Một tuần lễ đầu năm 2025 đã mang đến cho giao thông Sài Gòn một diện mạo lạ lẫm, trật tự hơn bao giờ hết. Từ khi Nghị định 168/2024 với mức xử phạt giao thông mới được áp dụng, tôi nhận thấy một sự thay đổi rõ rệt trên những con đường quen thuộc.
Điển hình là đường Tôn Đức Thắng, đoạn gần bến Bạch Đằng. Trước đây, đèn đỏ cho người đi bộ dường như chỉ là một chiếc đèn trang trí, bởi xe máy vẫn lao vun vút, mặc kệ người đi bộ.
Tôi từng cảm thấy lạc lõng, thậm chí ngại ngùng khi đứng dừng xe chờ đèn trong khi những người khác cứ thế vượt qua. Đáng nói hơn, những vị khách du lịch nước ngoài tỏ ra bối rối trước tình trạng này, họ phải dò dẫm từng bước để băng qua đường giữa dòng xe cộ ồ ạt.
Nhưng nay, mọi chuyện đã khác.
Không chỉ vậy, trên nhiều tuyến đường khác, hình ảnh xe máy leo lề hay chạy ngược chiều để "tiết kiệm thời gian" dường như đã biến mất. Người ta sẵn sàng chờ đợi, chịu cảnh kẹt xe chứ không còn tìm cách "đi tắt về nhanh".
Ngay cả đi bão ăn mừng tuyển bóng đá Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024, đám đông cũng trật tự hơn.
Ở Hà Nội, giao thông cũng tự khắc đi vào nền nếp tương tự. Trước đây, chúng ta tự hỏi khi nào mới có cảnh kẹt xe ngăn nắp như ở Đài Loan, Ấn Độ? Bây giờ đã có câu trả lời.
Điều này khiến tôi suy ngẫm về thói quen xề xòa, "xí xóa" của chúng ta bấy lâu nay. Từng hành vi nhỏ như vượt đèn đỏ, leo lề hay lấn làn không chỉ gây phiền phức cho người khác mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với luật pháp và cộng đồng.
Ai cũng vì lợi ích của bản thân mà quên mất rằng, giao thông là một mạng lưới chung, nơi quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người đều gắn bó mật thiết.
Chính sách xử phạt mạnh tay này không chỉ là sự răn đe mà còn là một bài học sâu sắc về tính kỷ luật và ý thức công dân. Nếu không có chế tài đủ nghiêm khắc, liệu có ai tự nguyện dừng lại khi không có cảnh sát đứng ngay đó? Phải chăng, chúng ta cần một "pháp gia" hiện đại, với những quy định và chế tài đủ sức nặng để dẫn dắt người tham gia giao thông vào khuôn khổ?
Thay vì kêu ca, hãy nhìn nhận một cách công bằng rằng chính sự cứng rắn trong xử lý vi phạm đã và đang đưa giao thông vào nề nếp. Giao thông trật tự hơn không chỉ giúp di chuyển dễ dàng mà còn mang lại sự văn minh, tử tế cho xã hội.
Đây không phải là chuyện tiền phạt cao hay thấp, mà là cách chúng ta chọn sống và hành xử trong một cộng đồng lớn.
Một tuần lễ tuy ngắn ngủi nhưng đủ để khơi gợi hy vọng. Nếu mỗi người đều chấp hành luật giao thông một cách tự nguyện, không phải vì sợ bị phạt mà vì tôn trọng luật lệ, thì chắc chắn những con đường sẽ không chỉ bớt ùn tắc mà còn trở nên an toàn, văn minh hơn rất nhiều. Và khi đó, chúng ta sẽ không cần phải cảm thấy xấu hổ trước những ánh mắt tò mò của du khách nữa.
Nhất Nguyên