Năm đầu tiên xa nhà, Phạm Nguyễn Minh Tuấn, sinh viên năm thứ nhất ngành Khoa học Y khoa, Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Australia, đến nhà bạn để đón giao thừa.
Bay từ Việt Nam sang cách đây một tuần, nam sinh mang theo hai loại mứt dừa để có hương vị quê nhà. Em hơi tiếc vì phải sang sớm, không được ăn Tết bên gia đình. Tuy nhiên, không khí ấm cúng và sự ấm áp của gia đình bạn khiến Tuấn vơi nỗi nhớ nhà. Em cùng mọi người chuẩn bị mâm cơm cúng với xôi, gà luộc, bánh chưng, giò, xem chương trình Táo quân và đếm ngược khoảnh khắc bước sang năm mới.
"Em vừa nói chuyện với bố mẹ ở Việt Nam, cả nhà đang làm cơm cúng giao thừa. Đây là cái Tết đặc biệt nhất với em", Tuấn chia sẻ.
Với Tuấn, 2023 là một năm có nhiều điều mới mẻ. Tuấn quyết định du học hồi Tết năm ngoái và bây giờ đã đặt chân đến Australia với học bổng toàn phần. Nhìn lại, em cảm thấy đây là một hành trình ý nghĩa và đáng trân trọng.
"Dự định năm mới của em là hoàn thành tốt việc học, gặp những người bạn từ khắp nơi trên thế giới và khám phá những địa điểm mới tại Australia", Tuấn chia sẻ.
Tại Trung Quốc, du học sinh Việt bước sang năm mới trước quê nhà một tiếng. Đúng khoảnh khắc giao thừa, Đào Việt Trinh, học viên thạc sĩ, Đại học Dân tộc Quảng Tây, cùng các lưu học sinh trong ký túc xá quầy quần chúc mừng năm mới. Trời rất lạnh nên Trinh và các bạn không ra ngoài mà xem pháo hoa từ ban công phòng.
Trước đó, Trinh chúc Tết các thầy cô ở trường và được thưởng thức bữa tất niên truyền thống của người Trung Quốc với món cá và gà. Trinh nói háo hức khi lần đầu tiên đón năm mới ở Trung Quốc. Để tạo không khí và giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế, hôm 7-8/2, Trinh đã làm các món ăn truyền thống như nem rán, bánh chưng và mời bạn bè tham gia.
"Mọi người gói bánh rất vui. Chúng tôi gói được 15 chiếc", Trinh kể. Do không tìm được lạt, cô và các bạn buộc bánh bằng sợi len. Bánh gói xong được luộc trên bếp điện do ký túc xá không cho dùng bếp than, củi.
Với Trinh, trải nghiệm đón Tết cùng những người bạn quốc tế là kỷ niệm đẹp trong hành trình du học. Trong 1,5 tháng được nghỉ Tết, cô dự kiến ở lại ký túc xá tự học và làm bài tập.
Tối giao thừa, Lê Quỳnh Anh, sinh viên năm thứ nhất ngành Tài chính, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Singapore, cùng bạn lên phố người Hoa Chinatown để trải nghiệm không khí Tết. Quỳnh Anh cho hay đường phố nhộn nhịp và trang hoàng rực rỡ, nhưng do quá đông đúc, em và bạn đành quay về.
"Chúng em cũng hơi tiếc nhưng về nhà có thể gọi điện đón giao thừa với bố mẹ. Nếu ở lại, chắc 2h sáng mới về đến nhà", Quỳnh Anh chia sẻ.
Cách đây gần hai tuần, nữ sinh đã tham gia chương trình "Tết tâm tình" với hoạt động gói bánh chưng và làm mứt dừa do Hội Sinh viên Việt Nam ở Singapore tổ chức. Đây là năm thứ ba hoạt động này được diễn ra, nhằm mang không khí Tết quê hương đến các du học sinh.
"Hoạt động này giúp chúng em thấy ấm áp khi Tết đến gần", Quỳnh Anh chia sẻ.
Tại Nga, Lê Trọng Nghĩa, sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Tổng hợp Quốc gia Polessky, đón Tết cùng các gia đình người Việt ở trong thành phố. Giao thừa ở Việt Nam là 20h ở Nga nên năm nào vào giờ này, em cũng cùng mọi người quây quần xem chương trình cuối năm và gọi về cho bố mẹ.
"Em thấy ấm áp khi được các cô chú người Việt ở đây đùm bọc. Xa nhà nhưng em vẫn được thưởng thức đầy đủ các món ăn ngày Tết", Nghĩa nói.
Nghĩa cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Nga có tổ chức chương trình Tết và mời người Việt đến dự, song vì bận học nên Nghĩa và các bạn không lên thủ đô tham gia được.
Nhữ Đình Nguyên, sinh viên năm thứ hai ở Algonquin College, thành phố Ottawa, tỉnh Ontario, Canada, tranh thủ gọi về cho gia đình trước do giao thừa ở Việt Nam là 12h trưa Canada - lúc Nguyên đang ở trường. Những ngày qua, thấy bạn bè đăng ảnh dọn nhà, mua sắm Tết, Nguyên cũng muốn được về sum vầy cùng gia đình.
"Em nhớ nhất hình ảnh ngày 30 Tết cùng cả nhà dọn dẹp và trang trí nhà cửa", Nguyên kể, cho hay cuối tuần trước, cộng đồng người Việt Nam tại Ottawa tổ chức chương trình "Tết Việt Ottawa 2024" cho các gia đình và sinh viên ở đây. Mọi người đều diện áo dài, cùng nhau làm thủ công trang trí Tết, nhảy sạp, kéo co và học làm bánh chưng.
Trong năm qua, Nguyên đã hoàn thành xuất sắc chương trình học với điểm trung bình học tập đạt tuyệt đối 4.0. Năm tới ra trường, Nguyên hy vọng tìm được công việc đúng ngành.
"Em muốn về Việt Nam thăm gia đình sau tốt nghiệp. Em cũng mong có sức khỏe để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra", Nguyên nói.
Với Lê Thùy Dương, học viên chương trình thạc sĩ, Đại học Gonzaga, thành phố Spokane, bang Washington, Mỹ, Tết năm nay khác biệt hơn cả.
Dương hiện là chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Gonzaga. Năm nay, Dương cùng gần 50 du học sinh Việt cùng mang đến một không khí Tết đậm chất Việt Nam giữa lòng Gonzaga, qua đó giới thiệu văn hóa dân tộc với bạn bè quốc tế.
Ngày 10/2, tại nhà ăn chính của trường, tầng 1 sẽ trở thành khu ẩm thực Việt với phở bò, bún thịt nướng, bánh mỳ và những món truyền thống như thịt kho tàu, chè tráng miệng. Tầng 2 là khu chợ Tết, nơi mọi người có thể tìm thấy những sản phẩm thủ công, đồ ăn vặt và các gian hàng giới thiệu văn hóa truyền thống như áo dài, lì xì....
Ý tưởng về sự kiện Tết xuất phát từ chính trải nghiệm của Dương khi nhiều năm ăn Tết xa nhà.
"Những năm đầu tiên đón Tết xa nhà là khoảng thời gian khó nhất. Những kỷ niệm Tết của tuổi thơ, bữa cơm tất niên và giây phút giao thừa... luôn in đậm trong trí nhớ tôi", Dương chia sẻ. Cô mong duy trì hoạt động này thường niên để du học sinh cảm thấy ấm áp vào thời khắc năm mới.
Bình Minh