"Đây là nhiệm vụ rất khó, nhạy cảm, nhưng không thể không làm để nâng cao tính minh bạch và chất lượng, hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo tiền đề cải cách chế độ tiền lương", Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nói tại phiên họp đầu tiên Ban chỉ đạo Xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, sáng 14/7.
Ông Quang yêu cầu Ban chỉ đạo xây dựng các kênh tiếp nhận ý kiến; Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trực tiếp làm việc với từng bộ ngành để gỡ khó khăn, vướng mắc. Sau khi ban hành hai thông tư hướng dẫn vị trí việc làm công chức, viên chức, các bộ ngành sẽ họp trực tuyến với địa phương để thực hiện và lắng nghe phản hồi, kịp thời điều chỉnh.
Phó thủ tướng cho biết trước cuộc họp sáng nay, ông nhận được 23 ý kiến của địa phương, "thể hiện sự mong đợi của các tỉnh, thành với nhiệm vụ này". "Nếu chậm ban hành thông tư hướng dẫn sẽ kéo theo chậm phát triển, gây tâm tư cho cán bộ, công chức, viên chức", Phó thủ tướng nói, yêu cầu đến cuối năm nay ban hành các đề án vị trí việc làm của bộ ngành, địa phương.
Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, đến nay mới có 6/20 bộ ngành ban hành thông tư hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 8/20 bộ ngành đã hoàn thiện, chuẩn bị ban hành; 4 đơn vị đang hoàn thiện trên cơ sở ý kiến Bộ Nội vụ; 2 đơn vị đang xin ý kiến Bộ Nội vụ. Các bộ đã ban hành thông tư là Bộ Nội vụ, Giao thông vận tải, Công Thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành cũng chỉ có 5/15 bộ, ngành ban hành; 6 đơn vị chuẩn bị ban hành; 3 đơn vị đang hoàn thiện; 1 đơn vị chuẩn bị xin ý kiến Bộ Nội vụ. Các đơn vị đã ban hành thông tư là Bộ Nội vụ, Giao thông Vận tải, Y tế, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Quy định về vị trí việc làm công chức, viên chức được Chính phủ ban hành năm 2020. Theo đó, căn cứ xác định vị trí việc làm của công chức dựa trên nhiều yếu tố như mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ.
Có hai cách phân loại vị trí việc làm. Đầu tiên là theo khối lượng công việc, như dựa theo vị trí do một người đảm nhiệm; vị trí nhiều người đảm nhiệm; việc làm kiêm nhiệm. Cách thứ hai là phân loại theo tính chất, nội dung công việc như vị trí lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên ngành; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ.
Sau khi hoàn thành sắp xếp vị trí việc làm, công chức, viên chức sẽ được trả lương tương xứng năng lực, khối lượng công việc, thay vì trả theo hệ số cào bằng hiện nay.
Nghị quyết 27 Trung ương đặt mục tiêu cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp từ 1/7/2021. Tuy nhiên, hai năm qua, do nhiều tác động bất lợi từ trong nước và thế giới, đặc biệt là đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội và nguồn thu ngân sách Nhà nước. Vì vậy, lộ trình cải cách đồng bộ chính sách tiền lương chưa được thực hiện.