Mặc dù mới chỉ thảo luận ở tổ nhưng Đề án đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong lĩnh vực giáo dục đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã giảm thời gian nghỉ giải lao để dành thời gian cho các phát biểu. Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo và Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính của Bộ này cũng trực tiếp đến các tổ để lắng nghe, tiếp thu.
Sau 3 giờ tranh luận, quan điểm ủng hộ hay không ủng hộ đề án vẫn chưa thống nhất. Nhiều ý kiến phản biện giữa các đại biểu diễn ra khá sôi động.
![]() |
Đại biểu đoàn Hà Nội phát biểu đề án học phí. Ảnh: V.A. |
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch phân tích, theo cơ cấu chi tiêu, nếu thu nhập 100 đồng gia đình chi cho ăn ở 20 đồng thì tăng học phí không ảnh hưởng, nhưng nếu chi cho ăn ở 60 đồng thì ảnh hưởng lớn tới cuộc sống.
Theo ông Lịch, từ năm 1990 đến 2008, đầu tư cho giáo dục đã tăng hàng chục lần, trong khi GDP chỉ tăng 3 lần. "Điều xã hội quan tâm là chất lượng giáo dục có tương xứng với đầu tư hay không? Thực tế phụ huynh đóng rất nhiều khoản khác ngoài học phí. Bộ trưởng Giáo dục có cam kết rằng tăng học phí sẽ chấm dứt thu các khoản khác không? Tôi sẵn sàng đóng thêm mấy chục ngàn cho con em, nhưng phải chấm dứt các khoản khác", ông Lịch nói.
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng cho rằng, Bộ Giáo dục đang làm theo quy trình ngược, đáng lẽ phải làm chiến lược giáo dục trước, sau đó mới tính đến cơ chế tài chính. "Tôi cho rằng không nên có đề án này, cấp học phổ thông phải miễn thu học phí. Chúng ta đang thực hiện xã hội hoá giáo dục, nhiều trường đại học tư thục được mở ra đáp ứng nhu cầu học. Do đó, Bộ Giáo dục nên tập trung củng cố các trường đại học công lập để thu nạp nhân tài. Các trường này phải tạo cơ hội bình đẳng, con đại gia và con nhà nghèo đều có cơ hội như nhau".
"Ý kiến của tôi khác với đại biểu Trừng, tôi nghĩ rằng đổi mới cơ chế tài chính là cần thiết và cấp bách", đại biểu Huỳnh Thành Lập lên tiếng. Theo đại biểu này, đề án đã giải quyết được các vấn đề: ngân sách nhà nước dành cho giáo dục vẫn là chủ yếu; miễn học phí tiểu học, gia đình nghèo; giảm cho hộ cận nghèo, gia đình chính sách; tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng cho người đi học, cho sinh viên vay tiền đi học; nhà nước khuyến khích người học giỏi bằng học bổng.
Từ thực tế hơn 30 năm giảng dạy, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, với mức học phí hiện nay, giáo viên, giảng viên nếu không có thu nhập ngoài, không thể tiếp tục đứng trên bục giảng.
"Tôi cũng phải "chạy show" các trường, tỉnh ngoài giống như... ca sĩ. Một buổi giảng 3 giờ tại trường tôi (Học viện hành chính) chỉ được 120.000 đồng. Chúng ta không thể yêu cầu chất lượng đại học Việt Nam ngang với Mỹ khi học phí ngành y một năm của họ là 50.000 USD trong khi ở ta chỉ vài trăm USD", ông Đào nói.
Theo đại biểu này, mức trần học phí 180.000 đồng một tháng, cách đây hơn 10 năm có thể mua được một chỉ vàng nhưng nay giá một chỉ vàng đã hơn 2 triệu đồng. Học phí rẻ, lệ phí thi lại rẻ (30.000 đồng) nên nhiều sinh viên chưa có trách nhiệm học tập.
"Tôi xin hỏi, rẻ đi với chất lượng cao có phải là logic không. Tôi không kỳ vọng đề án tăng học phí sẽ nâng cao ngay chất lượng giáo dục nhưng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn của ngành. Đề án cũng không bỏ qua tính hỗ trợ đối với người nghèo", ông Đào nói.
Lên tiếng ngay sau đó, đại biểu Đặng Văn Khanh lại bày tỏ quan điểm ngược lại. Theo ông, đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục là cần thiết nhưng đưa ra lúc này là phản cảm khi mà sự lãng phí và tiêu cực trong ngành giáo dục vẫn chưa giải quyết được.
"Đề án cho rằng học phí không quá 6% thu nhập của gia đình nhưng học phí và chi phí học tập khác nhau. Tại sao sách giáo khoa năm nào cũng phải mua mới, em không dùng được sách của anh. Anh Đào có nói là học phí đại học nước ngoài cao nhưng xin thưa toàn bộ chi phí như thư viện, sách... đã nằm trong học phí", đại biểu Khanh nói.
Theo ông Khanh, chủ trương của ngành là phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp nhưng theo đề án học phí đào tạo nghề, trung học chuyên nghiệp không giảm. "Nếu tiếp tục chính sách như vậy liệu có tiếp tục tình trạng thừa thầy thiếu thợ không?".
![]() |
Hơn 2 triệu sinh viên sẽ chịu tác động của đề án học phí. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyến tỏ ý băn khoăn khi Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT chưa có đánh giá hiệu quả đầu tư cho giáo dục thời gian qua, do đó khó cơ sở để khẳng định tăng học phí đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục.
"Cần có lộ trình cụ thể cho việc tăng học phí, nếu tình trạng học sinh bỏ học tăng sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu nhà nước. Chính phủ đặt ra thời điểm triển khai của đề án là 2009-2014, theo tôi nên lùi lại là 2010-2015, sau khi đánh giá lại hiệu quả đầu tư cho giáo dục", bà Tuyến nói.
Trước những băn khoăn của đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định, sau khi tăng học phí, trách nhiệm chính về ngân sách đào tạo vẫn thuộc về nhà nước.
"Tôi không dám hứa là tăng học phí sẽ tăng được chất lượng đào tạo ngay. Tuy nhiên, không có chuyện sau khi có khung học phí mới các hiệu trưởng thích tăng bao nhiêu cũng được bởi Bộ đã có cơ quan kiểm định chất lượng đào tạo để kiểm soát", ông Luận nói.
Hiện, cả nước có hơn 20 triệu học sinh, sinh viên. Trong đó, khối đại học, cao đẳng, trung cấp chiếm hơn 2 triệu.
Việt Anh