Ý kiến được ông Trần Văn Lực, hiệu trưởng trường THCS Đặng Tấn Tài (TP Thủ Đức) nêu tại buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với cử tri ngành y tế, giáo dục về vị trí việc làm, tiền lương.
Ông Lực nói hồi tháng 7, lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng, nhưng chỉ có tính chất động viên tinh thần chứ không bù được sự tăng giá. Thực tế, các năm qua lương cơ sở có tăng nhưng không đủ kích thích, giữ giáo viên ở lại trường.
Hiệu trưởng trường THCS Đặng Tấn Tài nêu ví dụ trong 5 năm đầu, tổng thu nhập mỗi tháng của giáo viên chỉ khoảng 5,5 triệu đồng, thấp hơn cả lao động phổ thông. Giáo viên trẻ, nuôi con nhỏ, ở nhà thuê không thể sống được với mức lương này. Chỉ riêng thuê phòng trọ đã hết 3 triệu đồng.
Để bám trụ với nghề, nhiều giáo viên làm đủ thứ từ bán hàng online đến gia sư. Số khác phải có sự hỗ trợ từ gia đình mới sống được. Phương án cuối cùng là họ bỏ nghề, tìm các cơ hội tốt hơn.
"Chúng tôi phải thuyết phục, vận động để giữ thầy cô ở lại nhưng rất khó", ông Lực nói và cho rằng nếu không có sự thay đổi về tiền lương, đảm bảo thu nhập đủ sống cho giáo viên thì những lao động có chuyên môn không còn mặn mà với ngành giáo dục.
Thống kê của ngành giáo dục cho thấy, hiện cả nước có 1,6 triệu giáo viên, thiếu khoảng 100.000. Chỉ trong năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là hơn 16.000, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành.
Tại buổi tiếp xúc, đại diện các trường cũng cho rằng do mức lương quá thấp nên việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, nhất là giáo viên ngoại ngữ, mỹ thuật, âm nhạc. Riêng vị trí giáo viên công nghệ thông tin, lương thị trường rất cao đến 20 triệu đồng mỗi tháng nhưng trong trường chỉ trả 5 triệu đồng.
Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nói dù thành phố có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đặc biệt nhưng chưa đủ sức thu hút số lượng giáo viên, cán bộ công nhân đáp ứng nhu cầu.
"Nhiều giáo viên bỏ việc, bỏ nghề vì chưa đủ đảm bảo cuộc sống", ông Dũng nói. Lãnh đạo ngành giáo dục thành phố đề nghị nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục. Cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập... cho giáo viên mới.
Tương tự, đối với ngành y tế, bác sĩ Võ Đức Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu nói mức lương khởi điểm của đội ngũ bác sĩ đang được áp dụng bằng chức danh chuyên môn có yêu cầu trình độ đại học với bậc một hệ số 2,34 nhân với lương cơ sở 1,8 triệu đồng, tương đương 4,2 triệu đồng mỗi tháng.
Theo ông Hiếu, điều này chưa phù hợp với thời gian đào tạo bác sĩ là 6 năm - cao hơn những ngành có trình độ đại học khác. Ra trường, bác sĩ phải học thực hành 18 tháng mới đủ điều kiện hành nghề cơ bản. Ngoài ra, khi về công tác, làm việc tại các chuyên khoa phải tiếp tục học với kinh phí khá cao.
"Bác sĩ không thể sống được với mức lương này, khu vực công không thu hút được người", ông Hiếu nói và đề nghị xem xét điều chỉnh mức lương khởi điểm tuyển dụng lần đầu với bác sĩ cao hơn mức chung.
Cùng quan điểm, bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM, cho rằng hệ số lương, bậc lương, lương cơ sở hiện chưa thể hiện được giá trị của tiền lương, chưa tạo động lực để tăng hiệu quả làm việc.
Bác sĩ Hoàng cho rằng cần xác định nhân viên y tế là ngành đặc thù, yêu cầu trình độ chuyên môn cao, đòi hỏi sự tận tâm nên cần có chính sách hỗ trợ chuyên biệt nhằm bù đắp phần nào đó để người lao động có những thuận lợi về sức khỏe tinh thần.
Lương công chức, viên chức hiện được tính bằng lương cơ sở nhân hệ số lương. Trong đó lương cơ sở căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng của thị trường và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Hệ số lương thể hiện sự chênh lệch mức tiền lương giữa các vị trí, cấp bậc công việc dựa trên trình độ, bằng cấp của công chức, viên chức. Lương cơ sở thấp (từ ngày 1/7/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng), hệ số lương ít thay đổi nên không tạo ra động lực cho người lao động.
Cuối tháng 9, Bộ Nội vụ có báo cáo về quản lý cán bộ, công chức gửi đại biểu Quốc hội, cho biết cán bộ, công chức trên toàn quốc sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay cho chính sách tiền lương thấp, chưa tạo động lực. Dự kiến trong quý 4 năm nay Chính phủ sẽ chỉ đạo bộ ngành, địa phương phê duyệt vị trí việc làm công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, hướng đến trả lương, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá, quy hoạch cán bộ, công chức theo phương pháp này.
Nghị quyết 27 của Trung ương đặt mục tiêu cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp từ 1/7/2021. Tuy nhiên hai năm qua, do nhiều tác động bất lợi, đặc biệt là đại dịch, lộ trình cải cách đồng bộ chính sách tiền lương chưa được thực hiện.
Lê Tuyết