Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố với việc cho phép học sinh tự chọn môn học ngoài một số môn bắt buộc, đang là chủ đề được nhiều học sinh, phụ huynh quan tâm.
Chị Lê Anh (28 tuổi, Hà Nội) cho rằng dự thảo khá hay vì tạo điều kiện cho học sinh được phát triển theo hướng chúng muốn chứ không phải bị ép học những thứ không thích như bây giờ. Khi được làm điều mình thích, trẻ sẽ phát huy khả năng và tự tin hơn. Tất nhiên, việc áp dụng theo dự thảo khó tránh khỏi tình trạng học lệch, nhưng không thể đòi hỏi một đứa trẻ giỏi toàn diện được.
Bà mẹ của hai đứa con 1 và 3 tuổi này kỳ vọng rất nhiều vào dự thảo sẽ thành hiện thực để con mình được học trong nền giáo dục tiên tiến. Theo chị, Bộ Giáo dục cần ra được một lộ trình rõ ràng, phù hợp và chắc chắn để tránh gây hoang mang dư luận như thời gian vừa qua có quá nhiều thay đổi, nhưng chưa giải quyết dược tận gốc các tồn tại.
Từng học sư phạm, lại đang nuôi 2 con đến tuổi đi học, chị Nguyễn Thị Ngà (30 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chị cho rằng dự thảo có sự tiến bộ trong định hướng giáo dục như: nhận thức rõ yêu cầu và mục tiêu đặt ra cho từng cấp học, cho phép học sinh tự chọn số môn dù chưa rõ khối lượng kiến thức từng môn thế nào.
Bà mẹ này đồng tình với những thay đổi ở chương trình tiểu học quy định các môn bắt buộc gồm: Tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Thể dục, Giáo dục lối sống/Giáo dục Công dân, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu tự nhiên/Khoa học tự nhiên, Tìm hiểu xã hội/Khoa học xã hội. Bởi các môn này sẽ xây dựng một nền tảng kiến thức tổng quát, đồng thời rèn luyện ý thức, đạo đức cho trẻ. Tuy nhiên, khối lượng kiến thức chỉ nên dừng ở việc có thể đọc viết được, làm các phép tính đơn giản. Ở bậc tiểu học nên chú trọng dạy các môn Ngoại ngữ, thể dục thể thao để trẻ có sức khỏe tốt và dễ hòa nhập với xu hướng hội nhập thế giới.
"Dự thảo có cái hay là đã đưa các môn học thiết thực hơn mấy bài toán khó vào chương trình như: Cuộc sống quanh ta, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, công dân với tổ quốc. Dự thảo cũng không bắt học sinh học hết các môn như hiện nay và được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp của mình, được học chuyên đề. Tuy nhiên, các quy định còn khá chung chung nên chưa thể biết được khi áp dụng thực tế nó còn hay như trong dự thảo hay không", chị Ngà nói.
Người mẹ này chia sẻ chỉ mong con mình ở bậc học cấp cơ sở có thể đọc thông viết thạo, tính toán cơ bản, giỏi ngoại ngữ, biết tin học, có kiến thức về âm nhạc, mỹ thuật, luật giao thông, biết bơi, tự vệ khi gặp kẻ gian, có tình cảm tốt với gia đình và mọi người xung quanh. Lớn lên thì để con tự phát triển theo các môn học con yêu thích chứ không có sự gò ép nào.
Ủng hộ thay đổi tích cực trong giáo dục phổ thông, tuy nhiên nhiều phụ huynh cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc áp dụng chương trình mới thiếu tính khả thi. Chị Nguyễn Minh Anh (Thái Bình) đặt vấn đề: "Những môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể thao ở trường tiểu học của con tôi bị thiếu giáo viên chuyên trách. Nếu nhiều học sinh đổ vào học các hai môn này không biết nhà trường sẽ lấy đâu ra giáo viên dạy, hay lại cho những thầy cô phụ trách môn khác sang kiêm nhiệm. Như thế, chất lượng đào tạo liệu có tốt?".
Nhiều học sinh cũng thể hiện sự đồng tình với dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Phần lớn các em cho rằng, dự thảo bước đầu đã có những điểm mới mang ý nghĩa thay đổi tích cực. "Khi được lựa môn học, chúng em sẽ không phải học quá nhiều môn như hiện nay. Áp lực học tập theo đó cũng giảm đi. Việc phân hóa môn học giúp chúng em có thể hướng đến chuyên môn nghề nghiệp sau này", Anh Thư (THPT Nhân Chính, Hà Nội) nói.
Kiều Đức Mạnh (lớp 10, Hà Nội) cũng mong dự thảo sớm trở thành hiện thực để học sinh được tự do học tập theo sở thích và định hướng nghề nghiệp tương lai. Tuy nhiên em cho rằng, dự thảo này chưa đẩy mạnh được nội dung thực hành để học sinh có hiểu biết thực tế.
Ngày 5/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Theo đó, hệ thống giáo dục phổ thông gồm 12 năm với 2 giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp; tích hợp mạnh ở tiểu học và THCS, phân hóa mạnh ở cấp THPT. Các môn ở cả 3 cấp được chia thành nhóm bắt buộc và tự chọn. Môn học tự chọn gồm 3 loại: Tự chọn tuỳ ý, tự chọn trong nhóm môn học, hoặc tự chọn trong môn học.
Quỳnh Trang