Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà xuất bản và tác giả sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều phải chỉnh sửa, hiệu đính nội dung chưa phù hợp. Bộ sẽ xem xét, phê duyệt trước ngày 15/11.
Tuy nhiên, cô Bích Ngọc, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Hà Nội, đã tự điều chỉnh ngữ liệu để dạy học. "Việc chủ động thay đổi là cần thiết bởi chương trình vẫn phải dạy chứ không thể dừng lại đợi đến ngày 15/11", cô Ngọc giải thích và cho rằng việc điều chỉnh ngữ liệu không phức tạp. Hiện học sinh lớp 1 đã hoàn thành tuần học thứ 9 và học đến bài 55. Sách giáo khoa đã bắt đầu có những từ ngữ, bài đọc bị cho là "chưa phù hợp". Cô Ngọc có nhiều cách xử lý tùy vào mỗi phần.
Chẳng hạn, với những bài tập đọc, cô cùng đồng nghiệp sẽ họp chuyên môn để đánh giá, quyết định thay hoàn toàn ngữ liệu hay vẫn có thể sử dụng. Trong 55 bài đã học, cô Ngọc từng phải thay đổi ngữ liệu phần tập đọc của một bài. Cô liên hệ với thầy cô biên soạn sách để hỏi sách tham khảo liên quan dành cho giáo viên, từ đó có những ngữ liệu thay thế hoặc có cơ sở để biên soạn ngữ liệu mới.
Cô in ngữ liệu mới, kẹp vào trang sách có bài học rồi dạy theo ngữ liệu mới cho cả lớp, đồng thời nhắn tới nhóm lớp cho phụ huynh biết. Dù vậy, với những em đọc tốt, cô vẫn khuyến khích đọc cả hai phần ngữ liệu bởi "không có gì xấu". Những em gặp khó khăn trong việc đọc chỉ cần học theo ngữ liệu mới.
Với những bài đọc vẫn có thể sử dụng, cô Ngọc linh hoạt trong cách dạy. Chẳng hạn sau khi học bài "Ve và gà", giáo viên này đặt câu hỏi "Các con thích nhân vật nào nhất" thay vì áp đặt học sinh phải thích gà bởi gà chăm chỉ và không được thích ve vì ve lười biếng. Khi đó, có em trả lời "thích gà con vì gà con dễ thương", có em lại "thích ve vì ve hát rất hay và em lại thích múa hát".
"Ví dụ trên cho thấy trẻ có góc nhìn rất khác người lớn. Việc cho trẻ tự chọn nhân vật yêu thích sẽ giúp các con thấy ý kiến của mình được ghi nhận, từ đó trở nên mạnh dạn hơn", cô Ngọc nói.
Cô Ngọc đánh giá, ngữ liệu trong phần tập đọc ở sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều nhiều và dài hơn so với sách cũ. Do đó giáo viên không phải tìm thêm ngữ liệu ngoài như trước mà chỉ thay đổi những bài tập đọc mà phụ huynh trao đổi là gây khó hiểu cho học sinh lớp 1. Với những em đọc tốt, cô sẽ cho đọc trơn cả bài. Những em gặp khó khăn hơn trong việc đọc sẽ chỉ phải đọc 2-3 câu.
Theo chương trình cũ, mỗi bài có hai vần, 4 từ mới và 2-3 câu tập đọc. Điều này khiến việc học của học sinh rất hạn chế, hay bị đọc vẹt. Trẻ con nhớ rất nhanh, khi đưa ra từ đọc 2-3 lần là nhớ ngay và có thể đọc mà không cần đánh vần, nhưng khi hỏi lại từ đó đánh vần như nào thì không biết. Để chống đọc vẹt, thầy cô phải đưa thêm ngữ liệu vào.
Ngoài các bài đọc, từ ngữ trong sách Cánh Diều cũng bị phản ứng nhưng không gây khó khăn cho cô giáo 30 tuổi này. Chẳng hạn từ "vô", "nệm" là phương ngữ miền Nam, nhưng cô Ngọc cho rằng đây là phương ngữ thông dụng và tiếp nhận rất nhẹ nhàng bởi sách giáo khoa làm cho học sinh cả nước thì không thể tránh khỏi sử dụng phương ngữ. Với từ này, cô Ngọc dạy như bình thường, đồng thời giải thích, đưa từ cùng nghĩa mà người miền Bắc hay dùng để các em hiểu nghĩa và học được thêm từ vựng.
