Hết ba ngày Tết, cô Nguyệt, 24 tuổi, bắt đầu đếm ngược từng ngày để được đi làm trở lại. Tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, Đại học Sài Gòn từ cuối năm 2020, Nguyệt xin việc tại một trường mầm non ở phường Phước Long B. Dạy được vài tháng, trường đóng cửa khi đợt dịch thứ tư bùng phát.
Cô Nguyệt cùng hàng chục thầy cô trong trường thất nghiệp, bươn chải đủ nghề để sống. Người tạm bán hàng online, người làm gia sư, trong khi Nguyệt cùng nhóm bạn thân làm đồ handmade. Mỗi tháng, cô kiếm được 3-4 triệu, vừa đủ chi tiêu cá nhân để không phải phụ thuộc vào cha mẹ.
"Tiền tiết kiệm những tháng đi làm trước đó cũng cạn, nhiều lúc tự hỏi không biết mình trụ được bao lâu. Bây giờ, sự mong chờ đã được đền đáp. Mong tình hình dịch bệnh được kiểm soát để chúng tôi được làm việc ổn định lâu dài", cô nói.
Hôm chủ trường nhắn tin thông báo sẽ hoạt động sau Tết, cô Nguyệt vui sướng, rớm nước mắt. Cô giáo trẻ quyết định tranh thủ kỳ nghỉ Tết để làm nốt các đơn hàng đã nhận, sau đó toàn tâm, toàn ý cho việc đi dạy.
Nhiều giáo viên chia sẻ cảm giác hân hoan như cô Nguyệt, còn anh Lê Minh Cường - chủ một trường mầm non tư thục - thấy như được "sống lại" nhờ chính sách mở cửa học trực tiếp.
Anh Cường, 38 tuổi, phụ trách nhóm trẻ Lê Minh vui mừng nhắn vào nhóm Zalo với hơn 10 giáo viên, nhân viên, kêu gọi mọi người chuẩn bị đi làm lại.
Thành lập năm 2019, hoạt động chưa đầy một năm, nhóm trẻ phải ngưng hoạt động vì dịch. Hai năm liên tiếp, thời gian hoạt động ít hơn đóng cửa, cơ sở mầm non của anh Cường chật vật để giữ mặt bằng. Nhóm trẻ được cấp phép giữ 70 em nhưng sau 8 tháng đóng cửa, chỉ còn 20 trẻ.
"Số lượng quá ít, chắc chắn chúng tôi sẽ lỗ, nhưng tôi chấp nhận, để trường dần đi vào ổn định. Lúc này, được mở cửa đã là một chuyện vui nhất rồi", anh Cường chia sẻ.
Anh Cường cho biết, trong thời gian trường đóng cửa, một số giáo viên, bảo mẫu về quê. Một số người ở lại, mưu sinh bằng đủ nghề như bán hàng online, làm nhân viên siêu thị. Mục đích của thầy cô là "lấy ngắn nuôi dài", chờ ngày trở lại công việc mình yêu thích.
Trong khi TP HCM đã có lộ trình đưa trẻ mầm non trở lại trường, Hà Nội chưa ấn định ngày mở cửa lại khối mầm non. Đọc tin tuyển dụng của một trường mầm non ở TP HCM, đi làm sau Tết, cô Nguyễn Thị Thanh Thỏa ở Hà Nội bàn với chồng "vào trong đó tìm việc".
Đây là một trường tư thục cỡ nhỏ, sau đợt dịch hao hụt hơn 20% nhân sự. Cô Thỏa biết thông tin sau nhiều ngày "dạo trên mạng" săn việc làm.
Tốt nghiệp ngành Giáo dục mầm non, Cao đẳng Sư phạm Trung ương cuối năm 2017, cô Thỏa xin việc tại một trường mầm non tư thục ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Bốn năm ra trường, cô giáo 25 tuổi, quê Bắc Ninh trải qua hai năm dịch bệnh. Trường mầm non đóng cửa nhiều lần, đợt dài nhất từ tháng 4/2021 đến nay. "Đợt dịch đầu tiên năm 2020, giống như nhiều người, tôi rất bỡ ngỡ. Tới đợt thứ tư giữa năm 2021, có lúc tôi chản nản vì thấy nghề mình quá gian truân", cô chia sẻ.
Lương trung bình mỗi tháng 5 triệu, cô Thỏa dùng 2,5 triệu đóng tiền thuê nhà và điện nước, còn lại sử dụng cho sinh hoạt của hai vợ chồng và đứa con hai tuổi. Các khoản chi tiêu còn lại, gia đình trông cậy vào đồng lương của người chồng làm nghề lắp đặt điện lạnh. Suốt 8 tháng thất nghiệp, cô giáo làm thêm đủ việc, từ viết "content" đến làm gia sư cho các bé tiền lớp 1. Thu nhập bấp bênh, cô giáo cắt bỏ các chi tiêu cá nhân không thiết yếu, tiết kiệm tiền để dùng cho việc quan trọng.

Giáo viên trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, quận Gò Vấp, TP HCM đón trẻ đến trường hồi tháng 5/2020. Ảnh: Mạnh Tùng
Dạy trẻ mầm non là ước mơ từ bé, cô Thỏa chưa khi nào có ý định bỏ nghề dù đôi lúc cảm thấy chán nản. Hơn 8 tháng không được gặp học trò, cô giáo thèm cảm giác đứng lớp, nghe chúng bi bô, đùa giỡn.
"Tôi chờ mãi chưa thấy Hà Nội cho phép mở cửa mầm non, trong khi TP HCM đã tiến hành nên tôi muốn thử sức ở vùng đất mới xem sao. Vợ chồng tôi còn trẻ, nên có thể tận dụng các cơ hội", cô giáo nói. Nếu trúng tuyển, gia đình cô dự kiến vào TP HCM sau kỳ nghỉ Tết. Họ cần 1-2 tuần ổn định nơi ở trước khi bắt tay vào việc mới.
Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố cho học sinh trung học đi học từ 7/l đến 14/2. 60 tỉnh, thành phố đã có lịch học trực tiếp với học sinh tiểu học, mầm non; còn Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đã lên kế hoạch nhưng phải chờ lấy ý kiến phụ huynh để ấn định ngày cụ thể.

Năm học 2019-2020, cả nước có 15.041 trường mầm non, trong đó 2.900 trường ngoài công lập. Về số lượng nhóm, lớp mẫu giáo độc lập, tổng cả nước hơn 193.700, ngoài công lập chiếm khoảng một phần bốn - 50.500. Việt Nam có hơn 5 triệu trẻ mẫu giáo - mầm non và khoảng một triệu trong số đó theo học tại các cơ sở ngoài công lập.
Một khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo - nhằm đánh giá thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập - cho thấy, 95,2% cơ sở mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần từ 6 tháng trở lên); 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.
Năm ngoái, hơn 150 cơ sở giáo dục mầm non tại TP HCM xin giải thể vì Covid-19 kéo dài. Tháng 10/2021, gần 100 chủ cơ sở mầm non khác phải làm đơn kiến nghị, xin sự hỗ trợ từ các ban ngành và chính quyền.