Cô Huệ, 50 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 tại Hà Nam, kể lớp có ba nam sinh chơi thân, thường xuyên đùa nghịch. Hôm đó, hai em công kênh bạn, nhưng lúc trèo lên, em này trượt chân nên đã cộc đầu vào bàn. Sự việc xảy ra trước giờ vào lớp buổi chiều, cô Huệ không biết.
"Trong buổi học, em bị cộc đầu nói hơi mệt. Các bạn và chính em ấy cũng không kể gì về việc đùa nghịch hay bị ngã nên tôi tưởng em ốm và gọi phụ huynh tới đón về", cô giáo kể.
Tới 9h tối, phụ huynh gọi chia sẻ về sự việc, nói không nghiêm trọng nhưng dự kiến đưa con đi khám. Cô Huệ báo cáo hiệu trưởng, định hết buổi dạy sáng hôm sau sẽ qua nhà hỏi thăm. Song, hiệu trưởng yêu cầu cô đi ngay, "đừng để phụ huynh đăng lên mạng là thầy cô chậm trễ thăm hỏi". Cô cũng bị phê bình vì "không sát sao", cần rút kinh nghiệm.
"Tôi ấm ức, thấy không đáng bị phê bình như vậy", cô Huệ bày tỏ. Nhưng hiểu áp lực của hiệu trưởng, cô vội thay quần áo, chạy đi mua bốn vỉ sữa rồi lên nhà học trò, cách 5 km lúc 10h tối.
Cô Thanh, 28 tuổi, giáo viên mầm non tư thục ở Hà Nội, cũng "sợ xanh mặt" mỗi khi thấy một vết xước hay vết bầm tím trên người trẻ.
Phụ trách 30 bé ba tuổi cùng một cô giáo khác, cô Thanh nói không thể ngăn mọi hành vi có thể gây tổn hại của trẻ. Nhiều trẻ đùa nghịch rồi va vào nhau khiến xước chân tay hoặc vấp ngã trong lúc chạy nhảy.
"Nhưng phụ huynh thấy con xước xát một chút thường nghi ngờ ngay. Dù giải thích, tôi vẫn sợ họ không tin rồi đăng lên mạng, mình có thể mất việc", cô Thanh thở dài.
Các nhà quản lý giáo dục nhìn nhận tâm lý này bắt nguồn từ việc phụ huynh dùng mạng xã hội để giải quyết những vướng mắc về trường, lớp ngày càng nhiều. Dù chưa mắc lỗi, các giáo viên vẫn bị ám ảnh, e dè phụ huynh, ảnh hưởng tới tinh thần làm việc.
Từ đầu năm học đến nay, mạng xã hội liên tục lan truyền bài đăng của phụ huynh "tố" chuyện thu chi, ăn bán trú hay ứng xử của thầy cô. Tại Hội thảo về trường học hạnh phúc ngày 20/10, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, cho rằng giáo viên phải đối diện áp lực lớn.
"Chỉ cần một hành vi lệch chuẩn thì ngày mai, cả mạng xã hội dậy sóng. Thầy cô áp lực vô vàn", ông Đức nói.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có hơn 77 triệu lượt người dùng Internet, chiếm gần 80% dân số. Internet khiến tốc độ lan truyền thông tin nhanh, nhiều sự việc phụ huynh đăng lên mạng thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác chỉ trong vài tiếng.
Từng phản ánh chuyện thu, chi của quỹ phụ huynh lớp con trai lên Facebook, chị Nhài, 29 tuổi, ở Hà Nội, cho biết cách này hiệu quả tức thì. Chỉ 6 tiếng sau khi đăng bài, giáo viên chủ nhiệm và đại diện ban phụ huynh đã đến gặp.
"Trưởng ban phụ huynh hứa công khai các khoản, cô giáo cũng giải thích cặn kẽ. Tôi thấy hợp lý nên gỡ bài", chị Nhài kể, cho rằng phụ huynh "thấp cổ bé họng thì cần đám đông cùng gây sức ép".
Một hiệu trưởng ở Quảng Trị nói suy nghĩ này hiện phổ biến, buộc nhà trường và giáo viên thận trọng trong từng câu nói, hành động.
"Chưa cần biết đúng, sai, cứ lên mạng là sẽ phải báo cáo, giải trình, bị cấp trên nhắc nhở, bị điều tiếng", ông nói, cho hay khi phát hiện sự việc, tốt nhất phải cầu thị, khéo léo để giải quyết sớm.
