"Có lần tôi đón người nhà trong sân bay, đang lái xe đi ra, lúc đó giờ thấp điểm nên các làn khá vắng vẻ, bản thân tôi cũng rất thong thả chả việc gì phải vội.
Vậy mà khi tôi còn cách bốt nhân viên khoảng 30m thì một chiếc xe từ sau lao lên như đi ăn cướp để chiếm lấy chỗ tôi sắp sửa đi vào, nếu tôi không phanh gấp lại chắc chắn sẽ có va quẹt.
Trong khi sân bay rất vắng, không hề phải xếp hàng chờ đợi, vậy nhưng vẫn cố cắm đầu cắm cổ ăn cướp nhau từng mét chỉ để ra trước nhau vài giây, thật không còn gì để mà nói về văn hóa của người cầm lái cái xe đó".
Độc giả Kiệt Nguyễn Tuấn chia sẻ về trải nghiệm "me first" khi một lần bị xe phía sau lao lên giành chỗ. Chia sẻ này được viết sau bài Ảnh tắc đường 'me first' khiến giao thông Việt nổi tiếng.
Tác giả bài viết cho rằng tâm lý "me first" đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích chung, bất chấp luật lệ và quy định giao thông. Biểu hiện của tâm lý này rất đa dạng, như: lấn làn, vượt ẩu, phóng nhanh, chen lấn, giành đường, leo vỉa hè...
Độc giả vanha.vickie: 'Me first' không chỉ là 'tôi muốn đi trước' mà là 'tôi là trên hết' thì có lẽ chính xác hơn. Nhiều người Việt không chỉ 'me first' trong giao thông mà trong rất nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, đặt cá nhân lên trên tập thể, ngắn hạn lên trên dài hạn, miễn sao mình được việc, không quan tâm liệu có ảnh hưởng đến người khác hay không.
Độc giả Tử Vương nêu nguyên nhân xuất hiện của tâm lý này: "Theo tôi "Me first' bị ảnh hưởng tâm lý đám đông và tâm lý sợ hãi. Ví dụ: Tôi dừng lại để nhường đường cho người đi bộ thì phía sau đã bấm còi inh ỏi chửi bới dù tôi đúng luật, nhân văn.
Rồi từ đó tôi hình thành tâm lý sợ bị chửi nên tôi sẽ không nhường đường nữa. Từ đó lúc nào cũng phải đi thật nhanh. Bạn nào đi đường để ý khi dừng đèn đỏ một số xe nghe tiếng còi xe khác dù còn 10 giây đèn đỏ nhưng họ vẫn vặn ga bỏ chạy. Tâm lý sợ bị chửi đấy".
Phân tích ảnh trong bài, độc giả Phạm Hồng Quang cho rằng: "Nếu tất cả các ngã tư có đèn quẹo trái thì tôi nghĩ sẽ giảm kẹt hơn như hiện nay. Vì ôtô hay xe buýt là nguồn "chiếm chỗ" nhất vì dù sao họ cũng phải tuân thủ luật hơn ...xe máy. Nếu các bác này không ưu tiên cho xe máy thì sẽ kẹt cả chùm.
Đèn xanh được quẹo trái nhưng thực tế lại bịt lối đi của dòng xe đối diện. Khi đã kẹt xe phía trước mà ùn ứ thì lúc đèn xanh, ôtô cứ đi nhích thì sao mà không kẹt. Trong hình ảnh thì thực tế lượng xe không quá đông thế mà cũng kẹt...".
Đồng quan điểm, độc giả aspirationmore nói: "Nếu có đèn điều khiển giao thông nhưng ông xe buýt chạy cố vượt đèn tí nhưng bị khựng lại bởi dòng xe chạy đúng đèn xanh vừa mở thì xem như xong. Còn nếu không có đèn giao thông (có đèn nhưng mất điện hoặc không có đèn) thì chỉ cần một tích tắc của vượt và lách thôi là xem như chúng ta ai cũng là 'me first' thì chỉ còn đứng nhìn nhau mà thôi".
Độc giả MyloveisWinter: "Đi xe máy hay ôtô đều cần tuân thủ luật và biết dừng chờ đèn đỏ thì mới hết kẹt xe. Cái tư duy xe máy nhỏ nên 'cố' một tí không sao cũng đã vô hình trung làm kẹt xe thêm.
Ai ai cũng 'cố' một tí nên thành đoàn xe vượt đèn. Nên dù đang điều khiển xe gì thì cũng cần phải tôn trọng luật giao thông, cần nhường đường vì chính bản thân mình, chen lên một xíu làm kẹt đường sẽ kéo theo cả thành phố chậm lại, tính ra bản thân không nhanh hơn được".
Độc giả Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt: Nếu ai cũng tâm lý sẵn sàng 'After you' (nhường bạn đi trước) thì tin tôi đi đường sẽ tự nhiên thông thoáng và ai cũng vui vẻ lịch sự trên gương mặt thay vì phải stress nặng vì 'me first'".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.