Tự nhiên và Xã hội ở các lớp 1, 2, 3; môn Tìm hiểu xã hội và Tìm hiểu tự nhiên tích hợp từ các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4, 5.
Cấp THCS có 2 môn tích hợp là: Khoa học tự nhiên được xây dựng dựa trên cơ sở ba môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Khoa học xã hội hình thành từ các môn Lịch sử, Địa lý.
Cấp THPT có 2 môn học tích hợp ở lớp 10, 11 cho học sinh tự chọn là: Khoa học tự nhiên xây dựng từ 3 môn học cốt lõi gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Khoa học xã hội được tích hợp từ môn Lịch sử, Địa lý. Môn học bắt buộc Công dân với tổ quốc cũng được xây dựng chủ yếu từ các môn Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng - an ninh và một số nội dung Lịch sử, Địa lý.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khi trả lời trên VTV đã khẳng định, giáo viên hiện nay có thể dạy được các môn tích hợp bởi kiến thức phổ thông thầy cô đã được học từ thời phổ thông, khi lên đại học lại được học thêm nên có đầy đủ kiến thức cơ bản, chỉ cần học thêm một chút là dạy được. "Sắp tới, qua quá trình bồi dưỡng và đào tạo mới của trường sư phạm, một giáo viên sẽ dạy được cả một môn tích hợp chứ không cần phân cho nhiều người dạy một môn", Thứ trưởng Hiển nói.
"Người trong cuộc" - các giáo viên đang trực tiếp đứng lớp lại phản ứng với ý kiến của Thứ trưởng Giáo dục. Nhiều thầy cô cho rằng ở cấp THPT việc một thầy dạy 2-3 môn là không thể. "Dạy môn tích hợp đòi hỏi giáo viên cần có kiến thức rộng ở nhiền môn. Ở bậc tiểu học, THCS nội dung kiến thức là cơ bản, giáo viên chỉ cần được huấn luyện kết hợp với trau dồi kỹ năng là có thể dạy tích hợp được. Còn chương trình THPT kiến thức các môn đã chuyên sâu, thầy cô khi học cũng chỉ học chuyên môn ấy, việc dạy thêm 2-3 môn khác trong nhóm xã hội hoặc tự nhiên là không thể", một giáo viên ở Hà Nội nói.
Cô Nguyễn Thúy Hằng ở trường THPT công lập có tiếng tại Hà Nội cho rằng dạy tích hợp ở cấp THPT là không thể. Vì giáo viên được đào tạo từng môn riêng biệt chuyên sâu trong suốt 4 năm đại học, khi đi dạy cũng chỉ dạy môn chuyên của mình. Kiến thức các môn học thuộc cùng nhóm tự nhiên hoặc xã hội, khi học THPT và thi đại học được dùng đến nhưng sau thời gian sẽ quên dần đi. "Tôi học ban C, học đại học xong đi dạy Địa lý nhưng giờ hỏi lịch sử Việt Nam sâu vào một khía cạnh nào thì khó trả lời được. Để đủ khả năng đứng lớp dạy môn Lịch sử, có lẽ phải cho tôi đi học thêm 4 năm đại học nữa", cô Hằng dí dỏm nói.
Với kinh nghiệm 9 năm giảng dạy ở cả lớp 10,11, 12, giáo viên này cho biết, chỉ một số ít (khoảng 20%) nội dung môn Địa lý THPT có thể tích hợp với kiến thức môn Lịch sử, Giáo dục công dân. Việc dạy tích hợp ở một số khía cạnh trong nội dung bài giảng, nhiều giáo viên như cô đã thực hiện để tạo sự hứng thú cho người học, tránh nhàm chán. Một số ví dụ được đưa ra như bài học về Địa lý biển đảo, ngoài kiến thức về diện tích, các bộ phận của biển đảo Việt Nam gồm 2 quần đảo lớn... thuộc môn Địa lý, cô có thể tích dạy thêm về lịch sử đấu tranh giữ gìn chủ quyền biển đảo của cha ông hay vấn đề tranh chấp các đảo giữa Việt Nam với Trung Quốc hiện nay. Bài Địa lý tự nhiên có thể kết hợp Giáo dục công dân trong bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai...