Ông nhìn nhận nguyên nhân là giữa phụ huynh và nhà trường, giáo viên chưa đủ cởi mở, tin tưởng để trao đổi trực tiếp. Tuy nhiên, ông cũng bức xúc vì một số sự việc bị phụ huynh đẩy đi quá xa hoặc không tìm hiểu kỹ, cố tình đăng sai sự thật. Ông biết có đồng nghiệp quay cuồng cả tuần vì một suất ăn không phải của trường nhưng bị đưa lên mạng, hay có giáo viên cấp dưới bị cắt ghép lời nói trong nhóm zalo, chụp màn hình gửi khắp nơi.
PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên, quyền Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đồng tình. Bà cho rằng những phản ánh xác đáng của phụ huynh trên mạng giúp sai phạm được xử lý nhanh, trở thành bài học cho các trường và thầy cô, nhưng không ít phản ánh thiếu khách quan.
Hệ quả là giáo viên xuất hiện trạng thái tự vệ nghề nghiệp, theo TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục. Khi cảm thấy bất an trước những tác động từ bên ngoài, giáo viên sẽ thu mình, ngại cống hiến.
"Giáo viên mà mất đi sự nhiệt tình, đam mê công việc thì thiệt thòi nhất là học trò", ông Học nhìn nhận.
Ở Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu tác động cụ thể của việc này. Còn tại Hàn Quốc, giai đoạn 2018-2022 ghi nhận hơn 1.000 giáo viên bị học sinh và phụ huynh hành hung hoặc công kích. Nỗi sợ phụ huynh của giáo viên nghiêm trọng đến nỗi chính phủ nước này dự kiến một loạt thay đổi, trong đó có việc hạn chế phụ huynh tiếp xúc với giáo viên.
Chứng kiến một đồng nghiệp nhận "gạch đá", phải kiểm điểm vì chỉ tay mắng học trò, thầy Trung, giáo viên Toán THCS ở Hà Nội, nói bị giảm nhiệt huyết. Biết mình đôi lúc nóng tính, thầy dặn lòng chỉ cần dạy cho xong bài, thay vì sát sao, đốc thúc, thậm chí "to tiếng" nhắc nhở học sinh chuyện bài vở.
"Tôi cũng thấy có lỗi nhưng thôi dù gì mình chỉ là làm công ăn lương. Chỉ một phút thiếu kiềm chế, bị bêu lên mạng thì trở thành vết đen sự nghiệp", thầy Trung nói.
Còn với cô Huệ ở Hà Nam, vốn mệt mỏi vì lượng công việc lớn, nhiều giấy tờ, tập huấn, việc phải đi xin lỗi học sinh trong đêm như giọt nước tràn ly.
"Tôi cảm giác chỉ cần một sơ xảy, mọi người sẽ gạt đi 30 năm tôi đã cống hiến", cô Huệ nói, cho biết đã gửi đơn lên cấp trên, xin nghỉ hưu sớm ba năm.
Các nhà giáo cho rằng vướng mắc giữa nhà trường và phụ huynh là điều khó tránh khỏi. Vấn đề là giải quyết mọi việc một cách tích cực, văn minh.
TS Học nhìn nhận phụ huynh có thể cho rằng giáo dục là một dịch vụ, có quyền đòi hỏi bên cung cấp (nhà trường) nâng cao chất lượng. Song, đây là dịch vụ đặc biệt, người mua hàng - tức phụ huynh, cũng nên có ứng xử phù hợp.
"Phản ứng làm sao để đảm bảo tính nhân văn, giáo dục con mình và các học sinh khác còn nhìn vào", ông Học chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, khuyên phụ huynh tìm hiểu kỹ, ngoài nghe từ con thì hỏi thêm bạn bè, bố mẹ khác. Khi nắm được sự việc hãy chia sẻ với giáo viên, nếu việc xử lý chưa thỏa đáng thì tìm tới ban giám hiệu.
Trong khi đó, thầy cô cũng cần thích ứng rằng mình là bên cung cấp dịch vụ, trang bị kỹ năng giao tiếp với phụ huynh và học sinh, xử lý khủng hoảng truyền thông, theo ông Học. Còn ông Ngai cho rằng trường học nên xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý khiếu nại, rõ kênh để phụ huynh liên hệ khi cần.
"Tôi mong trường học và phụ huynh trước mỗi hành động nên suy xét xem nó có ảnh hưởng xấu gì tới học trò không. Suy cho cùng, các em là người chịu tác động lớn nhất", ông Ngai nói.
Thanh Hằng
*Tên giáo viên, phụ huynh được thay đổi