Một số hình ảnh khó như "sâm cầm", cô Ngọc phải tìm hiểu, chuẩn bị hình ảnh minh họa để học sinh có thể biết và ghi nhớ được, phân biệt được với những loài vật tương tự. Với cách làm này, từ một từ ngữ, hình ảnh khó, học sinh có thể biết thêm nhiều từ và kiến thức mới về thế giới xung quanh. "Nhiều bố mẹ nghĩ là một số từ khó các con học sao được nhưng đó chỉ là suy nghĩ của người lớn mà không để ý đến đặc điểm tâm lý, nhận thức của trẻ. Trẻ có thể không biết nhưng chỉ cần giải thích 2-3 lần thì có thể nhớ và nhớ rất lâu", cô Ngọc khẳng định.
Với sự thay đổi linh hoạt đó, đến nay là giữa học kỳ I, cô Ngọc đánh giá mặt bằng học sinh khá ổn. Các em biết đọc nhanh hơn, mở rộng vốn từ nhiều hơn so với chương trình cũ.
Tại TP HCM, một cô giáo lớp 1 ở trường tiểu học sử dụng bộ Cánh Diều cũng cho biết khối chuyên môn của trường đã chủ động thay thế những ngữ liệu được cho là chưa phù hợp. Mục tiêu của giáo dục ở chương trình phổ thông mới là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh nên giáo viên có nhiều quyền chủ động hơn.
Khoảng hai tháng nay, khi dạy học sinh lớp 1 theo chương trình mới, nhất là với sách Tiếng Việt 1, giáo viên bỡ ngỡ bởi mọi thứ đều mới. Nội dung mỗi bài âm khá dài, ngữ liệu nhiều, phần đọc câu dài nên giáo viên và học sinh khó hoàn thành bài học. "Chúng tôi phải linh hoạt với các bài âm khó, thay vì dạy một hoặc hai tiết, có thể kéo dài sang tiết thứ ba. Một số bài đọc chưa phù hợp hoặc một số từ khó hiểu như nhá, nom, chén cũng được tổ chuyên môn thống nhất sẽ dùng các từ thay thế. Mọi việc không quá phức tạp", cô giáo chia sẻ.
Một nữ giáo viên tiểu học ở quận 1 cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới không quy định cứng nội dung từng bài học tương ứng với thời gian của buổi học, tuần học mà chỉ quy định thời lượng và yêu cầu cần đạt của cả năm học đối với từng môn. Do đó, tổ khối chuyên môn, giáo viên sẽ chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và phân bổ các tiết dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh.
Với sách giáo khoa, cô giáo này nhận định cả năm bộ sách được biên soạn với thiết kế mới, hấp dẫn về hình thức trình bày, kênh chữ và kênh hình rõ ràng, màu sắc đẹp, dễ sử dụng. Tuy nhiên, một điểm hạn chế là nội dung sách còn nhiều chữ. Số lượng chữ trong một số bài đọc còn nhiều làm cho việc khai thác hết ý nghĩa của câu chuyện đối với một số học sinh còn hạn chế.
Học sinh lớp 1 mới vào trường tiểu học, chưa biết chữ và số nên khó khăn khi tiếp nhận kiến thức. Giáo viên phải đọc và giải thích nhiều trong một tiết học. Ngoài ra, sách còn một vài ngữ liệu và hình ảnh chưa phù hợp với học sinh.
Thế nhưng cô giáo này vẫn cho rằng việc triển khai và sử dụng hiệu quả sách giáo khoa hoàn toàn nằm trong tầm của giáo viên. Thầy cô phải nắm vững yêu cầu cần đạt của chương trình, cách thiết kế sách giáo khoa để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp. Nếu thấy từ ngữ, hình ảnh nào trong sách không phù hợp với đặc điểm của học sinh, vùng miền, giáo viên sẽ tìm từ những bộ sách khác, lấy nội dung và hình ảnh thay thế.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết việc triển khai chương trình mới gặp khó khăn trong khoảng hai tuần đầu tiên do năm học bắt đầu trễ. Thay vì tựu trường khoảng cuối tháng 8 như mọi năm, năm nay việc thực học bắt đầu từ 7/9, học sinh có khoảng thời gian tiếp cận, làm quen với môi trường mới ít hơn những năm trước.
Một số giáo viên lúng túng khi triển khai chương trình và sách giáo khoa mới với nhiều yêu cầu mới cùng một số điểm chưa phù hợp. Nội dung này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM theo sát, hướng dẫn tháo gỡ về chuyên môn. Trong đó, Sở giao quyền tự chủ cho giáo viên, giáo viên chủ động thực hiện chương trình, sử dụng các ngữ liệu thay thế ngữ liệu không phù hợp trong sách giáo khoa.
"Theo chương trình mới, sách chỉ là phương tiện hỗ trợ cho việc dạy học. Các trường trang bị tất cả bộ sách trong thư viện để giáo viên tham khảo, đồng thời với các nguồn tư liệu sẵn có, kịp thời chủ động điều chỉnh những ngữ liệu chưa phù hợp", ông Hiếu nói.