"Tuy nhiên, sự tích hợp này chỉ ngắn gọn vì một tiết có 45 phút mà nội dung bài đã chiếm trọn 45 phút rồi. Sự liên kết giữa các môn học trong cùng nhóm chỉ có ở một vài khía cạnh trong nội dung bài nên không thể tích hợp toàn bộ kiến thức Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân cùng lúc, thành một chương trình hoàn chỉnh được", giáo viên Hằng nói.
Cô giáo này đề xuất, thay vì tích hợp các môn ở cấp THPT, nên để học riêng từng môn như hiện nay nhưng giảm tải những nội dung không cần thiết, ít thiết thực cho đời sống. Mọi thay đổi cần có lộ trình rõ ràng, thực hiện từng bước khoa học, đào tạo từ giáo viên để đáp ứng được tốt yêu cầu trước rồi mới thay đổi cho học sinh.
Quan niệm phân môn học chính - phụ như hiện nay rồi để học sinh tự chọn môn học làm giáo viên Hằng lo ngại. "Ngày xưa chúng tôi thi vào Sư phạm phải 23,5 điểm mới đỗ, nhưng cứ theo từng năm, điểm đầu vào ngành đào tạo môn xã hội lại giảm dần. Chất lượng đầu vào của đội ngũ giáo viên thấp như thế thì ra trường sẽ dạy học sinh thế nào", cô trăn trở.
Giáo viên Ngô Thị Vân Anh với 13 năm dạy Lịch sử cũng chia sẻ rằng, chương trình giáo dục hiện nay có nhiều thay đổi, cắt giảm nội dung so với trước kia nên giáo viên dù học các môn ở phổ thông nhưng sau 5-10 năm không học đến nữa sẽ chẳng thể theo kịp, chưa nói đến đứng lớp dạy. Việc tích hợp là không nên.
"Để giáo viên dạy chuyên sâu sẽ tốt hơn cho học sinh. Khi học đại học, chúng tôi cũng học tách riêng theo từng chuyên ngành Lịch sử Việt Nam - Lịch sử thế giới; Lịch sử trung đại - hiện đại. Giờ bảo giáo viên dạy hết kiến thức cả không chuyên đó đã khó, việc dạy thêm những môn khác càng không thể", cô Vân Anh nói.
Theo giáo viên này, việc tích hợp chỉ có thể xảy ra ở một vài chuyên đề chứ không thể toàn chương trình. Nội dung tích hợp này nên được làm thành tài liệu chung để các giáo viên trong nhóm môn xã hội hoặc tự nhiên tham khảo rồi dạy tích hợp theo định hướng riêng, phù hợp với nội dung môn học của mình.
Dựa trên thực tế ở trường mình khi cả khối 12 năm với 500 học sinh chỉ có 10 em chọn thi môn Lịch sử nên chỉ cần một giáo viên đứng lớp dạy, cô Vân Anh cho rằng, sẽ xảy ra tình trạng thừa giáo viên ban xã hội nếu dạy tích hợp ở bậc THPT thành hiện thực.
Cô Vân Anh đặc biệt mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm thực hiện các quy định của dự thảo ở một số nơi trước để đánh giá tính hiệu quả rồi mới quyết định nhân rộng hay không. "Quan trọng nhất là phải lắng nghe ý kiến của chính các giáo viên, học sinh thực dạy - học rồi quyết định", cô nói.
PGS.TS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), đã thốt lên trên trang cá nhân "Chỉ thương lũ học trò" khi nghe thông tin về yêu cầu giáo viên dạy tích hợp 2-3 môn theo dự thảo giáo dục mới. "Các cụ ta có câu Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Nhưng ngày nay người ta lại cho rằng: Biết 10 mới dạy được 1... Chỉ thương lũ học trò...", thầy Cương viết.
Quỳnh Trang